Ở An Giang có những con sông nào nổi tiếng đang bị loài hà bá cướp đất, cướp nhà của dân
Phận người bên bờ sông sạt lở: Thấp thỏm sống bên miệng hà bá (Kỳ 2)
Khương Lực
Thứ bảy, ngày 23/12/2023 21:00 PM (GMT+7)
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 90 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 4.000m, ảnh hưởng trực tiếp tới 95 căn nhà, phải di dời người dân đến nơi ở mới an toàn.
Trong thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp về sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang, chủ yếu dọc trên 2 con sông chính là sông Tiền và sông Hậu và các tuyến kênh, rạch đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Sống bất an nơi sạt lở bờ sông
Căn nhà của ông Đỗ Thành Nghiệp, 73 tuổi ở phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nằm chênh vênh ngay sát mép sông, nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm. Trong ngôi nhà chỉ có ông và người con trai sinh năm 1990 bị não sinh sống. Do tuổi cao, sức yếu ông thường xuyên ở nhà cùng con trai nhưng trong lòng lúc nào cũng thấp thỏm, lo âu, không biết khi nào thì Hà Bá nuốt chửng ngôi nhà mà hai cha con đang ở và sinh sống.
Căn nhà của ông Đỗ Thành Nghiệp, 73 tuổi ở phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nằm chênh vênh ngay sát mép sông, nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Khương Lực
"Sinh hoạt rất là hồi hộp, rất là lo sợ, không biết nó lở, sụp giờ nào, bên đây nó lở cái ào, đất nó xuống thì mình thấy cũng là cái khó khăn cho người dân, nhất là người ở gần… Bây giờ sống hồi hội vậy rồi, mong chính quyền địa phương hoặc Trung ương cứu xét làm sao cho chúng tôi có chỗ ở, tuy nó không nhiều lắm nhưng nó an tâm hơn, tức là chỗ ở an tâm để chúng tôi sống" – ông Nghiệp nói.
Theo ông Nghiệp, khu vực ông ở trước đây cách xa dòng sông, nhưng từ khi bờ kè bị sạt lở xuống sông thì tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. Khu vực sạt lở ngày càng tiến sâu, đe dọa tới cuộc sống của các hộ dân đang sinh sống ở ven sông.
Nhà bà Nguyễn Thị Hương nằm phía trong căn nhà của ông Nghiệp, nhưng trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, bà cũng không yên tâm. "Ban đêm ngủ nghe tiếng đất lở rầm thấy hết hồn. Nhiều khi mình đi buôn bán, bỏ con cháu ở nhà thấy không yên tâm" – bà Hương nói và cho biết mùa nước năm ngoái sạt lở đã tiếp sâu vào khoảng 6-7m, tiến sát khu nhà dân đang sinh sống. Vì thế, bà mong muốn các cấp chính quyền có giải pháp khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông để người dân yên ổn làm ăn.
Nói về tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn, ông Nguyễn Quốc Lâm – Phó Chủ tịch UBND phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn có 4 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hơn 170 hộ dân. "UBND xã cũng vận động người dân di dời tới nơi an toàn để sinh sống, nhưng đến nay mới có 3 hộ di dời vào nơi an toàn và 1 hộ được xem xét, bố trí vào cụm, tuyến dân cư" – ông Lâm thông tin.
Theo ông Lâm, đa số các hộ dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, có hộ chỉ cách lòng sông 1-2m, đều có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng di dời. "Ở như vậy rất nguy hiểm" – ông Lâm nói và kiến nghị cấp trên có chủ trương làm kè để bảo vệ khu dân cư để người dân yên tâm lao động, sản xuất. Cùng với đó, cần triển khai làm các cụm, tuyến dân cư để bố trí, ổn định cho các hộ dân vùng sạt lở bờ sông vào nơi an toàn.
Nguy cơ sạt lở bờ sông vẫn rất lớn
Với các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu, tác động của dòng chảy, các yếu tố khác đã làm thay đổi địa hình lòng sông, dẫn đến tình hình sạt lở phía thượng lưu kè Tân Châu (thuộc phường Long Châu) diễn biến ngày càng phức tạp. Từ năm 2021 đến nay, dòng chảy liên tục xâm thực vào bờ từ 1-2m, chiều dài từ 10-30m, lòng sông tạo thành lạch sâu có độ sâu từ -12m đến -13m, cách bờ khoảng 100m, lạch sâu -21m khi cách bờ khoảng 400m.
Diễn biến sạt lở bờ sông khu vực phường Long Châu ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung, khu trung tâm đô thị và đầu tuyến kè. Nhằm tiếp tục bảo vệ bờ sông và phát huy hiệu quả tối đa của kè Tân Châu, UBND tỉnh An Giang đề xuất sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, đầu tư tuyến kè với chiều dài 1.426m, tổng kinh phí khoảng 272 tỷ đồng.
Cùng với đầu tư tuyến kè, tỉnh An Giang đã và đang triển khai thực hiện 5 cụm, tuyến dân cư với quy mô thiết kế, bố trí cho gần 1.700 hộ. Đến nay, 5 dự án cụm, tuyến dân cư này đã và đang hoàn thành và đã bố trí cho khoảng 1.200 hộ ổn định cuộc sống ở vùng sạt lở.
Ngoài ra, thời gian qua trên cơ sở triển khai thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ở giai đoạn trước đây (nay là QD số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh An Giang đã triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp di dời cho hơn 1.600 hộ sống ở vùng thiên tai sạt lở đến nơi ở mới an toàn, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Ngày 13/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HDND quy định cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022, trên địa bàn tỉnh An Giang. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hỗ trợ một phần nào đấy ban đầu cho các hộ bị ảnh hưởng tạm ổn định cuộc sống, sau khi di dời khi có sạt lở xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.