Ong dú, loài côn trùng tên nghe mắc cười, nuôi thành công ở Ninh Thuận, mật ngọt đạt sao OCOP
Loài côn trùng tên nghe mắc cười, bay tối ngày, nuôi thành công ở Ninh Thuận, sản phẩm mật ngọt đạt sao OCOP
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 23/12/2024 13:02 PM (GMT+7)
UBND TP. Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) vừa tổ chức lễ công bố; trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt OCOP 3 và 4 sao năm 2024. Trong số này có sản phẩm mật ong dú của Công ty TNHH Ong dú Jichi.
Trong số này có những sản phẩm độc đáo như sản phẩm Ong dú nuôi kiểng nhà phố của Công ty TNHH Ong dú Jichi; Rong sụn biển sấy dẻo vị tảo xoắn, Gừng sấy mật ong và trái xay rừng trộn muối ớt…
Trao đổi với Dân Việt, chị Đặng Hoàng Nhi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ong dú Jichi (phường Bảo An, TP. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết, đây là lần đầu tiên công ty chị nhận được Giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm Ong dú nuôi kiểng nhà phố của công ty và gia đình.
"Tôi rất vui, hạnh phúc khi được "tuyên dương" tại một sân khấu lớn tổ chức ngoài trời ngay Quảng trường 16/04, có đài truyền hình và báo chí tới đưa tin. Tôi cảm thấy choáng ngợp, hồi hộp chờ nghe tên lên nhận Giấy chứng nhận và khi nhận rồi cứ tưởng mình đang mơ. Có chứng nhận 3 sao rồi, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao chất lượng hơn nữa để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn…", chị Hoàng Nhi chia sẻ.
Chúng tôi cùng đoàn du khách tham quan trại nuôi ong dú của gia đình chị Đặng Hoàng Nhi nằm bên bờ Sông Dinh đã được gia đình chị gầy dựng hơn 5 năm qua.
Theo lời chị Đặng Hoàng Nhi, duyên lành khiến gia đình chị đến với nghề nuôi ong dú một cách rất khá tình cờ. Gần chục năm trước, trong một lần kiểm tra để thu dọn các thùng ong cũ, chị đã tình cờ phát hiện ra loài ong nhỏ này và biết được đó là loài ong dú (tên khoa học Stingless bee) nên mạnh dạn nuôi thử với 3 đàn ong bắt được trong vườn nhà.
Quá trình nuôi thử, chị Hoàng Nhi phát hiện loài ong này sống rất khỏe, sức chống chịu bệnh cao, khả năng kiếm thức ăn rất tốt và không tốn chi phí thức ăn.
Đặc biệt, ong giống và các sản phẩm từ ong dú này cũng bán với giá rất cao nên quyết định tiếp tục nhân rộng số lượng đàn… Nhận thấy ong dú sinh sản rất nhanh nên chị Hoàng Nhi nhân đàn, để bán ong giống thay vì bán mật như nhiều người nuôi khác vẫn làm.
Đến năm 2018, gia đình chị vay mượn người thân gần 100 triệu đồng để xây dựng nhà nuôi với đầy đủ hệ thống thông khí, quạt gió, kệ để thùng nuôi ong có gắn ống nhỏ để ong ra vào làm tổ. Xung quanh nhà nuôi ong dú, chị Hoàng Nhi cho trồng nhiều hoa và các cây cỏ để có nguồn thức ăn cho ong.
Mỗi tháng gia đình chị Hoàng Nhi xuất bán từ 40-50 đàn ong giống với giá bán 2 triệu đồng/đàn và cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/tháng…
Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình ong dú chúa
Để thuận lợi trong việc tách đàn, gây ong dú giống, chị Hoàng Nhi đã chủ động trong việc nuôi trứng ong chúa, sau khi tách đàn sẽ cấy ong chúa vào mỗi đàn mới để sinh sôi nảy nở và phát triển đàn ong.
Bằng kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ong chuyên nghiệp và uy tín, những đàn ong dú từ trại chị Hoàng Nhí bán ra luôn được thị trường đánh giá cao.
Hiện giá đình chị Hoàng Nhi đã nhân lên 100 lần với 300 đàn, có lúc lên đến 400-500 đàn tùy thời điểm xuất bán giống cho thị trường cả nước. Sau khi trừ hết chi phí, tổng thu nhập từ việc bán ong giống và các sản phẩm từ ong dú của trại ong trên 100 triệu đồng.
Đến nay trại nuôi ong dú của chị Hoàng Nhi đã được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến. Nhiều đối tác đếm tìm hiểu, phối hợp đầu tư nhân rộng số lượng đàn ong để phát triển theo hướng nuôi ong lấy mật.
Ngoài việc bán ong giống thì trại của chị Hoàng Nhi còn chú trọng phát triển đàn để nuôi lấy mật, cung cấp ra thị trường những sản phẩm mật ong dú nguyên chất từ thiên nhiên.
Theo lời chị Hoàng Nhi, ong dú nhỏ nên thời gian tạo mật khá lâu, mỗi năm nếu thức ăn đầy đủ thì mỗi đàn ong dú cho thu mật khoảng 1 lít và giá bán thấp nhất là 1,5 triệu đồng/lít.
Để đáp ứng nguồn mật ong dồi dào, thường xuyên và không bị đứt hàng, gia đình chị cùng các hộ nuôi thành viên đang từng bước nhân rộng số lượng đàn ong lên hơn 2.000 đàn để có mật ong dú cung cấp cho người tiêu dùng...
Theo lời chị Hoàng Nhi, ong dú khác hẳn các loại ong khác về cách thức làm mật.
Ong dú không hút mật hoa cũng không ăn đường như các mà chỉ lấy phấn hoa tha về tổ kết hợp với các dịch men trong tuyến nước bọt của ong cô đặc thành những hạt nhỏ.
Khoảng 6 tháng sau, những hạt này sẽ trở thành mật ong dú. Mật ong dú rất ít so với các loại ong khác nhưng bù lại chất lượng và công dụng của mật ong dú rất cao. Mật ong dú có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, giảm đau và hỗ trợ chữa viêm đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng…
Để mọi việc thuận tiện, gia đình chị Hoàng Nhi đã xây dựng thương hiệu "Ong dú JiChi" và thành lập doanh nghiệp, phối hợp với nhiều nhà khoa học hoạt động trong lĩnh nông nghiệp công nghệ cao để phát triển, nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật.
Sản phẩm OCOP độc đáo của thành phố biển
Theo UBND TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), trong năm 2024, có nhiều sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng thuộc 4 nhóm từ ngành chế biến từ rau, củ, quả, hạt có 3 sản phẩm.
Nhóm ngành chế biến từ thịt, thủy sản, trứng sữa, mật ong, mật khác và nông sản thực phẩm khác có 22 sản phẩm. Nhóm ngành đồ uống có cồn khác có 2 sản phẩm, nhóm ngành sản phẩm sinh vật cảnh có 1 sản phẩm.
Những sản phẩm này đều tham gia lần đầu dựa theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Tất cả những sản phẩm này có nguồn gốc nguyên liệu tại địa phương và là sản phẩm đặc trưng của thành phố biển Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng và của tỉnh Ninh Thuận nói chung.
Cụ thể là Rượu vang nho, rong sụn sấy dẻo, gừng sấy dẻo, tảo xoắn spirulina tươi, tảo xoắn spirulina sấy thăng hoa, rong sụn biển tảo xoắn, tổ yến, yến hủ, xay ngào đường, xay ngào mật ong, xay muối ớt, nem chua, chả lụa, mô hình ong dú nuôi kiểng nhà phố…
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Rang – Tháp Chàm(Ninh Thuận), đây là các sản phẩm độc đáo và có tiềm năng mở rộng thị trường trong thời gian sắp tới.
Đặc biệt là sau khi được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP, những sản phẩm này có khả năng mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực, đồng thời góp phần quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm của địa phương đến du khách gần xa...
Những sản phẩm OCOP 3 sao của TP. Phan Rang – Tháp Chàm năm 2024
Theo UBND TP. Phan Rang - Tháp Chàm, năm nay có những sản phẩm độc đáo của thành phố biển được người tiêu dùng ưa chọn là của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Thanh như Rong sụn biển sấy dẻo vị tảo xoắn, Rong sụn biển sấy dẻo vị gừng và Gừng sấy mật ong.
Sản phẩm chế biến từ trái xay, một trong những đặc sản nổi tiếng của Ninh Thuận, còn có tên gọi khác trái Nhung. Gọi là trái Nhung vì ở ngoài lớp vỏ trái Xay có một lớp lông tơ mịn như nhung phủ lên bên trên vỏ. Trái xay được người dân hái về và cơ sở sản xuất thực phẩm sạch Vân Anh chế biến thành món ngon như: Xay muối trộn ớt, Xay ngào đường và Xay ngào mật ong…
Sản phẩm Ong dú nuôi kiểng nhà phố của Công ty TNHH Ong dú Jichi; Sản phẩm Chả lụa và Nem chua của cơ sở sản xuất nem chả Định Y.
Sản phẩm Tảo Spirulina tươi và Tảo spirulina sấy của Công ty TNHH SX & Chuyển giao công nghệ tảo Spirulina Trần Gia.
Sản phẩm của Công ty TNHH Yến sào Phan Rang; Sản phẩm của Công ty cổ phần đầu tư Yến sào Nam Trung Việt; Sản phẩm của Công ty TNHH Yến nhà Ninh Thuận.
Sản phẩm Rượu vang nho của Công ty TNHH thực phẩm T&H và Sản phẩm Rượu nho nguyên chất Pha lê Crystal Wine.
Những sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Ninh Phước
Cùng thời điểm này, UBND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cũng tổ chức lễ công bố, trao giấy chứng nhận cho 16 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện năm 2024 cho các chủ thể.
Theo UBND huyện Ninh Phước, trong năm 2024, huyện Ninh Phước có 16 sản phẩm mới của 8 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Qua quá trình xét chọn ý tưởng, thẩm định phương án sản xuất, kinh doanh, khảo sát quy trình sản xuất của cơ sở, các điều kiện về an toàn thực phẩm và dựa trên các tiêu chí đánh giá, xếp hạng có 16 sản đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Đó là các sản phẩm: Táo sấy dẻo, mật táo của hộ kinh doanh Phan Thị Ngọc Châu; Nho đỏ sấy nguyên hạt, táo sấy dẻo tách hạt của nông sản xanh Trang Huỳnh; Táo sấy khô vị nắng, rong sụn vị nắng của cơ sở sản xuất và kinh doanh Phan Rang Ngọc Trúc; Măng tây tươi của HTX Châu Rế; Bánh tráng gạo của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bích Phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.