Xã nông thôn mới nâng cao này ở huyện Phú Xuyên sở hữu chiếc giày đạt kỷ lục Guiness Việt Nam

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 23/12/2024 13:18 PM (GMT+7)
Sau 1 năm về đích nông thôn mới nâng cao, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội)- xã sở hữu chiếc giày đạt kỷ lục Guiness Việt Nam đã hoàn thành các tiêu chí, đang trình thành phố Hà Nội xem xét công nhận đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Bình luận 0

Xã Phú Yên nằm ở phía Tây Nam huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Xã có 4 thôn, 1 HTX Nông nghiệp, 5 đội sản xuất; 1.733 hộ với 5.784 nhân khẩu. Xã được thành phố công nhân xã nông thôn mới nâng cao đợt 1 năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho hay, sau khi về đích nông thôn mới nâng cao, Phú Yên đã tập trung duy trì kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về y tế và du lịch trong năm 2024.

Ông Tâm cho hay, Phú Yên có lợi thế với các làng nghề và được UBND thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề. Năm 2024, làng Giẽ Hạ và làng Giẽ Thượng được thành phố quyết định công nhận đạt danh hiệu "Làng nghề truyền thống".

"Đến thời điểm này, xã Phú Yên đã đạt và vượt các tiêu chí quan trọng", ông Tâm nói, đồng thời cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 86,39 triệu đồng/năm.

Hướng đến về đích Nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phú Yên (Phú Xuyên)  - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu, chủ cửa hàng giầy da Huy Hoàng ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã sử dụng ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc, phân biệt được nhanh chóng và chính xác sản phẩm. Ảnh: Bình Minh

Để hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phú Yên đã xây dựng thôn Giẽ Hạ trở thành mô hình thôn thông minh. 

Theo đó, thôn Giẽ Hạ đã thiết lập nhóm nhắn tin, giao tiếp thông minh của thôn là nhóm Zalo "nhân dân làng Giẽ Hạ" với 300 thành viên tham gia là đại diện các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thôn. Sau đó hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh thực hiện cài đặt và triển khai các ứng dụng nền tảng số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm…

Bên cạnh đó, trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch bệnh, sử dụng dịch vụ công…

Trên địa bàn thôn Giẽ Hạ đã có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình đã thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...

Đặc biệt, các cơ sở tập trung vào làm thương mại cho các mặt hàng làng nghề đặc thù của thôn, đó là giày dép da trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội: Zalo, Facebook, shopee... với 69/180 hộ sản xuất, kinh doanh bán hàng như cửa hàng Huy Hoàng, giầy da Quang Hạnh, Tuấn Quyên, Nga Huy, nguyên liệu giầy da Khải Bổng, Hiếu Trang, Quyên Quỳnh, Thắng Thảo, Hương Cương, Nụ Phong, Đức Hà….

Ngoài ra, thôn Giẽ Hạ có 4 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 4 sao năm 2021 của hộ ông Nguyễn Tại Phong. Sản phẩm giầy da của cửa hàng Huy Hoàng sử dụng ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc, phân biệt được nhanh chóng và chính xác sản phẩm.

Về du lịch, xã Phú Yên có lịch sử hình thành nghề giầy da bắt đầu hơn 100 năm nay. Từ khi làng Giẽ Hạ và làng Giẽ Thượng được thành phố công nhận đạt danh hiệu "Làng nghề truyền thống" đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài thành phố. Đến tháng 9/2024, xã đã đón 456 lượt khách, thu về giá trị dịch vụ ước tính đạt 1,2 tỷ đồng.

Xã Phú Yên cũng đang sở hữu chiếc giày đạt kỷ lục Guiness Việt Nam với chiều dài 2,72 m, cao 1,2 m, rộng 1,3 m nặng 70 kg. Hiện nay, chiếc giày kỷ lục được trưng bày trong nhà truyền thống của hội hội Da giầy xã Phú Yên.

Hướng đến về đích Nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phú Yên (Phú Xuyên)  - Ảnh 2.

Công nhân làm thuê tại một xưởng da giầy ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Bình Minh

Nói về định hướng năm 2025, Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Văn Tâm cho biết, xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị văn minh và bảo vệ môi trường bền vững.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng TTCN, làng nghề, thương mại - dịch vụ, huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường...

Địa phương cũng đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP đối với sản phẩm an toàn, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã bằng mã QRcode. 

Xã Phú Yên phối hợp thực hiện đăng ký cấp mà vùng nguyên liệu chủ lực được cấp mã vùng. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng đưa sản phẩm chủ lực của xã lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.

Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lực. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem