Huyện Quỳnh Nhai có hơn 10.000ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Nơi đây dược ví như “vịnh Hạ Long” giữa đại ngàn Tây Bắc. Tận dụng diện tích mặt nước rộng mênh mông này, anh Lò Văn La, dân tộc Thái, đã tìm cách nuôi cá lăng.
Trao đổi với DANVIET.VN, anh La chia sẻ: "Trước đây khi lòng hồ thủy điện Sơn La chưa tích nước, gia đình tôi trồng cây ngô, cây sắn. Năm được mùa thu hoạch được 20 bao thóc, vài tấn ngô, sắn, bán được vài chục triệu đồng, ăn tiêu đôi ba tháng hết sạch. Năm 2010, lòng hồ thủy điện tích nước, bà con chúng tôi được huyện định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng. Qua nhiều buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân ở tỉnh, huyện, năm 2012, tôi nuôi thử nghiệm 2 lồng cá trắm cỏ. Nguồn nước ở đây rất trong, sạch quanh năm nên cá sinh trưởng và phát triển rất tốt. Vì thế tôi đã nuôi thêm cá lăng...".
Nhờ nuôi cá lăng trong lồng, mỗi năm anh La “bỏ túi” trên 300 triệu đồng. Ngôi nhà của anh La nằm ngay đầu cầu Pá Uôn (bản Đồng Tâm, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) – cây cầu cao nhất Việt Nam với trụ chính cao 103,8m.
Để có nguồn giống cá lăng đảm bảo chất lượng, anh La nhập giống cá từ các trại giống có uy tín ở tỉnh Bắc Ninh. "Con cá lăng giống khi nhập khoảng từ 2 - 3 tháng tuổi, giá 2.000 đồng/con. Thời điểm thích hợp lấy cá lăng giống về nuôi là tháng 7 hàng năm. Sau khi nuôi được 15 tháng, cá lăng đen đạt trọng lượng trung bình 2,5 - 3kg", anh La cho biết.
Theo anh La: "Nuôi cá lăng rất đơn giản, thức ăn của cá lăng chủ yếu là cá mương có sẵn ở trên lòng hồ sông Đà. Mùa bà con đi làm không săn được cá mương, tôi cho cá ăn cám chất lượng cao nhập từ Hà Nội. Mỗi ngày cho cá lăng ăn một lần vào lúc 19h tối".
"Để cá lăng phát triển tốt, lồng nuôi phải sâu khoảng 5m, nếu lồng nông từ 2 - 3m cá lăng hay bị chết. Một tháng khử trùng lồng cá 2 lần bằng lá xoan trộn với vôi bột, chứ không bao giờ sử dụng đến thuốc. Nên đặt lồng cá ở những nơi xa khu vực làm nương rẫy của bà con, đường cái. Bởi vì, nếu đặt lồng cá ở gần nương rẫy, gần đường người dân thường phun thuốc trừ cỏ, khi nào mưa xuống gây ô nhiễm mặt nước cá hay bị chết", anh La tiết lộ với DANVIET.VN.
Nói thêm về kỹ thuật nuôi cá lăng đen, anh La bảo: "Khi mới mua cá lăng giống về cá còn bé, mỗi lồng nuôi khoảng 600 con. Sau 2 tháng nuôi, cá lăng tăng trọng khoảng 3 - 5 lạng. Lúc này phải sàng lọc tách lấy những con 3 lạng ra ở một lồng, 5 lạng ra một lồng riêng, không được để lẫn cá nhỏ với cá to. Nếu nuôi cùng một lồng loại to sẽ ăn thịt loại nhỏ và chiếm hết phần thức ăn của cá lăng nhỏ".
Sau 8 năm "làm nương" trên mặt nước, anh La đã có 30 lồng cá, mỗi lồng rộng 36m2. Hiện, 30 lồng cá của anh La chỉ nuôi duy nhất cá lăng đen. Mỗi lồng có hơn 1 tấn cá lăng. Năm 2019, anh La xuất bán được 10 tấn cá lăng đen ra thị trường, thu về trên 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh La lãi trên 300 triệu đồng. Để tạo đầu ra ổn định, anh La kết nối với một số nhà hàng ở Hà Nội. Đến thời điểm xuất bán, anh trực tiếp dùng ô tô của gia đình chở cá lăng về tận Hà Nội cho nhà hàng. Giá cá lăng bán tại lồng là 80.000 đồng/kg, giá cá lăng bán khi chở về tới Hà Nội là 150.000 đồng/kg.
Hiện nay, anh La đang làm Giám đốc hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hồ Quỳnh. HTX có 7 thành viên với 143 lồng cá. Năm 2017, HTX được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi cá lồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, HTX tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La trao quyết định nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La”. Mỗi năm, HTX xuất bán hàng trăm tấn cá các loại: Lăng đen, trắm đen, chép... cho doanh thu gần 10 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.