"Ôm" hơn 41 nghìn tỷ gửi ngân hàng, doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận các công ty con của EVN lèo tèo

Nhóm PVKT Thứ hai, ngày 12/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, trong 14 Công ty con của EVN được khảo sát ghi nhận khoản trữ tiền mặt ở khoảng 41.503 tỷ đồng, trong số này có tới một nửa ghi nhận số tiền mặt lên hàng ngàn tỷ đồng. Dù vậy, con số này lại “chẳng thấm tháp” gì so với khối vay nợ khổng lồ trong hệ sinh thái của EVN.
Bình luận 0

Hàng chục ngàn tỷ gửi ngân hàng và khoản nợ vay "cao ngất'' của các Công ty con EVN

Tình trạng cắt điện vẫn diễn ra tại nhiều khu vực dân cư ở các tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục mất điện. Từ ngày 10/6, đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Công thương bắt đầu thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan về nguồn cung điện.

Theo đó, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Trước đó, trả lời báo chí về khoản lỗ của EVN, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ. Trong đó thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ tháng 7/2012. Như vậy, EVN sẽ mua các nguồn điện có giá thấp đến giá cao.

Tức là nhà máy phát điện nào chào giá thấp trên thị trường được huy động trước, giá cao sẽ huy động cuối cùng. Do đó, các nguồn từ thủy điện, than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.

"EVN hiện là nơi mua duy nhất, đóng vai trò mua hộ, phải mua với chi phí đắt đỏ, trong khi giá bán điện tới khách hàng do Nhà nước điều tiết", ông An nói.

Điều này đồng nghĩa, giá đầu vào theo thị trường, còn đầu ra bị khống chế, không theo thị trường, là lý do khiến EVN lỗ. Thực tế này tạo nên khó khăn cho EVN, khi có vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, lý giải về việc các công ty con đang có hàng ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng, EVN cho biết, cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.

Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn. Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới…

Thống kê từ Dân Việt cho thấy, tính đến 31/12/2022 trong 14 Công ty con của EVN được khảo sát ghi nhận khoản trữ tiền mặt ở khoảng 41.503 tỷ đồng, trong số này có tới một nửa ghi nhận số tiền mặt lên hàng ngàn tỷ đồng.

Đơn cử như Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc ghi nhận 10.590 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát điện 2 có 8.178,5 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, Tổng Công ty Phát điện 3 có 5.565,3 tỷ đồng, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia có 3.667,7 tỷ đồng, Tổng Công ty điện lực miền Trung ghi nhận hơn 5.000 tỷ đồng, Tổng Công ty điện lực TP. Hà Nội có 4.945 tỷ đồng, Tổng công ty Phát điện 1 có hơn 2.800 tỷ đồng…

"Bất ngờ" với hàng chục ngàn tỷ tiền gửi ngân hàng và khối nợ khổng lồ ở công ty con của EVN - Ảnh 2.

Trữ tiền của một số Công ty con của EVN (tỷ đồng)

Trong bối cảnh không mấy thuận lợi, kinh doanh có chiều hướng đi xuống, khoản tiền nhàn rỗi của các công ty này cũng "bốc hơi" mạnh. Tính tới cuối năm 2022, tổng trữ tiền của 14 Công ty được khảo sát hụt khoảng 5.000 tỷ đồng (tương đương giảm 10,5%) so với đầu năm.

Các công ty ghi nhận mức tiền mặt giảm đáng kể như Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia giảm gần 2.479 tỷ đồng (giảm tới 40,4%); Tổng Công ty điện lực miền Bắc giảm hơn 2.300 tỷ đồng (giảm 18%) so với đầu năm 2022; Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội giảm 810 tỷ đồng (giảm 14,2%), Tổng Công ty Phát điện 3 giảm 940 tỷ đồng (giảm 14,4%), Công ty cp Nhiệt điện Phả Lại (PPC) giảm 992 tỷ đồng (giảm tới 87%) so với đầu năm 2022…

Tuy nhiên cũng có những công ty “cá biệt” khi trữ tiền tăng vọt, đi ngược xu hướng chung. Đơn cử như Tổng công ty điện lực miền Trung có mức trữ tiền tăng cao nhất 29,7% so với đầu năm 2022 (3.864,2 tỷ đồng), Tổng Công ty phát điện 2 tăng 21% so với mức 6.765 tỷ đồng đầu năm 2022, Tổng Công ty Phát điện 1 tăng gần 11%.

Mặc dù có khoản tiền nhàn rỗi lớn nhưng đáng lưu ý con số này “chẳng thấm tháp” gì so với khối vay nợ khổng lồ trong hệ sinh thái của EVN.

Dữ liệu cho thấy, tính tới cuối năm 2022, khoản nợ vay của 14 công ty con EVN ở mức hơn 240.000 tỷ đồng, dù con số này đã giảm khoảng 7% so với đầu năm nhưng vẫn gấp tới 6 lần so với trữ tiền tại cùng thời điểm.

"Bất ngờ" với hàng chục ngàn tỷ tiền gửi ngân hàng và khối nợ khổng lồ ở công ty con của EVN - Ảnh 3.

Vay nợ của một số công ty con của EVN (tỷ đồng)

Các doanh nghiệp có mức vay nợ khủng có thể kể đến tại thời điểm cuối năm 2022 như Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia ghi nhận mức 50.954 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm; Tổng Công ty Phát điện 1 giảm 20% so với đầu năm xuống 41.910 tỷ đồng; vay nợ Tổng Công ty Phát điện 3 giảm 9,3% xuống 40.498,5 tỷ đồng; Tổng Công ty Phát điện 2 giảm 13% xuống 18.413 tỷ đồng; Tổng Công ty Thiết bị Đông Anh giảm 26% xuống 9.997 tỷ đồng…

Dữ liệu ghi nhận cũng có một số doanh nghiệp trong năm 2022 không vay nợ như Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Công ty CP tư vấn xây dựng điện 4 (TV4).

 Một năm ‘’được mùa’’ của DN sản xuất điện nhưng “chật vật” với công ty phát, truyền tải điện

Năm 2022 được cho là một năm "được mùa" của các doanh nghiệp ngành điện, đặc biệt là với các công ty thủy điện với lợi nhuận vượt xa kỳ vọng. Với đặc điểm là doanh thu bán hàng chính từ sản xuất điện, nguồn nguyên liệu đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thời tiết, nguồn nước thiên nhiên... có thể nói các doanh nghiệp điện thủy lợi đã ''gặp thời" từ hiệu ứng La Nina mang đến lượng mưa lớn cho các hồ chứa.

Tuy nhiên, cùng thời điểm này, các Công ty con của EVN lại công bố kết quả kinh doanh với chủ đạo là gam màu xám. Mà kết quả ghi nhận đi xuống phần lớn nằm ở các công ty phát và truyền tải điện.

Cụ thể, doanh thu năm 2022 trong 14 doanh nghiệp khảo sát đạt 381.211,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 12.679,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,6% và gần 30% so với năm 2021.

"Bất ngờ" với hàng chục ngàn tỷ tiền gửi ngân hàng và khối nợ khổng lồ ở công ty con của EVN - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh cảu một số Công ty con EVN (tỷ đồng).

Phần lớn các doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu khá cao nhưng lãi thu về rất mỏng. Cụ thể, năm 2022 Tổng Công ty Điện Phát 3 ghi nhận doanh thu 47.287,3 tỷ đồng, tăng 25% nhưng lãi trước thuế đạt 3.057,3 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2022.

Tổng Công ty điện phát 1 ghi nhận 36.621 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với năm trước đó, lãi trước thuế đạt vỏn vẹn 2.649 tỷ đồng, giảm tới 62% so với năm 2021.

Hay Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia ghi nhận 16.578 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm trước đó nhưng lãi trước thuế năm 2022 còn 63 tỷ đồng, lao dốc tới 94%.

Tổng Công ty điện lực TP.Hà Nội có doanh thu tăng 9,6% lên 46.783 tỷ đồng nhưng lãi còn vỏn vẹn 38 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2021.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp mức lãi lớn như Tổng Công ty Phát điện 2 với 5.303,2 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2021; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại lãi 558,6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần…

Theo số liệu công bố, giá bán lẻ điện bình quân bán cho khách hàng sử dụng điện theo biểu giá điện do Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2022 là 1.882,73 đ/kWh, trong khi đó giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm cả chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) là 2.032,26 đ/kWh. Vì vậy, với mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện năm 2022 thì EVN lỗ 149,53 đồng/kWh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem