Ông Đặng Văn Thành: “Vua rác” cũng ngon tại sao “vua đường” lại không thành công?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 15/11/2018 15:49 PM (GMT+7)
“Thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam vẫn là lợi thế cho TTC, thị phần của chúng ta trên dưới 50%, đó là một thị trường lớn lắm. Cái gì làm "vua" của nông dân cũng ngon, “vua rác” cũng ngon thì “vua đường” như TTC tại sao có thể không thành công? Tất nhiên chúng ta phải làm trên tinh thần trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và với nhà đầu tư, với nông dân...”.
Bình luận 0

img

Đó là tâm tình của “ông vua mía đường” Đặng Văn Thành về những kế hoạch phát triển của Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT), với cổ đông, nhà đầu tư xung quanh những biến động của ngành mía đường thời gian qua và những kế hoạch “táo bạo” sắp tới của SBT, tại Đại hội cổ đông thường niên sáng nay 15.11.

SBT sẵn sàng “đối đầu” với ATIGA

Báo cáo tại đại hội, SBT cho biết, kết thúc niên độ 2017-2018, công ty đạt gần 10.285 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 545 tỷ, đồng thuận tăng mạnh (tính bằng lần) so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế vượt chỉ tiêu đến 115 tỷ đồng. Với kết quả này, SBT trình cổ đông thông qua việc trả thêm 4% cổ tức tiền mặt, nâng tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt niên độ 2017-2018 lên 8%, tương đương hơn 408 tỷ đồng. Đặc biệt, để tạo “hứng khởi” cho nhà đầu tư, SBT cũng đặt ra và thông qua mục tiêu cho niên độ 2018-2019, SBT sẽ tiếp tục chi trả cổ tức cho cổ đông từ mức 6-10%.

Về kế hoạch cho niên độ 2018-2019, SBT dự kiến sản lượng đường tiêu thụ khoảng 846.733 tấn; doanh thu hợp nhất hơn 11.545 tỷ đồng, tăng 12,2% so với thực hiện niên độ 2017-2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 680 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm trước.

Trước thắc mắc của cổ đông về việc tại sao có sự chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận? Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT SBT, lý giải: "Với SBT hiện nay, mục tiêu lợi nhuận chỉ là tức thời, thị phần mới là vĩnh cửu. Hiện SBT đang cố gắng thúc đẩy thị phần nên phải chi nhiều cho marketing, phát triển sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối, chi mạnh cho công tác bán hàng… nhằm đánh vào phân khúc công nghiệp, bán lẻ”.

“Vài năm trở lại đây, thị phần của SBT tăng trưởng bình quân từ 12 - 18%. Hiện kênh phân phối lớn đã bão hòa, SBT đang đầu tư hệ thống kênh bán phối bán lẻ, kênh công nghiệp vừa và nhỏ đồng thời đầu tư vào nông nghiệp organic. Mục tiêu của SBT sẽ là gặt hái thành quả lớn vào năm 2021 trở đi”, ông Dương giải thích.

img

Bà Đặng Huỳnh Ức My cho biết: SBT hiện đã sẵn sàng đối đầu với ATIGA... (Ảnh: Quốc Hải)

Trong khi đó, “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My, thành viên HĐQT SBT thì tin tưởng: “Đối với SBT bây giờ không phải là câu chuyện ATIGA mà là câu chuyện phát triển thị phần đến năm 2020. Cũng xin báo tới cổ đông một tin vui là mới đây (ngày 26.10), Mía đường TTC Attapeu - đơn vị trực thuộc SBT đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty ED&F Man Sugar (Anh) về việc tiêu thụ đường Organic sản xuất tại Lào và bán các loại đường của TTC Sugar niên vụ 2018 - 2019 sang thị trường châu Âu.

“TTC Attapeu và đối tác ED&F Man Sugar sẽ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU - Memorandum of Understanding) về việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm, bao gồm đường Organic Golden Cane Sugar và Golden Cane Sugar trong thời gian 5 năm sắp tới, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho SBT”, bà Ức My thông tin.

Có thể SBT sẽ di dời nhà máy ra nước ngoài

Đánh giá cao những nỗ lực của SBT niên độ 2017-2018 vừa qua, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) chia sẻ: "Thời gian vừa qua, chu kỳ của ngành mía đường rơi vào khủng hoảng khủng khiếp, cộng với Deadline của ATIGA làm cho doanh nghiệp (DN) mía đường rất khó khăn. Nói đến điều này để tôi thay mặt Tập đoàn đánh giá rất cao và có lời khen ngợi thực sự với Thành Thành Công - Biên Hòa. Phải biết rằng, thời gian qua là một khoảng thời gian rất khó khăn của Ngành đường Việt Nam. Các đồng nghiệp của chúng ta khó khăn đến nỗi mà họ phải trả tiền mía cho nông dân bằng đường, rồi nông dân lại dùng đường đó để tham gia vào thị trường không chuyên nghiệp khiến giá lại khó khăn tiếp tục. Khó khăn này chồng chất cùng với khó khăn của đường lậu nhập vào không kiểm soát nổi".

img

Ông Đặng Văn Thành (bìa phải), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công bắt tay hỏi thăm cổ đông (Ảnh: Quốc Hải)

Vì vậy, tôi luôn động viên anh em cố gắng vượt qua và chúng ta đã làm được một thành quả hết sức ngoạn mục là giữ được uy tín của TTC với ngành Đường, giữ được uy tín với nông dân, không phụ lòng nông dân... Đảm bảo các chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu nhạy cảm là lợi nhuận đối với các nhà đầu tư của TTC.

Tôi cho rằng không chỉ có TTC và các DN ngành mía đường khác trong tiến trình hội nhập, chúng ta phải đối diện với một nền kinh tế thực sự, với quy luật đào thải, không nhún nhường và chúng ta phải đối mặt với họ, với thị trường”.

Cũng theo ông Thành: "Vấn đề vùng nguyên liệu là một thách thức rất lớn, nhất là vấn đề hạn điền. Phải đẩy mạnh công tác khuyến nông với bà con nông dân, những hộ nhỏ lẻ để họ kết lại tạo thành cánh đồng lớn và cơ giới hóa nó để đưa kỹ thuật canh tác vào. Nên nhớ rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên lao động phổ thông ngày càng khan hiếm, nếu chúng ta không cơ giới hóa thì không còn người đi... đốn mía đâu".

“Một vấn đề vui về kỹ thuật canh tác mà tôi khen tặng thực sự với Thành Thành Công - Biên Hòa, thứ nhất là dùng bẫy đèn để bắt sâu bướm vào ban đêm mà trước đây phải dùng thuốc xịt sâu; thứ 2 chúng ta dùng ong mắt đỏ để diệt sâu đục thân và thứ 3 là chúng ta dùng cách cày ngầm để tăng năng suất mía. Tôi đánh giá cao cách cày ngầm này là bởi vì trước đây bà con nông dân chỉ cày khoảng 3 tấc đất thôi, qua các cuộc hội thảo với nông dân Brazin, nông dân Úc, Mỹ... thì chúng ta học được cách cày sâu từ 6 đến 8 tấc đất, cách làm này vừa giúp giữ ẩm cho đất để chống hạn, vừa giúp rễ mía bám xuống sâu nên không bị ngã đổ. Đây là những kỹ thuật canh tác đưa lại hiệu quả về năng suất cho mía đường TTC nói riêng, ngành mía đường nói chung”, ông Thành thông tin.

Cũng theo ông Thành: "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn xa hơn. Chúng ta có mặt ở Campuchia rồi, có mặt ở Lào rồi, chúng ta cũng có vùng nguyên liệu rất lớn ở Campuchia rồi, đến 8.000 ha rồi và có thể chúng ta nên tính tới chuyện di dời nhà máy sang Campuchia nữa để ở khu vực Đông Dương, TTC phải có “tiếng nói”. Rồi mới đây tôi đi thăm một tiểu bang nông nghiệp của Mỹ, tôi thật sự mê lắm, tại sao chúng ta không đặt nhà máy ở Mỹ, điều đó chắc chắn là được vì ATIGA sắp tới không còn biên giới nữa, với lợi thế của TTC lúc này thì chúng ta dư sức làm. Rồi cả câu chuyện phải làm sao để ngành đường Việt Nam thích ứng với ATIGA chứ không thể trông chờ bảo hộ từ Chính phủ mãi được, vì như thế nền kinh tế thị trường sẽ trở nên méo mó... Nếu chúng ta bảo hộ ngành đường thì ngành công nghiệp sữa sẽ thế nào, bánh kẹo thế nào khi không có được đường giá rẻ để cạnh tranh?".

“Nói thật, cứ để tự nhiên đi, đất đai khí hậu Việt Nam tốt thì chúng ta trồng thứ khác, rồi nhập đường về để sản xuất, giá rẻ... thì tại sao không làm”, ông Thành bày tỏ tâm tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem