NXB nộp giải trình về sách bị cho là PR cho chủ quyền Trung Quốc trên biển Đông

Thứ sáu, ngày 22/05/2015 10:25 AM (GMT+7)
Chiều 21.5, NXB Thời đại đã gửi công văn giải trình về Đạo mộ bút ký, ẩn phẩm Đạo mộ bút ký bị cho là liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Việt Nam - Trung Quốc.
Bình luận 0
Chiều 21.5, ông Nguyễn Thanh, Phó Giám đốc NXB Thời đại, cho biết NXB đã gửi công văn giải trình về Đạo mộ bút ký, ẩn phẩm bị cho là liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Việt Nam - Trung Quốc, lên Cục Xuất bản.

“Chúng tôi đã hoàn thành công văn giải trình và gửi lên Cục Xuất bản trước 14h chiều nay” – ông Nguyễn Thanh, người chịu trách nhiệm nội dung 2 tập Đạo mộ bút ký bản tiếng Việt nói.

Trước đó, hôm 20.5, NXB Thời đại khẳng định với Thể thao & Văn hóa là NXB “đã biên tập rất kỹ bản thảo trước khi chuyển cho đối tác in, bỏ hết các tên liên quan đến đảo của Việt Nam”. 

img

Bìa của bản tiếng Việt Đạo mộ bút ký tập Một

Mặc dù vậy, NXB Thời đại từ chối tiết lộ nội dung giải trình. “Chúng tôi làm việc theo chỉ đạo của cơ quan chức năng” – ông Thanh cho biết.

Đạo mộ bút ký (tác giả Nam Phái Tam Thúc) do NXB Thời đại liên kết với Công ty Bách Việt ấn hành. Bộ sách gồm 8 tập, hiện ở Việt Nam đã phát hành 2 tập. Trong đó, tập Một ra lần đầu vào năm 2013 và tái bản vào năm 2014, tập Hai vừa ra tháng 3.2015.

Tác phẩm gây tranh cãi hôm 20.5 khi bị cho là “chứa một số chi tiết liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Cụ thể, sách kể về một nhóm người đi đào mộ, từ đất liền đi ra biển và đến nhiều hòn đảo tìm những ngôi mộ cổ.

Việc nhắc đến tên một số hòn đảo được các nhà nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cho là một phần chiến lược củng cố luận điểm về chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông của Trung Quốc, khi xuất bản các tác phẩm hư cấu nhưng lại có sức hấp dẫn về mặt văn học để phổ biến cho công chúng.

img
Trang sách có tên nhiều hòn đảo. “Đảo Tiên Nữ” và “cụm đảo Thất Liên” trùng với tên các địa danh có thật. “Tiên Nữ” là tên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn “Thất Liên” là tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, Đạo mộ bút ký không phải trường hợp hy hữu trong việc các nhà văn Trung Quốc lồng các quan điểm về cương vực, lãnh thổ vào các tác phẩm văn học của mình. Các tác phẩm khuếch trương sự bành trướng trong lịch sử của Trung Quốc tới các quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác (không chỉ riêng Việt Nam) xuất hiện nhiều trong văn học quốc gia này. “Và dù có đổi tên các đảo, Đạo mộ bút ký vẫn phần nào gửi gắm thông điệp sai trái về sự xuất hiện sớm và hiện diện liên tục của người Trung Quốc tại biển Đông”, nhà nghiên cứu khẳng định.

Nhà văn Trang Hạ, dịch giả chuyên về tiếng Trung, cho hay: Ở trường hợp Đạo mộ bút ký, tôi cho rằng biên tập viên của bản dịch tiếng Việt quá yếu kém, thậm chí còn không có cơ hội sửa sai. Bởi, tác phẩm này đầy tư tưởng Đại Hán. Dù bản dịch tiếng Việt khi phát hành đã đổi tên các đảo, quần đảo thì vẫn không thay đổi được bản sắc và ý nghĩa của tác phẩm. Và, tinh thần tác phẩm vẫn làm tổn thương nhận thức về chủ quyền dân tộc của người Việt Nam.

Trước khi bản dịch được in sách ở Việt Nam, Đạo mộ bút ký đã được dịch và công bố trên mạng. Người dịch và nhóm độc giả trên blog này đều ý thức được nội dung có thể gây tranh cãi nên đã nhấn mạnh: “Trong Phần 2, Quyển 1 của tác phẩm chứa một số chi tiết liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc... Chi tiết này không quan trọng và gần như không gây ảnh hưởng lớn đến cốt truyện”.

Còn trong Phần 2, Quyển 1, chương 8 trong bản sách của Bách Việt và NXB Thời Đại có đoạn kể về cuộc truy tìm mộ cổ của nhóm đào mộ, nhắc đến rất nhiều tên đảo: “Kế hoạch của bọn họ là bắt đầu tìm kiếm từ khu vực đảo Tiên Nữ ở gần nhất, rồi đến đảo Hà Giải bổ sung vật tư; tiếp đến ba khu vực ở gần cụm đảo Thất Liên… Còn về phương pháp tìm kiếm, nước biển ở (cụm đảo) Tề Ân cực kỳ trong…”.

Trong đó, “đảo Tiên Nữ” và “cụm đảo Thất Liên” trùng với tên các địa danh có thật. “Tiên Nữ” là tên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn “Thất Liên” là tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem