Với mục đích hỗ trợ các hộ nông dân duy trì và phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh có thế mạnh ở địa phương, Hội nông dân huyện Cao Phong luôn duy trì tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến nay, tổng số nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Cao Phong đang quản lý, cho vay là 3 tỷ 640 triệu đồng. Qua đó đã tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cuộc sống.
Điển hình trong các mô hình được hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân là mô hình “Nuôi trâu bán thịt” của chi hội xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong. Hiện xã Dũng Phong đã thành lập tổ hợp tác nuôi trâu nhốt chuồng rồi vỗ béo bán thịt với 12 hộ hội viên nông dân tham gia, tổng số tiền vay Quỹ Hỗ trợ nông dân là 300 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Hảo xóm Đồng Mới (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để nuôi trâu nhốt chuồng.
Là một trong số những hộ được hỗ trợ vay vốn nuôi trâu nhốt chuồng, bà Bùi Thị Hảo xóm Đồng Mới (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) phấn khởi cho biết: Gia đình được vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tôi mua 1 con trâu đực về nuôi vỗ béo để bán thịt, khoảng 5 – 6 tháng là có thể xuất chuồng bán cho các thương lái kiếm lời. Khi bán xong, tôi lại tiếp tục tìm mua những con trâu trưởng thành khác về vỗ béo. Với số tiền gốc 25 triệu đồng bỏ ra nuôi trâu, sau khi vỗ béo tôi có thể bán được 45 – 50 triệu đồng.
Nuôi trâu nhốt chuồng rồi vỗ béo, bà Hảo có việc làm thường xuyên và thu nhập cao hơn, vì giá thịt trâu trên thị trường luôn được mua với giá cao. Không riêng gì gia đình bà Hảo, nhiều hội viên khác trong xã cũng nhờ vay vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân nuôi trâu nhốt chuồng đến nay cuộc sống của họ cũng đã ổn định.
Để có đủ lượng thức ăn nuôi trâu nhốt chuồng rồi vỗ béo, bà Hảo tận dụng diện tích nương rẫy trồng cỏ voi.
Theo tính toán của bà con nông dân xã Dũng Phong, nuôi trâu nhốt chuồng rồi vỗ béo phù hợp hơn nhiều so với vật nuôi khác, vì trên địa bàn xã có đất rộng lớn, cỏ mọc ở các đồi núi và đồng ruộng nhiều nên lượng thức ăn rất dồi dào. Tuy vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng chi phí thường xuyên nuôi trâu không nhiều.
Bà con có lợi thế được hỗ trợ vốn ban đầu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, thời gian trả nợ kéo dài 2 năm nên có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, mà không phải lo trả lãi. Thấy được hiệu quả thiết thực đó, nhiều hội viên xã Dũng Phong đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi trâu nhốt chuồng rồi vỗ béo bán thịt.
Bà Bùi Thị Điệp, Chủ tịch Hội nông dân xã Dũng Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) trao đổi kỹ thuật và cách chăm sóc trâu với bà Hảo.
Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao phong, được biết: Thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, vay vốn theo tổ nhóm không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều hội viên nông dân, phát triển kinh tế mà còn giúp các hội viên đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.
Nhờ cách chăm sóc tốt, đàn trâu của bà Hảo luôn phát triển khỏe mạnh và béo tốt.
Hội Nông dân huyện Cao Phong cũng đã mở được 9 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi trâu nhốt chuồng cho hàng trăm hội viên, nông dân; tổ chức 13 lớp giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây có múi cho 1.070 lượt hội viên nông dân.
Theo bà Hảo, đầu tư vốn nuôi trâu nhốt chuồng rồi vỗ béo bán thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô. Thường thường tôi nuôi từ 5 - 6 tháng là có thể xuất chuồng, xoay vòng vốn rất nhanh. Sau khi bán xong, tôi tiếp tục mua trâu trưởng thành về vỗ béo tiếp rồi bán kiếm lời.
Có thể khẳng định, dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thông qua tổ nhóm tại huyện Cao Phong đã giúp nhiều hội viên, nông dân mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ, xây dựng các mô hình kinh tế. Qua đó thúc đẩy hình thành các liên kết trong sản xuất kinh doanh, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, vốn và khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.