Ở bệnh viện “đặc biệt", bệnh nhân bị gia đình chối bỏ, phút cuối đời bác sĩ có hành động gây xúc động

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 04/01/2024 14:00 PM (GMT+7)
Không ít người điều trị tại Bệnh viện 09 hầu như không có một người thân nào dám chăm sóc. Thậm chí, khi nhân viên y tế liên hệ với gia đình, người nhà còn chối bỏ việc chăm nuôi và nhờ cậy vào bác sĩ.
Bình luận 0

"Chắc cũng nhiễm HIV/AIDS mới làm ở đó"

Đều đặn mỗi tuần, anh Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) tới Bệnh viện 09 (Hà Nội) để nhận thuốc điều trị kháng virus. Tại đây, các y, bác sĩ hầu như biết hết từng người bởi họ đa phần đều mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS.

Anh Minh chia sẻ, cả 2 vợ chồng anh bị nhiễm HIV nhưng không biết nguồn lây từ đâu. Lúc tình cờ phát hiện ra bệnh, cả 2 vợ chồng anh đều đã rất sốc và suy sụp. Thế rồi cả hai bỏ qua định kiến nghi ngờ lẫn nhau, lấy lại tinh thần và đồng hành với nhau cùng điều trị.

Ở bệnh viện “đặc biệt", bệnh nhân bị gia đình chối bỏ, phút cuối đời bác sĩ có hành động gây xúc động- Ảnh 1.

Bác sĩ CKII Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện 09 đang thăm hỏi một bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Gia Khiêm

Sau một thời gian dài điều trị, vợ anh muốn có một đứa con nên có bàn với chồng hãy sinh lấy một đứa cho vui cửa vui nhà. Lúc đầu, anh Minh không đồng ý vì sợ nguy cơ lây nhiễm sang con, mang bệnh sẽ khổ. Sau khi được bác sĩ giúp đỡ, vợ chồng anh đã sinh được một bé gái khoẻ mạnh không mang virus.

"Con gái tôi giờ đã 7 tuổi rồi, trộm vía cháu khoẻ mạnh", nói rồi anh Minh đau xót chia sẻ, vợ anh mới qua đời trong thời gian gần đây. Hiện, chỉ có hai bố con anh nương tựa vào nhau để sống.

"Giờ tôi phải khoẻ mạnh, để có thể chăm nuôi con gái cho tới khi con lớn khôn. Mang trong mình căn bệnh này tôi phải giấu vì sợ mọi người kỳ thị, ảnh hưởng tới học tập cũng như tương lai của con gái sau này. Tôi không muốn thêm bất cứ ai biết để rồi con phải chịu nhiều thiệt thòi hay xa lánh của mọi người dù con hoàn toàn khoẻ mạnh", anh Minh cho biết.

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ CKII Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện 09 chia sẻ, trường hợp gia đình anh Minh khá đặc biệt khi cả 2 vợ chồng không có liên quan gì tới nghiện hút, nhưng lại tình cờ phát hiện ra HIV. Khi 2 vợ chồng mong muốn có con, dựa trên sức khoẻ của người vợ và tải lượng virus thấp, các bác sĩ đã tư vấn để giúp họ có con khoẻ mạnh, không mang bệnh.

Theo bác sĩ Hải, sự kỳ thị với người nhiễm HIV hiện nay vẫn còn tồn tại. Bản thân người bác sĩ làm việc trong môi trường có người nhiễm HIV cũng từng bị mọi người đồn đoán: "Chắc cũng nhiễm HIV mới làm ở đó".

Gắn bó với công việc này đến nay đã hơn 20 năm, thế nhưng nhiều hàng xóm vẫn chưa biết bác sĩ Hải làm công việc gì. Có người thì chỉ biết "loáng thoáng" làm cho một bệnh viện.

"Trước đây chúng tôi ngại chia sẻ về công việc lắm. Ai hỏi cũng chỉ bảo đang làm cho một bệnh viện. Bởi khi ấy nói đến làm bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ai cũng sợ hãi, tránh xa. Không ai muốn liên quan gì đến mình", bác sĩ Hải nói.

Bác sĩ "bất đắc dĩ" trở thành người đưa tiễn bệnh nhân trong giây phút cuối đời

Bác sĩ Hải cho biết bệnh nhân ở bệnh viện khá đặc thù, gần như đều từng nghiện hút hoặc là gái mại dâm. Do đặc thù có bệnh nhân nghiện, khi lên cơn sẽ bất chấp và vật vã nên thời gian bệnh viện mới thành lập, một số bệnh nhân còn có hành động chống trả lại bác sĩ.

Bệnh viện 09 được thành lập theo chỉ đạo của thành phố, thu nhận bệnh nhân nhiễm HIV lang thang, không nơi nương tựa để đưa vào viện điều trị tập trung. Hiện nơi đây có hơn 180 cán bộ nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng.

Ở bệnh viện “đặc biệt", bệnh nhân bị gia đình chối bỏ, phút cuối đời bác sĩ có hành động gây xúc động- Ảnh 2.

Bác sĩ Hải tâm sự về công việc mình và đồng nghiệp đang làm. Ảnh: Gia Khiêm

Làm việc trong một môi trường đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện 09 không chỉ đối mặt với những dư luận bên ngoài, nỗi vất vả, sự nguy hiểm trong công việc mà đôi khi còn phải căng mắt, động não để đối phó với nhiều "kiểu bệnh" của những người điều trị tại đây.

"Có những bệnh nhân đóng kín cửa, nhai kẹo cao su rồi bắn bã kẹo lên trần nhà, bác sĩ gọi nhất quyết không mở cửa do mắc bệnh hoang tưởng. Khi người bệnh đã lên cơn nghiện thì không nói trước được điều gì", bác sĩ Hải tâm sự.

Bác sĩ Hải nói thêm, bệnh nhân ở đây phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm đến những thân phận bị gia đình bỏ rơi. Họ vào viện với tâm lý bất cần, cô đơn, sức khoẻ suy kiệt nên thường không nói địa chỉ gia đình, khai sai tên, nên đến lúc qua đời cũng không có người thân, không tiếng kèn trống, qua đời trong sự cô độc.

Có những bệnh nhân chuyển nặng, điều dưỡng tìm cách liên hệ với người nhà nhưng không kết nối được. Thậm chí khi liên lạc được cho gia đình thì bố mẹ lại từ chối thăm nom.

"Bệnh nhân mất không có người thân bên cạnh, nhân viên y tế lại là người đưa tiễn bệnh nhân trong những giây phút cuối đời. Tới khi bệnh nhân đã được đưa đi hoả thiêu, tro cốt cũng không có người thân tới lấy", bác sĩ Hải nói.

Theo bác sĩ Hải, ngay từ đầu khi làm việc tại bệnh viện, nhân viên y tế cũng xác định bệnh nhân ở đây có thể bất chấp mọi thứ do bị xa lánh, bỏ rơi. Chính vì đó, các bác sĩ đã trở thành người làm công tác tư tưởng, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

"Bệnh nhân dần dần cũng xem nhân viên y tế như người thân, họ cũng có chia sẻ và tôn trọng. Ngoài xã hội người nhiễm HIV bị bỏ rơi, gia đình không ai quan tâm, kỳ thị. Nhưng khi vào đây họ được bác sĩ quan tâm không ngại ngần gì cả thì họ thoải mái chia sẻ, hợp tác điều trị", bác sĩ Hải nói.

Bác sĩ Hải cũng tâm sự thêm, môi trường bệnh tật phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, dù có giây phút "chạnh lòng", nhưng nhân viên y tế tại bệnh viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem