Nuôi ong lấy mật trên cao nguyên đá, hộ nghèo tăng thu nhập

Khương Lực Thứ hai, ngày 05/10/2020 09:00 AM (GMT+7)
Nuôi ong lấy mật tại cao nguyên đá Hà Giang là một trong 19 mô hình nông nghiệp dinh dưỡng được triển khai trong năm 2020. Mô hình này phát huy vật nuôi bản địa có lợi thế của địa phương nhằm giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập và dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
Bình luận 0

Trong năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang triển khai dự án "Nuôi ong lấy mật" tại thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh với tổng số 28 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia.

Nuôi ong lấy mật trên cao nguyên đá, hộ nghèo tăng thu nhập - Ảnh 1.

Nghề nuôi ong lấy mật ở cao nguyên đá Hà Giang đang cho thu nhập cao. Ảnh: Tuấn Minh

Kết quả của dự án sẽ được nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực hiện giảm nghèo, nâng cao đời sống và cải thiện dinh dưỡng cho người dân trên địa bàn của xã Hữu Vinh và huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Không đủ thức ăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao

Kết quả khảo sát 35 hộ ở thôn Khai Hoang II để lựa chọn ra 28 hộ tham gia dự án cho thấy, 100% số hộ lo lắng về vấn đề không đủ thức ăn và không được ăn những thực phẩm mong muốn chất lượng tốt hơn, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Nuôi ong lấy mật trên cao nguyên đá, hộ nghèo tăng thu nhập - Ảnh 2.

Đơn giá 1 lít mật ong hiện nay giao động từ 350 - 400.000 đồng/lít. Ảnh: Tuấn Minh.

Qua điều tra địa bàn cho thấy, các chỉ số về thể trạng rất thấp, chiều cao bình quân của phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ là 153 cm, cân nặng trung bình là 44,8 kg. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 30%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 43,2%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm là 3,2%.

Tỷ lệ trẻ được ăn khẩu phần đa dạng của toàn xã là 31%. Hiện trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em thấp hơn rất nhiều so với bình quân toàn quốc và của tỉnh Hà Giang.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, bữa ăn hằng ngày rất đạm bạc, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất nên sức đề kháng kém dẫn đến hay ốm vặt, suy nhược cơ thể, còi cọc, chậm lớn.

Bên cạnh đó, người vùng cao lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc con, nên càng làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hơn. Trẻ em dưới 5 tuổi đang trong giai đoạn quan trọng về phát triển cơ thể và trí tuệ, nếu bị suy dinh dưỡng nặng sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về sau.

Vì vậy, xây dựng dự án nuôi ong lấy mật tại xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cho các hộ nghèo trên địa bàn, từ đó có thêm nguồn thu nhập nhằm cải thiện bữa ăn, cải thiện dinh dưỡng cho người dân đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi là rất cần thiết.

Nuôi ong lấy mật, thu 120 triệu đồng/năm

Hiện nay, ong mật đang là loài sinh vật mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ trên địa bàn xã Hữu Vinh đang nuôi mật ong mật để tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, quy trình kỹ thuật nuôi còn mang tính thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún do đó hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Nuôi ong lấy mật trên cao nguyên đá, hộ nghèo tăng thu nhập - Ảnh 3.

Mỗi hộ dân nghèo ở thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh được hỗ trợ 10 thùng ong mật giống. Ảnh: Tuấn Minh

Vì vậy, việc hỗ trợ ong giống và tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật cho các hộ  theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất so với sản xuất truyền thống của người dân hiện nay đồng thời hướng cho các hộ liên kết với các Hợp tác xã để họ bao tiêu thụ sản phẩm mật ong của địa phương đang được người dân và chính quyền đặc biệt quan tâm.

Triển khai dự án "Nuôi ong lấy mật", 28 hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh được hỗ trợ 280 thùng ong mật giống cho 28 hộ (tương ứng 10 thùng/hộ). Bình quân 1 thùng ong từ 4 cầu trở lên cho từ 15 - 16 lít mật/năm, đơn giá 1 lít mật ong hiện nay giao động từ 350 - 400.000 đồng/lít. Bắt đầu từ tháng thứ 2, tạo mũ chúa để nhân thêm đàn, tăng gấp đôi lên 20 thùng ong mật.

Theo tính toán, với 20 thùng này, mỗi hộ nghèo sẽ thu được 120 triệu đồng, trừ chi phí đi còn trên 116 triệu đồng (bình quân thu nhập của 1 hộ là 9.696.000 đồng/tháng). Như vậy, với thu nhập như trên ngoài việc cung cấp đủ lương thực còn thiếu các hộ dân tham gia dự án sẽ có điều kiện để đa dạng hóa các loại thực phẩm cần thiết trong hộ gia đình.

Ông Hoàng Giang Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, ông mật là loại sinh vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ong sử dụng các nguồn thức ăn không cạnh tranh với con người và các loại vật nuôi khác, chủ yếu là phấn, nhụy của các loại hoa để làm mật.

Diện tích đất ngô hiện nay của các hộ đang có sẵn hoa bạc hà, vào khoảng tháng 10, 11 hàng năm là hoa bạc hà nở sẽ là mùa ong cho sản lượng mật lớn. Mật ong bạc hà là nguồn thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và được ưa chuộng của con người, là loại thực phẩm có thị hiếu rất cao trên thị trường.

Bình quân một tổ ong cho từ 12 - 16 lít mật/năm, ngoài ra ong còn cung cấp các phụ phẩm giàu dinh dưỡng như nhộng ong, phấn hoa… Việc triển khai dự án nuôi ong lấy mật sẽ giúp các hộ tăng thêm thu nhập, các hộ nghèo có phụ nữ mang thai, trẻ em suy dinh dưỡng có thêm kinh phí để mua các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Mặt khác, giải quyết được việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần hỗ trợ đắc lực trong việc phục vụ phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn. Do đó, việc đầu tư dự án phát triển nuôi ong lấy mật đã tận dụng được thời gian rảnh rỗi của các hộ gia đình, vừa tăng thu nhập, giúp người dân tự lực vươn lên để thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Năm 2020, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp cùng 11 tỉnh triển khai 19 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Các mô hình được triển khai hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thôn, bản với mức đầu tư từ 350-500 triệu/dự án.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem