Trồng sầu riêng, cây đặc sản ra la liệt trái ngon, nông dân nơi này ở Ninh Thuận trúng đậm, đổi đời
Trồng cây đặc sản ra la liệt trái ngon, nông dân nơi này ở Ninh Thuận “trúng đậm”
Đức Cường
Thứ bảy, ngày 03/08/2024 05:37 AM (GMT+7)
Nông dân trồng sầu riêng ở huyện miền núi Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đang bước vào mùa thu hoạch trái với niềm vui được mùa, được giá. Hiện giá sầu riêng bán xô giao động từ 45.000 – 55.000 đồng/kg với giống sầu riêng Ri6, từ 70.000 – 80.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Monthong.
Nếu người dân trồng sầu riêng cắt bán phân loại thì giá sầu riêng Monthong loại 1 lên đến 100.000 đồng/kg.
Thu nhập tiền tỷ từ sầu riêng Phước Bình
Những ngày này, nông dân trồng sầu riêng ở xã vùng cao Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đang bước vào cao điểm thu hoạch. Thương lái từ khắp nơi đổ về tìm mua sầu riêng, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp.
Đang tất bật vận chuyển sầu riêng lên xe tải, nông dân Nguyễn Văn Quang ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình cho biết, vụ sầu riêng năm nay gia đình có hơn 15 ha đang cho thu hoạch. Tính từ cuối tháng 7 đến nay đã thu hoạch cuốn chiếu được hơn 40 tấn sầu riêng để bán cho thương lái.
Theo ông Quang, tùy theo chất lượng mà giá sầu riêng được thương lái thu mua từ 45.000 – 55.000 đồng/kg sầu riêng Ri6 và từ 70.000 – 80.000 đồng/kg sầu riêng Monthong. Với giá bán hiện tại, trung bình mỗi hecta sầu riêng, gia đình có thể thu lời trên dưới 1 tỷ đồng.
"So với mọi năm thì năm nay giá sầu riêng Monthong (sầu thái) có cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Nếu người dân cắt phân loại để bán thì giá sầu riêng Monthong loại 1 lên đến hơn 100.000 đồng/kg…", ông Quang cho hay.
Cách đó không xa nông dân Trịnh Quốc Tuấn ở thôn Bạc Rây 1 đang phấn khởi chăm sóc sầu riêng chờ cắt bán đợt 2.
Theo anh Tuấn, trong đợt cắt bán sầu riêng đầu vụ, gia đình thu về gần 1 tỷ đồng nhờ 12 tấn sầu riêng Monthong. Hiện toàn vườn gần 3 ha còn khoảng 3 – 5 tấn đã được thương lái đặt mua, chờ ngày thu hoạch.
"Nhờ được chăm sóc kỹ nên cây sinh trưởng mạnh, dù mới trồng được 4 năm nhưng trung bình mỗi cây cũng cho gần 60kg trái. Trái to, đều nên thương lái thu mua đồng giá 80.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, vụ trái đầu tiên (trái bói) gia đình thu lời khoảng vài trăm triệu đồng/ha…", anh Tuấn cho hay.
Cũng theo anh Tuấn, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên sầu riêng Phước Bình chất lượng không thua kém những nơi khác. Đặc biệt là sầu riêng Monthong trồng ở Phước Bình có chất cơm vàng, vị ngọt thanh nên thương lái rất ưa chuộng.
Nông dân Raglai thu nhập "khủng" nhờ sầu riêng
Cũng tại xã Phước Bình, nông dân Pi Năng Phiên là một trong những người đồng bào Raglai hưởng quả ngọt từ trái sầu riêng.
Theo ông Phiên, năm nay là vụ đầu tiên gia đình ông thu hoạch sầu riêng sau hơn 5 năm xuống giống. Hiện 2 trong số 4 ha sầu riêng của gia đình đã thu hoạch trái.
Dù mới thu hái lứa đầu tiên (trái bói) nhưng cũng được hơn 3 tấn trái, bán với giá 70.000 đồng/kg mang về nguồn thu hơn 150 triệu đồng, cao hơn hẳn nhiều cây trồng truyền thống như bắp, đậu…
"Sầu riêng đầu tư cao và chăm sóc cũng khó hơn các loại cây khác nhưng bù lại hiệu quả kinh tế rất cao. Suốt 40 năm làm nông, đây là lần đầu tiên thu bán nông sản được số tiền lớn như vậy nên gia đình rất phấn khởi…", ông Pi Năng Phiên cho hay.
Bà Katơ Thị Gái, Phó chủ tịch UBND xã Phước Bình (huyện Bác Ái) cho biết, hiện toàn xã có hơn 100 ha cây sầu riêng và đang từng bước tăng dần. Đây cũng là loại cây trồng trong chủ lực ở địa phương.
So với các loại cây khác, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nên bà con chuyển đổi dần cây bắp đậu sang trồng sầu riêng theo hình thức xen canh. khi cây sầu riêng lớn mới bỏ trồng bắp, đậu. Nhờ đó, bà con vẫn có thu nhập để lấy ngắn nuôi dài đầu tư cho cây sầu riêng.
"Để nâng cao chất lượng sầu riêng, thời gian tới địa phương sẽ đề xuất với các ngành cấp tuyên truyền định hướng về kỹ thuật cho bà con, đặc biệt là bà con dân tộc Raglai trong việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng, từng bước giúp nông dân phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững…", bà Gái thông tin.
Xã Phước Bình nằm ở phía Tây Bắc huyện Bác Ái và là xã miền núi cực Bắc của tỉnh Ninh Thuận giáp với tỉnh Lâm Đồng và huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Địa hình xã Phước Bình chủ yếu là đồi núi với dân số chủ yếu là người dân tộc Raglai, sinh sống và canh tác trên các sườn đồi.
Những năm gần đây, địa phương này đã tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Qua đó, đã phát triển vùng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao lên đến 1.838 ha với các loại cây trồng như: Điều, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.