Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, đại diện nhóm công tác vốn
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kì 2018 (VBF), trong phiên thảo luận về thị trường vốn, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, đại diện nhóm công tác vốn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, một số thị trường tài chính toàn cầu thể hiện lo ngại về sự suy giảm vì hai lý do.
Thứ nhất, tranh chấp thương mại giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai, tăng trưởng của kinh tế Mỹ khiến lãi suất USD tăng, giảm sức hấp dẫn của thị trường tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi. Việt Nam không đứng ngoài những lo ngại này, cùng với đó là sự thay đổi của lạm phát, tỷ giá.
Tính đến hôm qua (3.7), VnIndex giảm 7% so với đầu năm, giảm khoảng 20% tại mức đỉnh đạt được tại tháng 3.2018. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lo ngại về dòng vốn nước ngoài chảy về nước.
Song trong 6 tháng đầu năm, nếu như các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Thái Lan 5,6 tỷ USD; Indonesia 3,7 tỷ USD; Phillipines 1,6 tỷ USD nhưng giá trị đầu tư tại thị trường Việt Nam lại dương 1,5 tỷ USD. Như vậy, một phần nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn tín nhiệm với môi trường Việt Nam.
Nếu nhìn về mức giá trị doanh nghiệp của Việt Nam, P/E của Việt Nam theo chúng tôi định giá trong năm nay khoảng 10 – 12 lần và khả năng phát triển lợi nhuận và EPS của các công ty là trên 25%. Như vậy mặt bằng giá trị các công ty niêm yết tại Việt Nam thuộc loại khiêm tốn nếu không muốn nói là khá rẻ và hấp dẫn.
Như vậy, chúng ta nên tin tưởng thị trường vốn Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ và bền vững những năm gần đây. Thể hiện bằng tổng giá trị vốn hóa của cả hai trị trường trái phiếu và cổ phiếu từ 70 tỷ USD lên 200 tỷ USD.
Tổng giá trị giao dịch hàng ngày của cả hai thị trường này hướng tới vượt 1 tỷ USD vào cuối năm nay. Tổng vốn được huy động mới cho các doanh nghiệp niêm yết trong nước phát hành là 5 – 10 tỷ USD/năm. Từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã huy động trên 4 tỷ USD.
Từ đây, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành và thành viên thị trường 4 kiến nghị.
Đối với Luật Chứng khoán mới, Chính phủ cần sớm ban hành Dự thảo Luật để các thành viên trên thị trường có thể góp ý. Khẳng định rằng Luật Chứng khoán là Luật chính, chi phối các công ty niêm yết. Đồng thời, sửa lại một số vấn đề mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư như room cho NĐTNN. Xác định rõ hơn quyền điều tra các vi phạm của UBCKNN.
Xây dựng nhanh và sớm hệ sinh thái của các tổ chức đầu tư trong nước. Tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các yêu cầu đổi mới các ngân hàng về hoạt động giám sát, lưu ký theo hướng linh hoạt hơn trong việc quản lý tiền tệ. Ngoài ra, cần mở rộng các loại hình tài chính có thể phục vụ cho nhiều nhà đầu tư và cho phép Ngân hàng thương mại được đăng ký loại hình dịch vụ mới là phân phối sản phẩm tài chính cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, với việc IPO các DNNN, thời gian định giá cho đến lúc IPO chính thức doanh nghiệp nhà nước còn quá lâu, dẫn đến sự thiệt thòi cho nhà đầu tư, cần phải cải thiện vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.