Ở vùng đất gian khó, trai bản nuôi con đen nhẻm từ đầu đến chân bán Tết, sau 3 tháng thu 30 triệu đồng
Ở vùng đất gian khó, trai bản nuôi con đen nhẻm từ đầu đến chân bán Tết, sau 3 tháng thu 30 triệu đồng
Mùa Xuân - Tuệ Linh
Thứ bảy, ngày 29/01/2022 16:54 PM (GMT+7)
Với mô hình nuôi gà Mông thương phẩm thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học bán Tết, sau 3 tháng nuôi, anh Lò Văn Phước (sinh năm 1992) ở bản Nà Hem, xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã thu về 30 triệu đồng.
Clip: Mô hình nuôi gà đen của anh Lò Văn Phước, bản Nà Hem, xã É Tòng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất gian khó É Tòng, từ nhỏ anh Phước đã ấp ủ ước mơ đánh thức vùng đất này để vươn lên làm giàu.
"Khi còn học cấp 1, buổi sáng tôi lên trường học, đến chiều lại phụ giúp bố mẹ ra đồng chăn trâu. Với cách làm ăn con trâu đi trước cái cày theo sau, gia đình tôi mãi chẳng khá lên được", anh Phước mở đầu câu chuyện như vậy khi tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang.
Anh Phước tốt nghiệp ngành Nông học, khoa Nông Lâm của Trường Đại học Tây Bắc. Không giống như nhiều sinh viên khác, sau khi ra trường, anh Phước không làm hồ sơ xin việc vào nhà nước mà bắt tay ngay vào việc thực hiện ước mơ làm giàu trên quê hương.
Ban đầu, anh Phước chọn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình; tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên anh thất bại. Chính lần vấp ngã này đã giúp anh đúc kết thêm kinh nghiệm chăn nuôi để hoàn thiện mình hơn.
Tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu triển khai mô hình nuôi gà Mông thương phẩm thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã. Ngay khi biết tin, Lò Văn Phước đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình cùng với 4 hộ dân khác.
Anh Phước cho biết: Qua tìm hiểu, tôi thấy vùng đất này rất thích hợp để nuôi gà đen đặc sản. Vì vậy, khi nghe Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp triển khai mô hình, tôi đăng ký tham gia ngay.
Mô hình nuôi gà đen được nhà nước hỗ trợ 70%, 30% còn lại do các hộ dân bỏ ra. Gia đình anh Phước được hỗ trợ 500 con. Trước khi cung cấp gà giống, các hộ dân đều được cán bộ của Trung tâm tập huấn đầy đủ kỹ thuật nuôi.
Theo đó, trong giai đoạn úm (gà 3 ngày tuổi), gia đình anh Phước đầu tư hệ thống chuồng trại, đèn sưởi, máng ăn, máng uống để đảm bảo gà con phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Theo anh Phước, trong các công đoạn nuôi gà thì công đoạn úm quyết định đến sự thành bại. Công đoạn này phải luôn điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho gà; cho gà con ăn bột ngô, gạo, cám nhỏ để hệ tiêu hoá không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dùng vaccine để nhỏ mắt, mũi cho gà.
Khi gà đủ từ 1 – 2 tháng tuổi, cho gà ăn các loại thức ăn bình thường; đồng thời bổ sung thêm rau, côn trùng để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng; tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho đàn gà.
Mặt khác, cần phải bổ sung đầy đủ nước uống cho đàn gà. Lưu ý, giai đoạn gà còn bé thì nước uống phải là nước đun sôi để nguội.
Khi gà đủ lớn, vào những ngày trời nắng, anh Phước cho đàn gà "tập thể dục" để nâng cao sức khoẻ, giúp thịt săn chắc hơn.
Nhờ được chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, đàn gà của gia đình anh Phước đạt tỷ lệ sống khoảng 95%.
Sau 3 tháng nuôi, con trống đạt trọng lượng trung bình 1,8 kg; con mái 1,4 kg. Dịp cận tết Nguyên đán này, gia đình anh Phước xuất bán được 3 tạ gà đen ra ngoài thị trường và thu về 30 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Giàng, Bí thư Đảng uỷ xã É Tòng cho biết: Bước đầu, mô hình nuôi gà đen của anh Phước và 4 hộ dân trên địa bàn xã đã bắt đầu cho thu nhập.
Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và chỉ đạo cán bộ chuyên môn của xã tiếp tục tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con liên kết với nhau thành lập hợp tác xã để nhân rộng mô hình, tiến tới xây dựng thương hiệu cho giống gà đặc sản này. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.