Rác thải "tra tấn" người dân
Từ ngày địa phương "quy hoạch" đưa rác về khu cánh đồng giáp nghĩa trang của xóm 7, xã Khánh Công đổ, đến nay đã hơn 5 năm và bằng ấy thời gian người dân làm đồng ở khu vực này phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng.
Để ra được đến ruộng, nhiều người dân ở đây phải trang bị đủ các đồ bảo hộ từ mũ, nón, khẩu trang, găng tay, giầy, ủng... nhưng bà con vẫn bị mùi xú uế ở bãi rác này bay đến "tra tấn". Ông Nguyễn Văn Phượng ở xã Khánh Công tỏ ra rất bức xúc: "Xã nhà được công nhận nông thôn mới từ năm 2017 nhưng đến giờ người dân vẫn khổ quá. Làm ruộng đã khổ vì biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch hại làm mất mùa liên miên, giờ lại bị rác thải hành nữa thì chúng tôi chịu sao nổi".
Một bao lợn chết được người dân vứt bỏ bên đường gần xóm 13 của xã Khánh Công,
huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: T.Q
Hộ gia đình bà Vũ Thị Liên canh tác 1,8 mẫu ruộng ngay cạnh bãi rác nghĩa địa xóm 7 cũng đang phải gánh chịu sự ô nhiễm trên. "Từ ngày có bãi rác này, chúng tôi hứng chịu đủ, hết bị mùi hôi thối hành rồi đến khi chăm lúa tốt trổ bông, làm đòng thì bị họ đốt rác cháy tạt vào mất cả sào lúa, đau xót lắm!" - bà Liên nói.
Theo phản ánh của bà con nơi đây, hiện bãi rác này là nơi chứa rác chính của xã. Hàng ngày, toàn bộ lượng rác trên địa bàn các thôn được các xe tải đưa về đây đổ. Vào lúc cao điểm, nhiều rác, khoảng 2 - 3 ngày lại có người ra xử lý bằng cách đốt, tiêu hủy trực tiếp làm cho khói bụi, mùi hôi thối bay khắp cánh đồng, các khu dân cư khiến bà con rất bức xúc.
Có mặt tại khu cánh đồng xóm 7, xã Khánh Công vào ngày cuối tháng 5, phóng viên NTNN nhận thấy ở đây rất ô nhiễm. Điều đáng nói, tại khu này còn xuất hiện nhiều xác lợn đang phân hủy mạnh, khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.
Xử lý lợn chết dịch ẩu
Được biết, bãi rác này cũng là khu quy hoạch để tiêu hủy lợn dịch của xã Khánh Công, nhưng do công tác xử lý tiêu hủy không được đảm bảo nên xác lợn vứt ngổn ngang. Đáng nói, các xe chở lợn đưa ra đây tiêu hủy không được rắc vôi bột, che chắn cẩn thận làm cho máu, phân... của động vật rơi vãi khắp nơi.
Từ khi có dịch đến nay, chúng tôi đã rất nỗ lực và cố gắng, nhất là trong công tác kiểm đếm, cân lợn tiêu hủy đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng nên khó tránh khỏi những thiếu sót, mong mọi người thông cảm".
Phạm Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Công
|
Nguy hiểm hơn, chúng tôi còn tận mặt chứng kiến cảnh bao tải chứa xác lợn chết được vứt ra ngay giữa đường gần khu xóm 13. Có một số người tìm đến để lượm nhặt về bỏ vào ao cho cá ăn.
Phân trần về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sơn - cán bộ thú y xã Khánh Công cho biết, trường hợp vứt bỏ bao lợn chết có chứa 2 con lợn trên do hộ bà Phạm Thị Bích mang ra và định sẽ cho một người dân khác ở xã đưa về cho cá ăn nhưng khi bị phát hiện, bà này đã vứt bỏ ở đường để phi tang.
"Do hộ này có ít lợn nên không báo dịch mà tự mang đi xử lý và xã đã cho người xuống nhà lập biên bản xử phạt để làm gương. Hiện, toàn bộ số lợn trên đã được đưa đi tiêu hủy theo quy định" - ông Sơn khẳng định.
Sau khi công bố dịch từ ngày 24/4 đến nay, toàn xã Khánh Công đã tiêu hủy trên dưới 1.000 con lợn (khoảng 62 tấn) của 40 hộ, trong đó có hộ bị thiệt hại lên đến hơn 300 con. "Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh đe dọa nghiêm trọng đến đàn lợn khoảng 1.000 con còn lại của bà con trên địa bàn. Điều đáng báo động là hiện bãi chôn lợn đang có nguy cơ quá tải, chúng tôi lo ngại số lợn còn lại khó tiêu hủy hết được" - ông Sơn nói.
Ông Phạm Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, xã đã có phương án xây dựng mở rộng bãi rác trên nhằm đưa vào hoạt động quy củ và bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai được”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.