Giấc mơ siêu lợi nhuận…
Khu đất rộng hàng trăm ha tại khu phố Miễu Ba (thị trấn Cần Thạnh) trước đây dùng để làm muối, giờ mọc lên một trại nuôi ốc hương rộng khoảng 1ha. Anh Lưu Văn Thống - chủ trại cho biết, đã đầu tư hơn tỷ đồng cho trại ốc hương này. Hiện, anh nuôi vụ ốc hương đã hơn 3 tháng tuổi.
“Trước đây, gia đình tôi nuôi nghêu gần 100ha tại bãi biển 30.4. Nhưng thấy nuôi nghêu ngày càng khó khăn nên chuyển sang nuôi ốc hương” - anh thổ lộ.
Nuôi ốc hương giúp nhiều người thu lãi cao.
Nếu như nông dân ở Khánh Hòa - “thủ phủ” ốc hương, nuôi ốc trong ao đất, thì nông dân ở Cần Giờ phải đầu tư bạt nhựa lót ao, che ao bằng lưới lan, lót cát đáy ao… Để có 1.000m2 ao nuôi ốc hương nông dân phải đầu tư gần 150 triệu đồng. “Kỹ thuật nuôi này nhằm hạn chế rủi ro bệnh tật trong quá trình nuôi ốc hương” - anh Thống chia sẻ.
Cạnh vạt rừng phòng hộ ở ấp Long Thạnh (xã Long Hòa) cũng mọc lên một trại nuôi ốc hương tiền tỷ của lão nông Huỳnh Văn Mãnh. Theo ông Mãnh, trước đây ông nuôi sò, nuôi heo, nhưng khi thấy ốc hương siêu lợi nhuận lập tức ông đổ vốn đầu tư.
Từ chỗ chỉ có 1 công đất, giờ trại này đã mở rộng lên 1ha. Trại được đầu tư cơ giới hóa, với máy sục khí, bơm nước làm sạch ao… Theo ông Mãnh: “Nuôi ốc hương là siêu lợi nhuận, nhưng đầu tư khá cao, cũng như chi phí nuôi chiếm 80% doanh thu”.
Theo ông Mãnh, chỉ riêng thức ăn cho trại ốc hương, mỗi ngày ông phải tốn khoảng 350kg cá tạp. Theo đó, với giá hiện hành 7.000 đồng/kg cá tạp, mỗi ngày ông tốn khoảng 2,5 triệu đồng. “Nếu tính luôn tiền thức ăn, thuốc men… mỗi tháng tôi tốn khoảng 200 triệu đồng cho trại ốc hương” - anh Thống cho hay.
Lão nông Huỳnh Văn Mãnh kiểm tra sự tăng trưởng của ốc hương. Ảnh: T.Đ
Theo ông Võ Phương Tùng - cán bộ Trạm Thủy sản An Nghĩa (TP.HCM), thành phố cần quy hoạch lại vùng nuôi ốc hương tại Cần Giờ đang rất hỗn độn. Ngoài ra, ông Tùng khuyên, nông dân nuôi ốc hương ở Cần Giờ nên chọn cơ sở ương nuôi con giống ở Khánh Hòa được chứng nhận của cơ quan thú y vùng, nhằm mua con giống chất lượng tốt, hạn chế rủi ro.
|
Thắng - thua mong manh
Năm 2012, nhằm đa dạng hóa đối tượng vật nuôi mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã xây dựng mô hình nuôi ốc hương trên bể trải bạt tại vùng ven biển thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
Giờ thì mô hình nuôi ốc hương đã định hình trên vùng đất của huyện ven biển này với khoảng 20 hộ nuôi. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều lão nông nuôi ốc hương tại đây, rủi ro nuôi ốc hương là rất cao, nguy cơ phá sản của nông dân vẫn hiện hữu.
“Chúng tôi có thể khắc phục điều kiện thổ nhưỡng địa phương chưa thích hợp, như độ trong, độ mặn của nước để nuôi ốc hương, nhưng dịch bệnh, con giống, giá cả thị trường thì vẫn trông nhờ may rủi” - ông Mãnh chia sẻ.
Hiện ở Cần Giờ, vùng nuôi ốc hương đang bị dịch bệnh, nhiều ao dính bệnh sưng vòi. Nông dân bức bách pha nước muối đổ vào ao nhằm tăng độ mặn hy vọng cứu ao ốc. Ông Mãnh cho biết, nếu ao ốc hương dính bệnh sưng vòi hay thoát xác là nông dân vô phương cứu chữa. Vụ vừa rồi có nông dân thiệt hại gần 2 tỷ đồng khi trại ốc hương 7.000m2 sắp bán thì bỗng dưng đổ bệnh chết hết. “Thời gian qua khoảng 80% nông dân nuôi ốc hương tại đây thất bại do dịch bệnh” - ông Mãnh nói.
Con giống cũng là một vấn đề. Do không làm được giống nên nông dân Cần Giờ đành phải mua con giống tận Khánh Hòa. Tuy nhiên, theo anh Thống, giống mua ở Khánh Hòa do được nhân giống trong điều kiện môi trường khác với môi trường ở Cần Giờ nên khi mang về đổ xuống ao thường hao hụt khá lớn, thậm chí thất bại hoàn toàn: “Như đánh bạc vậy, giống mang về đổ xuống ao, phải đợi vài ngày mới biết sống hay chết. Nếu chết xem như mỗi ao mất vài chục triệu đồng như chơi”.
Rào cản cuối cùng là giá cả thị trường. Do chi phí đầu tư chiếm đến 80% doanh thu nên nếu giá ốc rớt xuống 200.000 đồng/kg xem như nông dân nuôi ốc hương “tăng xông”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM Võ Ngọc Anh cho biết, nhiệm vụ của khuyến nông thành phố là xác định lại hình thức nuôi, quy trình nuôi phù hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất cho nông dân nuôi ốc hương. Cần lường trước khả năng nhân rộng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường, môi trường và kiểm soát dịch bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.