Ở phía mặt trời lặn

Thứ bảy, ngày 24/12/2011 02:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai là phía mặt trời lặn. Nhưng ở nơi ấy, bình minh no ấm đang bắt đầu ló rạng, soi rọi đến từng nếp nhà của hàng vạn gia đình đồng bào Jarai khi cây cao su đã thành cứu cánh của đời họ.
Bình luận 0

Người khơi nguồn cho loại cây được mệnh danh là "vàng trắng" này không ai khác là Công ty 74 thuộc Binh đoàn 15.

Vùng biên giới Đức Cơ 30 năm trước chỉ là những cánh rừng nghèo. Số phận đã ném tôi vào cánh rừng ấy ngót 3 năm, cấp bậc binh nhì, thuộc Trung đoàn 703, Binh đoàn 15. Hai mươi sáu năm sau tôi mới có dịp trở lại nơi này. Vùng biên đã xanh lại. Cả một ký ức mù sương trong tôi cũng bắt đầu xanh lại.

img
Tập huấn cạo mủ cao su cho thanh niên người Jarai.

Ngôi làng trong ký ức

Đại tá Lê Quang Khanh- Phó Giám đốc Công ty 74, vốn là sếp cũ của tôi từ thời còn phiên hiệu Trung đoàn 703, giao luôn việc cho tôi ngay sau cuộc gặp quá đỗi bất ngờ này với ông: "Cậu đi luôn xuống làng Ghè đi, tối về ta hàn huyên sau".

Làng Ghè gập ghềnh trong ký ức của tôi đã thế chỗ bằng con đường trải nhựa phẳng phiu, xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn. Ngày ấy, đại đội của tôi đóng quân cạnh làng Ghè, nhưng để đặt được chân đến ngôi làng của đồng bào Jarai này, chúng tôi phải đi qua 5 con suối và 3 cánh rừng. Bây giờ thì ô tô bon bon chưa đầy mươi phút đã tới nơi.

Già làng Puih Rom của làng Ghè năm nay bước sang tuổi 75. Ông tiếp tôi trong căn nhà mới xây năm rồi mà theo ông thì hết ... 50 tấn lúa (250 triệu đồng). Từng ấy lúa, nếu cách đây 30 năm thì cả làng Ghè phải làm trong 5 năm ròng rã. Dẫn ra điều này để thấy rằng, nếu không có những bước đột phá từ một chính sách mang tính căn cơ thì sẽ không có những điều kỳ diệu mà tôi được chứng kiến khi trở lại ngôi làng đã từng ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua.

Nghe tiếng khách lạ, thằng cháu của già Rom thức dậy và khóc nhè. Nó đã hơn một tuổi nhưng vẫn còn nằm nôi. Cứ tưởng ông cụ sẽ đến bế cháu ra và dỗ dành, nhưng không già Rom ngồi nguyên dưới sàn gạch men bóng loáng, với tay ấn nút một phát, chiếc nôi lại đong đưa. Thằng cu nín bặt! Thì ra ông đang xài chiếc nôi chạy bằng điện. "Bây giờ chiếc nôi nó hát, nó ru trẻ nít rồi, mình không phải ru nữa!". Già Rom cười rung chòm râu bạc khi nói về chiếc nôi mà đến tuổi như tôi, cháu thì chưa có mà con thì đã lớn rồi, thấy vẫn còn xa lạ.

Già Rom đang sở hữu 7 hecta cà phê, 3 hecta điều, 500 trụ tiêu và gần một chục hecta cao su sắp đến kỳ cho mủ. Tài sản "khổng lồ" này, năm 2011 đã cho gia đình già số tiền ngót 300 triệu đồng. Vài năm nữa, khi cao su cho mủ, không biết số tiền mỗi năm mà già thu về sẽ xây được bao nhiêu căn nhà như căn nhà mà tôi đang ngồi trò chuyện cùng già.

img
Già Rom và lính cũ Trung đoàn 703.

Tuy đang ngồi trên một "núi" tiền trong mơ như thế, nhưng ký ức về một thuở cơ hàn của làng Ghè thì vẫn chưa buông già: "Thời anh ở "xê sáu" (Đại đội 6), anh còn nhớ làng Ghè mình đói vàng mắt như thế nào không? Già trẻ lớn bé gì quanh năm "trường kỳ củ sắn", nhưng sắn rồi cũng hết. Rau rừng, củ mài cũng sạch nốt. Con ma đói nó cứ bám lấy làng như đỉa bám trâu. May mà nhờ có bộ đội...". Già Rom bỏ lửng câu nói rồi nhìn xa xăm về phía cánh rừng cao su trước mặt.

Mà đâu chỉ có làng Ghè ngày ấy mới nếm mùi cái đói. Hàng chục buôn làng người Jarai dọc vùng biên này đều đói cả. Còn bây giờ, không chỉ già Rom sở hữu trong tay gia sản bạc tỷ, mà nhiều gia đình ở làng Ghè này cũng như 31 ngôi làng nằm trong địa bàn của Công ty 74 đều đã giã từ cái đói 5-7 năm nay, kể từ khi họ từ biệt chiếc gùi nặng trĩu quá khứ đói nghèo để bước vào một công việc hoàn toàn mới: Công nhân trồng và khai thác mủ cao su.

Bước đột phá

Đại tá Trần Quang Hùng - Giám đốc Công ty 74 lý giải cho sự kiện thoát nghèo kỳ diệu của đồng bào Jarai vùng biên này bằng một cụm từ hãy còn xa lạ với tôi: "Bắt đầu từ "gắn kết hộ". Đó là bước đột phá làm nên những thay đổi kỳ diệu hôm nay".

Cả hai ông đại tá Hùng, đại tá Khanh đều là những người "khai sơn phá thạch" vùng đất này. Họ nhập ngũ đầu tháng 3.1975 với hy vọng là đuổi kịp đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn ngày 30.4.1975, nhưng đến Tây Nguyên thì miền Nam giải phóng và cả hai cùng "mắc kẹt" luôn từ bấy đến giờ.

Đầu năm 1985, Binh đoàn 15 được thành lập, những cây cao su đầu tiên được "cắm" chân cùng bộ đội trên vùng đất này. Đóng quân trên địa bàn chiến lược để trồng loại cây "chiến lược", nhưng cao su mọc đến đâu thì đồng bào lại chạy xa ra đến đó. Không giữ chân được đồng bào, không kéo họ được về với mình, coi như "chiến lược" kia có nguy cơ đổ vỡ. Đó là lý do để những người lính Binh đoàn 15 mà điển hình là Công ty 74 này nghĩ ra kế sách "gắn kết hộ".

Theo đó, cứ mỗi gia đình lính (cũng là công nhân công ty) được phân công "gắn kết" với một hộ đồng bào Jarai. Không chỉ nói suông mà thông qua những việc cụ thể. Ví như hộ anh Dương Văn Quyết ở Đội 9 "gắn kết" với hộ của anh Pui Vân.

Nhiệm vụ của Quyết là chỉ vẽ cho Vân biết cách trồng cây lúa nước sao cho năng suất cao nhất, dọn dẹp khu vườn tạp hoang hóa lâu nay của mình để trồng cây điều, cây tiêu sao cho quả sai nhất; đặc biệt là phải giúp cho Pui Vân trở thành công nhân biết trồng cây cao su đúng kỹ thuật và biết cạo mủ để mỗi tháng thu nhập... 8 triệu đồng!

Pui Vân không chỉ làm "đúng bài" như anh Quyết chỉ vẽ mà sau 6 năm làm quen với cây cao su, nay thì Vân thu nhập những 10 triệu đồng/tháng từ loại cây được mệnh danh là "vàng trắng" này. Công ty 74 có 3.000 công nhân nhưng có đến 1.000 người là đồng bào Jarai, thu nhập mỗi người từ 4-12 triệu đồng/tháng, cũng xuất phát từ bước đột phá "gắn kết hộ” này.

Không chỉ bày vẽ cho đồng bào biết cách làm ra tiền, những người lính Binh đoàn 15 còn phải hướng dẫn họ ăn ở hợp vệ sinh, không để heo gà "đi chơi" tự do dưới chân nhà sàn, phải ăn chín, uống sôi, ngủ phải có mùng... Thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng để họ khép mình vào cái "khung" ấy là cả một kỳ công, mất đến 20 năm chứ không phải ít!

Anh Trần Bảy - một đồng đội cũ của tôi từ thời đi lính, rút ra bài học từ khi còn là Đội trưởng Đội 16: "Không giữ chân đồng bào bằng hình thức này thì rất khó để cây cao su phát triển dù đây là vùng đất màu mỡ nhất Tây Nguyên".

Từng gắn bó với đồng bào nên tôi biết, để thay đổi một thói quen đã khó, nói gì thay đổi cả cách nghĩ, cách làm. Ngày trước, 10 giờ sáng họ mới ra nương, phơi nắng suốt cả buổi trưa, 3 giờ chiều vợ chồng đã xuống núi. Tối về, có hôm uống rượu cả đêm, say mèm đến trưa hôm sau mới dậy nổi. Bây giờ làm công nhân, 4 giờ sáng đã phải thức dậy để ra vườn cao su cạo mủ. Say rượu thì ai cạo mủ cho mình? Làm sao để kiếm được một ngày công mua được cả tấn lúa?

Một trong những nhược điểm lớn nhất của đồng bào là "có đồng nào xào đồng nấy". Hộ "gắn kết" lại phải làm cái việc như bà quản gia: Tính giúp cho đồng bào về các khoản chi tiêu hàng tháng, số tiền dư đem gửi ngân hàng! Giám đốc Hùng "chứng minh" điều đó cho tôi bằng một chồng sổ tiết kiệm, dày mấy gang tay mà bà con đã gửi cho công ty giữ giúp.

Tận mắt trông thấy những đổi thay từ những ngôi làng của đồng bào Jarai nơi vùng biên này, rồi nghe anh Hùng nói về công tác "dân vận", tôi hiểu vì sao, các vụ "lộn xộn" ở Tây Nguyên cách đây mấy năm, 31 ngôi làng ở đây không có một người nào”. Công ty 74 được chọn làm điểm về mô hình "gắn kết hộ" trong toàn quân và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới không hẳn vì họ trồng được 3.000 hecta cao su, mà chính là công việc "kéo đồng bào về với mình" này.

Những cánh rừng đã xanh lại trên vùng phên giậu của Tổ quốc nơi heo hút này. Rừng đã xanh trở lại cũng đồng nghĩa với những hy vọng về một cuộc đổi thay tận gốc, xua sạch bóng đêm đói nghèo đã từng bám riết lấy đồng bào suốt mấy chục năm qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem