Ông chủ Lạc Hồng Lotus N01T5 lên tiếng việc bị tố “bớt” thang máy

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 30/11/2018 07:59 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều khách hàng “tố” chủ đầu tư chung cư Lạc Hồng Lotus N01T5 – Khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã vi phạm hợp đồng, “ăn bớt” hạng mục thang máy… thì người đứng đầu lại khẳng định, công ty này đang thực hiện giải pháp công nghệ phân chia lô thang nhằm tránh xung đột trong giờ cao điểm hạn chế việc những tầng không liên quan bấm lệch… mà nhiều chung cư hiện đại đang triển khai.
Bình luận 0

Giải pháp công nghệ thang máy hiện đại? 

Liên quan tới phản ánh của khách hàng mua dự án chung cư Lạc Hồng Lotus N01T5 – Khu Ngoại giao đoàn, trao đổi với báo Dân Việt, ông Lê Xuân Trường – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng cho biết, doanh nghiệp này đã nhiều lần tiếp xúc với nhóm khách hàng có kiến nghị. Trong đó, đại diện chủ đầu tư và nhiều khách hàng đã có buổi làm việc trực tiếp tại dự án.

Đối với nội dung cư dân “tố” chủ đầu tự ý thay đổi thiết kế thang máy mà không có thông báo với khách hàng theo quy định hợp đồng mua bán đã ký kết, người đứng dầu Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng cho rằng, công ty vẫn làm đúng với thiết kế 6 thang máy đúng trọng tải, kích thước. 6 thang máy của toà nhà vẫn hoạt động phục vụ cư dân của 287 căn hộ. 

img

Nhiều khách hàng phản ánh việc chung cư Lạc Hồng Lotus N01T5 có thiết kế 6 thang máy, nhưng nhiều tầng lại chỉ có 3 cửa thang. 

Cũng theo ông Trường, rất nhiều nhà cao tầng trên 30 tầng và một số toà nhà hiện đại tại Hà Nội cũng đang thực hiện việc phân zone (chia lô) thang máy. Giải pháp này sẽ tránh xung đột trong giờ cao điểm hạn chế việc những tầng không liên quan bấm lệch, tránh tình trạng đợi nhau rất sốt ruột không cần thiết trong khi đó mấy thang kia thì nằm chờ. Đây là việc rất văn minh. “Chúng tôi đã nhiều lầm giải thích cho khách hàng về việc mở cửa thang máy này.  3 cửa hay 6 cửa không quan trọng vì tôi điều hành tôi chịu trách nhiệm trước cư dân về kỹ thuật lưu lượng khách hàng quan trọng hơn và thời gian mọi người khi ở quan trọng hơn.”, ông Trường nhấn mạnh.

Về vấn đề khách hàng phản ánh chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho khách hàng khi chưa đủ điều kiện như: thiếu biên bản nghiệm thu PCCC, nghiệm thu hoàn công dự án… theo đúng quy định của pháp luật, ông Lê Xuân Trường khẳng định, các giấy tờ liên quan sẽ được hoàn thiện trong tháng 11 này (tháng 11.2018-PV). Đây là điều mà doanh nghiệp không mong muốn. 

img

Công trình chậm tiến độ do chủ đầu tư chủ động làm thêm nhiều hạ mục tốt cho dự án. 

Trao đổi thêm về thời gian bàn giao căn hộ, ông Trường cũng cho rằng, việc bàn giao căn hộ có chậm tiến độ nhưng việc chậm này không phải mong muốn của chủ đầu tư. Nguyên nhân chậm là do chủ đầu tư đã làm thêm nhiều hạng mục cho dự án.

“Dự án này được duyệt ban đầu là 2 tầng hầm, sau đó công ty có xin thêm 1 tầng hầm là 3 tầng hầm. Để làm các thủ tục nên có chậm nhưng không đáng kể. Cùng với đó, công ty cũng chủ động bổ sung hệ thống điều hoà trung tâm tại sảnh thang máy, sảnh toà nhà sang trọng… đã khiến cho dự án có chút chậm trễ”, ông Trường nói.

Làm trước xin sau?

Theo tài liệu của PV Dân Việt, ngày 19.10.2018 Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng mới có văn bản gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) về việc “đề nghị có ý kiến về giải pháp chia lô thang máy tại công trình NO1-T5 Khu Đoàn Ngoại Giao”.

Trong văn bản trên, Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng đề xuất được áp dụng giải pháp công nghệ điều khiển để phân chia lô thang và tổ chức vận hành hệ thống thang máy của công trình. Cụ thể: Bố trí 3 thang (P1, P2, P3) phục vụ giao thông lên xuống từ các tầng hầm, tầng 1, tầng M, và từ các thầng 6 đến tầng 21; 02 thang (P4, P5) phục vụ giao thông lên xuống từ các tầng hầm, tầng 1 và từ các tầng 21 đến 35; 01 thang chở hàng (P6) phục vụ giao thông lên xuống từ các tầng hầm, tầng 1, và từ tầng 21 đến tầng 35. Trong trường hợp khẩn cấp thang P6 có chế độ mở để gọi thang từ tất cả các tầng. 

Giải pháp trên không làm thay đổi quy mô xây dựng, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, kết cấu chịu lực công trình, và số lượng thang máy theo hồ sơ kỹ thuật đã được thẩm định…

Tuy nhiên, thời điểm xin ý kiến này, công trình đã cơ bản hoàn thành và đã có thông báo bàn giao cho khách hàng. Văn bản xin ý kiến của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng cũng được gửi sau cuộc đối thoại trực tiếp với đông đảo khách hàng trong đó có yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc thay đổi hạng mục thang máy. 

img

Chủ đầu tư xin ý kiến cơ quan chức năng sau khi khách hàng phản ánh. 

Và phải đến ngày 5.11 vừa qua, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng trong đó Cục này cho rằng: Việc áp dụng giải pháp phân chia và tổ chức vận hành hệ thống thang máy của công trình là “có thể chấp thuận được”.

Đặc biệt, văn bản của Cục trên cũng nhấn mạnh: “Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng và các đối tác liên quan (nếu có) trong việc thực hiện điều chỉnh giải pháp tổ chức vận hành các thang máy theo quy định của pháp luật”.

Theo nhiều chuyên gia, đây là văn bản của Cục Quản lý hoạt động xây dựng có mục đích nhằm hướng dẫn doanh nghiệp. Trường hợp công trình có sự thay đổi thiết kế thì buộc chủ đầu tư phải được sự chấp thuận của các đơn vị chức năng có trách nhiệm.

Được biết, chiều ngày 29.11, UBND phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức buổi làm việc nhằm giải quyết những phản ánh của khách hàng mua dự án chung cư Lạc Hồng Lotus N01T5. Tại buổi họp, ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Tảo cho biết, trước mắt phường yêu cầu Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng có văn bản trả lời cho phường về các nội dung khách hàng kiến nghị trước ngày 5.12. Sau đó, phường sẽ tổ chức buổi gặp đối thoại giữa các bên liên quan ngay trong tháng 12 tới./. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem