Vừa mất đất, vừa ở tù
Theo hồ sơ, năm 1959, cụ Tiêu Gia Hên (cha vợ ông Thêm) có mua và chia cho vợ chồng ông Thêm 0,5ha đất nông nghiệp ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Thủ tục mua bán được chính quyền chế độ cũ xác nhận.
|
Ông Mười Thêm rớt nước mắt bên mớ hồ sơ xin bồi thường oan sai. |
Ông canh tác ổn định đến năm 1989 thì chính quyền địa phương buộc ông phải giao đất vì xã đã cấp cho người khác. Thấy chuyện vô lý, ông Thêm không chấp hành mà vẫn trồng rau, tỉa đậu bình thường trên mảnh đất của mình.
Nhưng đến ngày 2.4.1990, ông Thêm bị Công an huyện Hồng Ngự bắt tạm giam về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai và sau đó bị TAND huyện này xử 12 tháng tù giam. Ông Thêm kháng cáo. Trong gần nửa năm ngồi tù, cha ruột ở nhà bệnh nặng, ông Thêm được “vận động” ký giao đất để được tại ngoại chăm sóc cha. Vì vậy, ngày 29.9.1990, TAND tỉnh Đồng Tháp hủy án sơ thẩm và ra lệnh tạm tha để ông Thêm về nhà lo chuyện gia đình.
Ra tù, ông Thêm trắng tay vì đất đai mất hết, cha ông cũng qua đời sau đó. Đến tháng 3.1991, ông Thêm lại tiếp tục bị Công an huyện Hồng Ngự bắt tạm giam để điều tra, xét xử lại. Hơn 2 tháng sau, Viện KSND huyện Hồng Ngự ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam đối với ông Thêm.
Ra tù, vợ chồng ông Thêm đội đơn đi khiếu nại đòi lại đất và bồi thường vì mình bị bắt giam vô cớ. Mất đất sản xuất, ông Thêm muốn đi làm thuê kiếm sống cũng gặp trở ngại vì đang là bị can trong vụ án hình sự. Hai vợ chồng đau bệnh liên miên nên ông Thêm phải cầm cố nhà cửa lấy tiền lo thuốc thang. Đến nay, vợ ông đã mất, trong khi ông Thêm cũng đã già yếu và không khả năng chuộc lại căn nhà…
Sau hơn 20 năm khiếu nại, đến năm 2010, ông Thêm mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can vì đã điều tra chừng ấy năm nhưng không chứng minh được ông Thêm phạm tội.
Nhận được quyết định này, ông Thêm tiếp tục có đơn yêu cầu bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 của Quốc hội. Ông yêu cầu bồi thường thiệt hại do khởi tố và tạm giam oan tổng cộng 7.221 ngày, với số tiền gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị mất đất sản xuất suốt 20 năm với số tiền là 570 triệu đồng. Ông Thêm cũng đề nghị cơ quan gây ra oan sai phải công khai xin lỗi tại nơi ông đang cư trú.
Đùn đẩy trách nhiệm
Thế nhưng, dù không chứng minh được ông Thêm phạm tội, nhưng các cơ quan tố tụng ở huyện Hồng Ngự đều không nhận trách nhiệm bồi thường. Ông Võ Văn Hồng - Chánh án TAND huyện Hồng Ngự cho biết, do Công an huyện Hồng Ngự và ông Thêm không thể thương lượng bồi thường oan sai nên hiện nay ông Thêm có quyền khởi kiện Công an huyện Hồng Ngự ra TAND huyện.
Ông Võ Văn Hồng - Chánh án TAND huyện Hồng Ngự cho biết, muốn khởi kiện Công an huyện Hồng Ngự ra tòa, ông Thêm bắt buộc phải có được biên bản thỏa thuận bồi thường không thành do công an huyện lập. Sau đó đính kèm biên bản này với đơn khởi kiện gửi đến TAND huyện thì tòa sẽ thụ lý vụ án, sau đó xét xử theo tinh thần Nghị quyết 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng phòng 1 Viện KSND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tháng 5.2011, Viện KSND, TAND và Công an tỉnh Đồng Tháp đã họp với nhau và thống nhất giao cho Công an huyện Hồng Ngự chịu trách nhiệm thỏa thuận bồi thường oan sai cho ông Thêm.
Theo đó khoản bồi thường cho ông Thêm sẽ dựa vào mức lương cơ bản mới (hơn 850.000 đồng/tháng) để làm cơ sở tính toán bồi thường những ngày ông Thêm bị bắt giam oan. Tuy nhiên, đến nay Công an huyện Hồng Ngự vẫn chưa có động thái gì.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.