Olympic 1944 - Thế vận hội trong vòng dây thép gai

Thứ hai, ngày 08/10/2018 14:32 PM (GMT+7)
Cách đây hơn 74 năm - vào ngày 23 tháng 7 năm 1944 - một Thế vận hội đã diễn ra nhưng không phải ở các sân vận động nước Anh, quốc gia giành được quyền đăng cai tổ chức, mà là trong hàng rào thép gai trại giam Woldenberg Oflag II-C, nơi Đức Quốc xã giam cầm những tù binh chiến tranh thuộc quân đội Ba Lan.
Bình luận 0

Tại thế vận hội lạ lùng và duy nhất này, một số môn thể thao bị lính Đức cấm thi đấu nhưng các môn còn lại vẫn được tù binh tổ chức theo đúng tinh thần Olympic quốc tế dù rằng tất cả các vận động viên đều thiếu ăn, suy nhược…

1. Tháng 9.1939, chỉ vài tuần sau khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, 500 sĩ quan Ba Lan bị quân Đức bắt làm tù binh, được đưa đến thị trấn Woldenberg nằm gần biên giới giữa Ba Lan và Đức. Tại đó, họ bị buộc phải xây dựng một trại giam tù binh chiến tranh, được người Đức đặt tên là Woldenberg Oflag II-C. Đến năm 1942, trại Woldenberg Oflag II-C phát triển thành một khu giam giữ liên hợp, rộng 60 hecta với số tù binh lên đến 6.700 người, chia thành 7 phân trại, đánh số thứ tự từ 1 đến 7.

img

Tù binh Ba Lan dự lễ khai mạc Olympic tại trại giam Woldenberg Oflag II-C (ảnh do người Đức chụp).

Wolavski, một tù binh Ba Lan cho biết: "Khác với những trại tập trung diệt chủng người Do Thái, nơi tù nhân bị buộc phải lao động khổ sai và bị đưa vào phòng hơi ngạt thì ở trại Woldenberg Oflag II-C, trong một chừng mực nào đó, lính Đức giam giữ chúng tôi theo Công ước Geneve bởi họ biết rằng tù binh của họ nằm trong các trại giam của phía Đồng Minh cũng sẽ bị đối xử tàn ác nếu họ đối xử với chúng tôi tàn ác".

Nhờ vào Công ước Geneve, tù binh Ba Lan trong trại được phép tập thể dục hàng ngày, được chơi một số môn thể thao, được theo học các lớp Toán học, Hóa học, Vật lý mà giảng viên cũng chính là những tù binh như họ. Bên cạnh đó, tù binh còn thành lập một dàn nhạc giao hưởng, một đội kịch để thỉnh thoảng biểu diễn cho nhau xem. Vẫn theo Wolavski, chính những món ăn tinh thần trong những ngày tháng tuyệt vọng nhất, đã giúp họ vượt qua cái đói triền miên giày vò và những ngày lao động nặng nhọc.

Mùa hè năm 1944, lẽ ra thì đó là thời điểm diễn ra Thế vận hội London, tổ chức tại London, Anh Quốc nhưng vì chiến tranh nên nó bị hủy bỏ cũng như 4 năm trước, nó cũng đã bị hủy bỏ ở Tokyo, Nhật Bản bởi sự tham gia của Đế quốc Nhật vào Thế chiến II. Wolavski nói: "Sau khi bàn tính với các tù binh, trung tá Wladyslaw - người có cấp bậc cao nhất trong hàng ngũ tù binh Ba Lan đã trình bày ý định lên trưởng trại giam là trung tá Đức Quốc xã Henrich Steinner, đề nghị ông ta cho phép tù binh được tổ chức Thế vận hội…".

img

Lính Đức xem tù binh Ba Lan chuẩn bị thi chạy vượt rào 200m (ảnh do người Đức chụp).

Theo trung tá Wladyslaw, thoạt đầu Henrich Steinner tỏ ra e dè vì tại Thế vận hội Los Angeles, Mỹ, diễn ra năm 1932, một vận động viên người Ba Lan là Janusz Kusocinski đã giành huy chương Vàng trong môn chạy 10.000m. Đến tháng 9-1939, khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan, lính Đức hành quyết Janusz Kusocinski vì "đã dám thắng người Đức". Thế nên việc cho phép tù binh tổ chức Thế vận hội có thể là mầm mống diễn ra bạo loạn.

Lúc này ở mặt trận phía Tây, quân Đồng Minh đã đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp, và việc giải phóng các quốc gia phía nam châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian. Ở phía Đông, Hồng quân Liên Xô phá vỡ cuộc bao vây thành phố Stalingrad, đẩy quân Đức lùi về sát biên giới. Vì vậy, sau nhiều ngày suy nghĩ, trung tá Henrich Steinner quyết định cho phép tù binh được tổ chức Thế vận hội vì ông ta biết sớm muộn nước Đức cũng bại trận.

Khi đó, ít nhiều thì Steinner cũng được tiếng là đối xử nhân đạo với tù binh nhưng Steinner đặt ra điều kiện là tù binh không được thi đấu các môn bắn cung, đấu kiếm, bi sắt, bóng gậy, nhảy sào vì ông ta e ngại rằng các dụng cụ thi đấu có thể trở thành vũ khí nổi loạn.

2. Được sự chấp thuận của Henrich Steinner, hầu như tất cả tù binh nhanh chóng bắt tay vào việc chuẩn bị. Tù binh Wolavski kể: "Lá cờ Olympic được chúng tôi thực hiện bằng cách lấy một tấm vải trải giường màu trắng rồi vẽ lên đó 5 vòng tròn 5 màu, tượng trưng cho 5 châu lục cùng hàng chữ ROK 44 IIC - tiếng Ba Lan viết tắt nghĩa là Olympic 1944 tại trại giam Woldenberg Oflag II-C". Chương trình thi đấu và tên của các vận động viên được viết lên những tấm bìa các tông. Thậm chí tù binh còn làm cả vé mời danh dự cho những sĩ quan Đức quản lý trại giam.

img

Lá cờ Olympic 1944 tại trại giam Woldenberg Oflag II-C được làm từ tấm vải trải giường.

Sau này, khi đã được giải phóng, tù binh Arkady Verjizinsky kể lại với kênh truyền hình NBC: "Sáng ngày 23-7-1944, ngoại trừ những người đau ốm hoặc quá yếu không thể tham dự, còn thì tất cả chúng tôi tập trung trong sân trại để dự lễ khai mạc. Không thể tin được sự phấn kích của mọi người lúc ấy khi lá cờ Olympic lạ lùng nhất thế giới từ từ kéo lên". Và không chỉ tù binh, phần lớn lính Đức ở trại giam cũng có mặt vừa để theo dõi, đề phòng nổi loạn và cũng vừa để giải buồn.

Trong 21 ngày tiếp theo, tù binh thi đấu các môn bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, chạy 100m, chạy vượt rào 200m, nhảy cao, nhảy xa, chạy marathon 10.000m, quyền Anh.  Nếu như ngoài đời, các vận động viên chạy 100m chỉ mất khoảng 9 đến 12  giây thì ở trại Woldenberg Oflag II-C, người chạy nhanh nhất cũng phải hơn 1 phút vì đói; còn ở môn chạy vượt rào 200m, nhiều vận động viên không nhảy qua nổi hàng rào cao 1m cũng vì quá đói.

Theo tù binh Wolavski, dù vậy nhưng các vận động viên vẫn thi đấu rất tích cực, không ai bỏ cuộc nửa chừng để chứng minh cho người Đức biết rằng hàng rào dây thép gai  không giam cầm được ý chí của họ. Trung tá Wladyslaw kể: "Cái khó khăn nhất của chúng tôi là môn bóng đá vì không thể tìm đâu ra mấy quả bóng. Cuối cùng tôi đành phải tháo chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Omega của tôi, nhờ một sĩ quan Đức ra thị trấn Woldenberg đổi lấy bóng".

Chiếc đồng hồ ấy nếu bán, sẽ mua được vài trăm quả bóng nhưng khi viên sĩ quan Đức trở về, ông ta chỉ giao cho Wladyslaw 4 quả; nhưng với tù binh, có còn hơn không. 4 quả bóng cũng đủ để họ thi đấu, vừa bóng đá, bóng ném và cả bóng chuyền!

Thời điểm diễn ra các trận tranh tài môn bóng đá có lẽ là sự kiện quan trọng nhất của "Thế vận hội" tù binh. Arkady Verjizinsky kể lại với kênh truyền hình NBC: "Với những người già, đau ốm, không ra sân xem được, một tù binh là Wiartsky làm nhiệm vụ "tường thuật trực tiếp". Bằng cách ngồi cạnh cửa sổ trong buồng giam dành cho những người ốm, Wiartsky nhìn ra sân bóng đá rồi kể lại những gì đang diễn ra. Tù binh Vijlavski nói: "Suốt đời tôi vẫn không thể nào quên được giọng nói của  Wiartsky.

img

Các tù binh thi đấu môn thể dục tạo hình (ảnh do người Đức chụp).

Vào những lúc cao trào, anh ta gần như hét lên: "Kìa, Ludwass đã giành được bóng trong chân của Wieliczka, anh nhanh chóng chuyền sang cho Osovka. Osovka vượt qua 4 hậu vệ của đội phân trại 6. Anh có sút được không? Ôi, rất tiếc, trái bóng từ chân Osovka đã đi sai địa chỉ…".

Suốt 21 ngày diễn ra Thế vận hội, có tổng cộng 369 tù nhân tham gia 464 cuộc thi - nghĩa là một số tù binh tham gia 2, thậm chí là 3 môn thi đấu. Bên cạnh đó, tù binh còn tổ chức các sự kiện văn hóa như hội họa, điêu khắc và âm nhạc. Người chiến thắng nhận bằng khen và huy chương làm bằng giấy bồi. Trung tá Wladyslaw nói: "Chúng tôi tạo khuôn từ đất sét. Sau đó những tấm bìa cac tông được xé nhỏ rồi ngâm nước cho nhão ra. Cuối cùng, chúng tôi đổ cái thứ bột nhão ấy vào khuôn. Đến khi nó khô, chúng tôi có những tấm huy chương hình tròn. Nếu là huy chương vàng thì chúng tôi sơn màu vàng, huy chương bạc màu trắng còn huy chương đồng có màu nâu nhạt. Trên mỗi tấm huy chương, bên cạnh 5 vòng tròn Olympic, chúng tôi cố ý tô màu cách điệu lá cờ Ba Lan nhưng rất ít vận động viên biết được chuyện này vì chúng tôi phải giữ bí mật để Thế vận hội diễn ra suôn sẻ".

Tuy nhiên, không có huy chương nào được trao tặng cho môn quyền Anh bởi lẽ do suy kiệt vì thiếu ăn, các võ sĩ không thể thượng đài đến hết trận đấu. Trong số 60 trận đã lên chương trình, chỉ 27 trận diễn ra nhưng chẳng trận nào kéo dài đủ 3 hiệp. Wisla, tù binh và cũng là võ sĩ quyền Anh nói: "Một số bị gãy xương sườn chỉ với một cú đấm. Nhiều võ sĩ lúc bước sang hiệp thứ ba đã không còn đứng vững mặc dù không trúng đòn".

Có những trận, trọng tài phải tuyên bố ngừng lại vì chỉ sau 2 hiệp thi đấu, cả hai võ sĩ đều lảo đảo do kiệt sức mặc dù 1 tuần trước ngày khai mạc Thế vận hội, nhiều tù binh đã nhường phần ăn ít ỏi của mình cho các vận động viên. Trung tá Wladyslaw nói: "Khẩu phần hàng ngày của chúng tôi chỉ là canh củ cải nấu với muối và 600 gam bánh mì đen. Vì thế, dù được bạn bè cho thêm nhưng không đủ chất dinh dưỡng nên thể lực của họ không thể hồi phục".

3. Nỗi kinh hoàng chiến tranh nhanh chóng trở lại sau thời gian phấn khích ngắn ngủi tại Thế vận hội tù binh ở trại Woldenberg Oflag II-C. Tháng giêng năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô tiến gần đến vùng Woldenberg, lính Đức đã buộc các tù binh Ba Lan phải đi bộ hơn 300 km đến một trại giam mới nằm trong lãnh thổ nước Đức giữa thời tiết mùa đông buốt giá, rét âm 30 độ C. Hàng nghìn người đã chết trong cuộc di hành này. Đến tháng 4-1945, khi quân Mỹ tiến vào giải phóng họ, 6.700 tù binh ở trại Woldenberg Oflag II-C chỉ còn 300 người sống sót.

Hiện tại, lá cờ Olympic làm từ trại Woldenberg Oflag II-C vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Thể thao và Du lịch Ba Lan cùng với các hiện vật khác như một lời nhắc nhở hữu hình về những gì mà người Ba Lan đã phải trải qua trong suốt thời gian chiếm đóng của phát xít Đức. Theo trung tá Wladyslaw, lá cờ ấy đã được một tù binh cuốn vào người như tấm áo lót rồi khi anh ta sắp chết, cờ được trao lại cho người thứ hai và phải đến người thứ sáu là trung úy Antoni Grzesik, nó mới tự do xuất hiện dưới ánh mặt trời.

Theo tạp chí Olympic Review, các tù binh Ba Lan ở trại Woldenberg Oflag II-C không phải là những người đầu tiên tổ chức Thế vận hội trong vòng dây thép gai mà 4 năm trước đó, tù binh người Bỉ, Pháp, Anh, Na Uy, Ba Lan, Nga và Nam Tư bị giam giữ ở trại Stalag XIII-A, gần Nuremberg, Đức, cũng đã làm như vậy. Chỉ có điều là Thế vận hội của họ diễn ra trong bí mật. Và cũng vì bí mật nên các môn thi đấu của họ chỉ gồm nhảy cao, nhảy xa, chạy 100m và cờ vua. Riêng lá cờ Olympic của họ cắt từ một chiếc áo sơ mi còn 5 vòng tròn thế vận hội được vẽ bằng than theo lối cách điệu để qua mặt lính Đức.

Năm 1948, nước Anh được Ủy ban Olympic quốc tế đồng ý cho phép tổ chức lại Thế vận hội mà lẽ ra, nó đã được diễn ra ở London năm 1944. Có tất cả 59 quốc gia tham dự với 4.104 vận động viên nhưng đoàn Ba Lan không có mặt bởi suốt 7 năm dưới sự cai trị tàn bạo của phát xít Đức, phần lớn những tài năng thể thao của họ đã mai một…

Vũ Cao (ANTG)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem