Nuôi ngựa đầy chuồng, nuôi ong đầy vườn, nông dân Lai Châu giàu có, ai đến xem đều thích

Tuấn Hùng - Quang Đoài Thứ ba, ngày 12/09/2023 13:41 PM (GMT+7)
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ngựa vó quy mô 330m2 của Hợp tác xã Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) ông Hoàng Xuân Oanh, Giám đốc hợp tác xã Xuân Oanh hồ hởi nói về mô hình giúp các gia đình khá giả...
Bình luận 0

video: Chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Lai Châu giúp nông dân có thu nhập tốt hơn thông qua nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế tốt.

Phong Thổ ở Lai Châu chăn nuôi hàng hóa

Được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, nông dân ở huyện biên giới Phong Thổ đã có điều kiện thay đổi phương thức sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi mới. 

Năm 2022 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ đã triển khai hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi cho người dân trên địa bàn huyện. 

Toàn huyện Phong Thổ có 8 hộ và 2 hợp tác xã tại thị trấn Phong Thổ và các xã Dào San, Huổi Luông và Mù Sang được hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi với số tiền hỗ trợ gần 1 tỷ đồng; nhờ được hỗ trợ các hộ chăn nuôi đã từ bỏ thói quen thả rông gia súc chuyển sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, nhờ đó góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ngựa vó quy mô 330m2 của Hợp tác xã Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) ông Hoàng Xuân Oanh, Giám đốc hợp tác xã Xuân Oanh hồ hởi cho biết: Khu chăn nuôi ngựa của hợp tác xã được hỗ trợ 265 triệu đồng xây dựng chuồng trại và làm hầm bioga từ chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu. 

Đến nay, hợp tác xã thường xuyên duy trì đàn ngựa bạch và ngựa màu khoảng 30 con. Trung bình mỗi năm hợp tác xã thu về hàng trăm triệu đồng. 

Việc được hỗ trợ chuồng trại và hầm bioga đã giúp hợp tác xã Xuân Oanh đảm bảo việc chăm sóc ngựa cũng như không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Làm chuồng trại nuôi ngựa, ong, nông dân vùng này của Lai Châu giàu có, môi trường sống cũng tốt lên - Ảnh 2.

Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình và hợp tác xã ở các xã, bản vùng cao của huyện Phong Thổ có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: Quang Đoài

Cũng trong năm 2022, trong việc triển khai các nội dung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 07 HĐND tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ đã thực hiện hỗ trợ nuôi ong mật với qui mô 600 thùng, tại các xã Mù Sang, Bản Lang, Hoang Thèn, Mù Sang và thị trấn Phong Thổ tổng kinh phí hỗ trợ là 420 triệu đồng.

Ngay sau khi Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu có hiệu lực, gia đình ông Lò Văn Nông, ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã đăng ký nuôi 30 thùng ong lấy mật với mức hỗ trợ mua giống, thùng nuôi là 700 nghìn đồng/thùng. Nhờ được hỗ trợ kinh phí, cũng như kỹ thuật chăm sóc nên đến nay gia đình ông Nông đã thu được khoảng 150 lít mật ong với giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/lít mật. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nông cho biết: Sau một thời gian tích lũy được kinh nghiệm, có vốn tôi mạnh dạn tách thêm được 11 thùng nuôi. 

Hiệu quả kinh tế từ nuôi ong là rất rõ ràng, tuy nhiên tôi rất mong chính quyền và các ban, ngành hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, được như vậy thu nhập của gia đình tôi và bà con sẽ khấm khá hơn.

Làm chuồng trại nuôi ngựa, ong, nông dân vùng này của Lai Châu giàu có, môi trường sống cũng tốt lên - Ảnh 3.

Mô hình nuôi ong đã từng bước giúp nông dân ở huyện Phong Thổ, Lai Châu có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Ảnh: Quang Đoài

Chính sách ưu đãi hỗ trợ thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Chia sẻ về hiệu quả của chính sách hỗ trợ nông nghiệp, ông Trần Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Các chính sách hỗ trợ của tỉnh Lai Châu đã và đang là động lực để người dân thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung.

Bên cạnh các mô hình chăn nuôi, người dân được hỗ trợ trồng cây mắc ca, lúa, chè, cây ăn quả, phát triển rừng bền vững; trồng cây dược liệu…

Để đảm bảo chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, thời gian qua huyện Phong Thổ đã tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNN, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các xã tổ chức họp dân, thông báo công khai các chính sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Từ việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp không chỉ giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ dân mà còn thay đổi nhận thức của bà con trong sản xuất, qua đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Làm chuồng trại nuôi ngựa, ong, nông dân vùng này của Lai Châu giàu có, môi trường sống cũng tốt lên - Ảnh 4.

Không chỉ giúp nông dân ở huyện Phong Thổ, Lai Châu xây dựng các mô hình kinh tế mới, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp còn tạo đà giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, xóa bỏ tinh trạng tự phát, nhỏ lẻ. Ảnh: Quang Đoài

Thực tế cho thấy, những năm qua huyện Phong Thổ xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, phát triển nông nghiệp của huyện Phong Thổ luôn được thực hiện một cách sáng tạo và phù hợp với yêu cầu thực tiễn bằng nhiều chương trình, kế hoạch, các đề án để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Nghị quyết hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tạo đà giúp huyện Phong Thổ đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; lĩnh vực chăn nuôi cũng có những bước chuyển dịch mạnh mẽ từ nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6%/năm; phần lớn diện tích mặt nước được khai thác, sử dụng có hiệu quả để phát triển thủy sản.

Lĩnh vực lâm nghiệp được đẩy mạnh trên nhiều mặt, đạt được kết quả tích cực từ giao đất, giao rừng cho đến công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới và chi trả chế độ bảo vệ, phát triển rừng, cũng từ đây người dân đã thêm gắn bó với rừng và có cuộc sống ấm no hơn nhờ rừng. 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (theo chương trình OCOP) được triển khai mạnh mẽ và đã đạt được kết quả tích cực. Đến nay, huyện Phong Thổ đã có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đảm bảo chất lượng, giá trị cao, được khách hàng tin dùng.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông  Trần Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ cho hay: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giúp phần lớn người dân ở huyện Phong Thổ mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, tập trung phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, qua góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem