“Ốc đảo” trong lòng phố huyện

Thứ ba, ngày 07/06/2011 16:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thôn Bình Minh nằm giữa trung tâm thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng, Đăk Lăk). Vậy mà đã hơn 20 năm nay, 130 hộ dân nơi đây vẫn sống trong thiếu thốn hơn cả một buôn làng xa xôi nhất...
Bình luận 0

Để đến được thôn Bình Minh, chúng tôi phải đi vòng qua xã Phú Xuân. Quãng đường hơn 11km rất nhiều dốc cao, ngầm sâu... May mắn là mấy ngày nay không có mưa. Người đồng hành cùng chúng tôi nói rằng chỉ cần một trận mưa vừa là thôn bị cô lập “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như một ốc đảo giữa lòng phố huyện …

Vùng đất “nhiều không”

img

Một cây cầu trên con đường độc đạo vào thôn Bình Minh.

Bình Minh có 130 hộ, 598 khẩu, đều là cư dân kinh tế mới từ Quảng Bình, Bình Định vào lập nghiệp những năm 1977. Năm 1999, khi thị trấn Krông Năng được thành lập, thôn Bình Minh được “khai sinh”, trở thành 1 trong số 11 thôn, buôn của huyện lỵ, ai cũng phấn khởi, hy vọng cuộc sống sẽ đổi thay…

Vậy mà sau hơn một thập kỷ làm “thị dân”, thôn Bình Minh vẫn như một ốc đảo... Để ra được huyện, họ phải liều mình băng ngầm suối sâu, trèo qua những chiếc cầu khỉ cheo leo trên dòng nước xiết… Điện thắp sáng với người dân Bình Minh vẫn là thứ xa xỉ. Khát khao ánh điện, họ đã tự vận động để kéo điện “ké” từ xã Phú Xuân vào.

Gần 70 hộ có điều kiện tình nguyện đóng góp mỗi hộ hơn 4 triệu đồng (trong đó phải đóng góp cho xã Phú Xuân mỗi hộ 1 triệu đồng). Dù phải chịu giá điện “cắt cổ” 2.500 đồng/kWh nhưng do đường dây không đảm bảo, khoảng cách quá xa nên điện cũng không sáng hơn đèn dầu là bao. Các vật dụng sử dụng điện như tivi, quạt máy, máy bơm… sắm ra cũng đành để ngó.

Hơn 150ha đất sản xuất của thôn Bình Minh nằm ở bờ trái sông Krông Năng. Để qua sông sản xuất, năm nào bà con cũng phải đóng góp tiền của, công sức để làm cầu tạm. Tuy nhiên chỉ một trận mưa lớn là những cây cầu này bị cuốn phăng. Nhiều năm phải làm cầu tới 4 – 5 lần, mỗi lần mỗi hộ phải đóng góp từ 400.000 – 500.000 đồng. Giao thương khó khăn nên sản phẩm làm ra ở đây đều phải bán giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Mặt khác, do chưa được đầu tư thủy lợi nên sản xuất ở đây chủ yếu dựa vào nước trời. Hơn 20 ha lúa nước chỉ làm được 1 vụ. Năm nào lũ to nghịch vụ là mất trắng…

“Hy sinh đời bố củng cố đời con”

img Bình Minh có 130 hộ dân thì 43 hộ thuộc diện nghèo. Đây cũng là khu dân cư có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thị trấn. img

Trưởng thôn Bình Minh Đinh Minh Sòng than thở: Người chưa sung sướng bao giờ thì cũng chẳng bao giờ thấy mình là khổ. Nhưng điều day dứt nhất của bà con nơi đây là tương lai của con em họ. Chỉ cần một trận mưa lớn là thôn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, hàng ngày hơn 200 học sinh của thôn vẫn phải lội bộ hơn 4km đường mòn để ra xã Phú Xuân học.

Trên đoạn đường này lại có đến 2 cái ngầm sâu, 2 suối cắt ngang. Vào mùa mưa muốn con em mình an toàn, các gia đình đều phải cử người lớn cõng các em đi học. Năm 2007, lũ đã cuốn trôi một người khi cõng con đi học về. Việc học quá gian nan nên các cháu phải bỏ qua bậc học mẫu giáo. Người dân nơi đây thường bấm bụng bảo nhau: Hy sinh đời bố để củng cố đời con… Thế nhưng dù có giàu đức hy sinh thì hiện cũng có hàng chục cháu trong độ tuổi đến trường phải nghỉ học vì không phải gia đình nào cũng đủ kiên nhẫn…

Quả là những điều khó tin với những gì đang diễn ra ở một thôn vẫn được mang danh là “dân thị trấn”? Ông Đinh Văn Kiêm – Chủ tịch UBND thị trấn Krông Năng phân bua: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện rồi tỉnh, đề nghị đầu tư các công trình hạ tầng cho Bình Minh. Lãnh đạo cũng đã hứa sẽ quan tâm giải quyết”… Mấy năm trước, ngành điện đã khảo sát để kéo điện, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Còn đường giao thông thì đến nay vẫn đang ở giai đoạn “lập dự án”. Đó là tất cả sự “quan tâm” đối với Bình Minh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem