Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã trả lời nhiều ý kiến bức xúc của cử tri TP. Đà Nẵng như vậy về vấn đề liên quan đến Formosa trong buổi tiếp xúc cử tri TP. Đà Nẵng sáng 4.8.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng lần này, rất nhiều cử tri tỏ ra băn khoăn, lo lắng và rất bất bình trước tình trạng ô nhiễm môi trường mà nhà máy thép Fomosa (Hà Tĩnh) gây ra đối với biển miền Trung và trong khu dân cư cũng như hệ lụy lâu dài, chưa thể tính toán hết được của vấn đề này.
Ai dám đảm bảo Formosa không lén xả độc nữa?
Cử tri Đặng Vân (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng: "Việc gây ô nhiễm của Nhà máy Fomosa rất nghiêm trọng, để lại hậu quả rất lớn với người dân nên yêu cầu Quốc hội làm rõ vấn đề Fomosa gây ô nhiễm môi trường. Làm rõ ai chịu trách nhiệm, liệu có đổ xả thải ra môi trường nữa hay không? Ai dám đảm bảo cho Formosa không lén xả độc nữa…” - cử tri Vân ý kiến.
“Không thể lên báo nói mấy câu là xong, Thanh tra sẽ kết luận việc cấp phép 70 năm cho Formosa” - ông Đinh Thế Huynh nói. (ảnh Đình Thiên).
Trong khi đó, cử tri Lê Cử (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) và nhiều cử tri khác đồng ý kiến cho rằng Quốc hội nên làm rõ vì sao lại cấp phép tận 70 năm cho một nhà đầu tư đầy tai tiếng trên cả thế giới về ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh việc đặt câu hỏi về vụ việc đã xảy ra do Formosa gây ra, nhiều cử tri quan tâm việc tới đây Chính phủ sẽ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, chính sách hỗ trợ ngư dân như thế nào.
Còn cử tri Nguyễn Mậu Dựng (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho rằng Quốc hội, Chính phủ phải nhanh tay phải đưa ra các quyết sách thiết thực đảm bảo đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa.
Formosa là bài học lớn
Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư phát biểu: "Bài học Fomosa là bài học đau xót, cay đắng, để không quên rằng phát triển kinh tế phải đi đôi với môi trường. Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng mà phải mất thời gian mới giải quyết được”.
"Chúng ta đã đấu tranh với Fomosa buộc họ phải cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ, trước nhân dân Việt Nam và phải cam kết khắc phục không tái phạm. Họ đã phải bồi thường 500 triệu USD, theo cam kết chia làm hai đợt, đợt 1 là 250 triệu USD họ đã trả và đợt 2 thì khoảng hai tháng nữa họ sẽ nộp tiếp, từ đó phân bổ để khôi phục môi trường, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, buộc Formosa phải thay đổi, hoàn thiện việc xả thải và lập các trạm quan trắc để chúng ta kiểm soát không để họ tiếp tục xả độc ra môi trường” - ông Huynh chia sẻ.
Chia sẻ với cử tri Đà Nẵng, ông Huynh khẳng định, nếu Formosa tái phạm các cam kết thì sẽ bị đóng cửa.
"Còn bây giờ điều gì Formosa cam kết thì phải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, liên tục của các đoàn bộ ngành, tỉnh Hà Tĩnh. Trước sự giám sát này nên vừa rồi phát hiện ra việc chôn chất thải tại thị trấn Kỳ Anh, chở chất thải ra Phú Thọ và cả Formosa ở Đồng Nai” - Thường trực Ban Bí thư cho biết.
Cử tri Đà Nẵng yêu cầu giám sát chặt Formosa, nhanh chóng ổn định đời sống người dân (Ảnh: Đình Thiên)
Theo ông, việc khắc phục hậu quả này rất gian truân, vất vả. Sự cố môi trường kéo dài suốt từ Vũng Áng tới Lăng Cô. May là Đà Nẵng có dòng có hải lưu phía nam chảy ra nên không chịu ảnh hưởng. Và để giúp ngư dân khắc phục, việc chuyển đổi nghề nghiệp là từ đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ và chuyển đổi cho một bộ phận, không thể chuyển đổi hết được vì còn vấn đề hậu cần, trên bờ như thế nào...
Về xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, ông Huynh cho biết, các cơ quan chuyên môn đang kiểm tra lại toàn bộ quá trình cấp phép, quá trình phê duyệt dự án, đặc biệt là hệ thống xả thải để làm rõ trách nhiệm, ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
"Không thể để ông lên báo chống chế vài câu rồi là qua. Việc vì sao cấp phép 70 năm, 12 bộ ngành đều đồng ý, Thanh tra sẽ làm rõ và sẽ có kết luận cụ thể. Nói phải có căn cứ, chứ không phải anh lên báo nói cho xong chuyện” - ông Huynh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.