Ông giáo có biệt tài luyện “chiến kê” huyền thoại, đá đâu thắng đó

Phan Phương Chủ nhật, ngày 25/03/2018 06:30 AM (GMT+7)
Là giáo viên về hưu nhưng ông Nguyễn Văn Khoa ở Hoàn Lão (Bố Trạch, Quảng Bình) lại được hầu hết giới chơi gà chọi trong vùng biết đến là người đam mê và có biệt tài huấn luyện nên những “chiến kê” huyền thoại, đá đâu thắng đó…
Bình luận 0

Tía Chân Xanh đá đâu thắng đó

“Tía Chân Xanh” hay “Tía Ông Mại” là tên của một chú gà chọi huyền thoại vào những năm 1987-1990. Thời gian đó, chú “chiến kê” huyền thoại này đá đâu thắng đó, không có địch thủ khiến giới chơi gà chọi ở Quảng Bình cho đến bây giờ nhiều người vẫn nhớ rất rõ mỗi khi nhắc tên nó. Tía Chân Xanh cũng là một trong những chú gà chọi được ông giáo làng Nguyễn Văn Khoa huấn luyện thành tài.

img

Ông giáo làng Nguyễn Văn Khoa và chú gà chọi được ông huấn luyện. Ảnh: P.P

"Người chơi gà chọi không những phải nắm chắc kỹ thuật mà còn phải tinh tường về những đặc điểm tướng mạo, từ màu sắc lông, cánh, vảy, móng, tiếng gáy, thế đi... thì mới có thể chọn được một chú gà đẹp để chăm nuôi nó thành gà chọi chiến. Gà có rất nhiều dòng giống, chủng loại khác nhau, để tìm được một con gà chọi chiến thật sự ưng ý là rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Khoa

Ông Khoa là giáo viên dạy văn ở trường làng, nhưng có máu đam mê gà chọi từ lúc nhỏ. Ông Khoa kể, khi đang còn là học sinh cấp 2 ông đã rất mê trò chọi gà. Quê ông Khoa ở xã Quảng Minh, vùng Nam huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nơi trò chơi chọi gà đã trở thành trò chơi truyền thống, nhiều người đam mê trong những ngày tết đến, xuân về. Những ngày làng xã diễn ra hội chọi gà, ông Khoa có thể quên cả ăn để theo các chú, các bác “thường trực” ở các sới gà. Lên 12 tuổi, ông Khoa đã bắt đầu tập tành nuôi gà chọi. Những năm tháng đó tuy đói ăn là thế mà trong những bữa ăn ông Khoa đã lén cha mẹ, cắt phần cơm của mình để nuôi gà chọi, vì niềm đam mê đó đã sớm ăn vào máu thịt.

Trở lại với con Tía Chân Xanh, ở thời điểm đó nhiều người lầm tưởng ông Khoa là chủ nhân đầu tiên của con “chiến kê” huyền thoại này. Thực tế, ông Khoa chỉ là chủ nhân thứ hai của Tía Chân Xanh và chỉ có công rèn luyện nó thành danh. Ông Khoa kể, chủ nhân đầu tiên của Tía Chân Xanh là ông Mại, một người ở Ba Đồn (vì thế ông Khoa còn đặt tên con gà là Tía Ông Mại, theo tên của người chủ nhân đầu).

Theo lời kể của ông Khoa, con Tía Chân Xanh tuy rất nhỏ con, chỉ nặng 3,1kg, dáng xấu, không ra con nhà võ chút nào nhưng nó là một con gà rất tài, đánh đâu thắng đó, không có địch thủ, dù nhiều đối thủ hơn cân. Con Tía Chân Xanh có thế đá “cắt cổ hầu” thần sầu đã nhiều lần đánh gục địch thủ ngay trên sới…

Theo ông Khoa, sở dĩ con Tía Chân Xanh hay, tài như vậy vì nó có nguồn gốc chính tông của một nòi gà chọi “danh gia vọng tộc” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Câu chuyện kể rằng, Tổng thống Thiệu là một người rất mê chọi gà và nuôi nhiều giống gà chọi quý hiếm, đá hay. Tháng 4.1975, trước khi bí mật chạy trốn khỏi Sài Gòn, ông Thiệu có để lại cho một nhà tư sản ở Cù Lao Chàm nuôi một ổ gà chọi có 7 trứng đang ấp. 7 quả trứng gà của ông Thiệu nở ra 7 con gà chọi và sau đó tiếp tục sinh sôi. Con Tía Chân Xanh là thế hệ thứ 3 của 7 con gà nở ra từ ổ trứng của ông Thiệu, được ông Vấn ở Quảng Thọ, một người làm nghề thủy thủ mua về từ Cù Lao Chàm và sau đó nhượng lại cho ông Mại.

Ông Mại và ông Khoa là chỗ quen biết và đều rất mê gà chọi. Thời điểm đó, ông Khoa đang là giáo viên dạy ở xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhưng ngày nghỉ nào ông cũng đạp xe hàng chục km từ Cử Nẫm về Ba Đồn (Quảng Trạch) để giao lưu chọi gà. Cùng là người mê gà chọi, thấy ông Khoa tâm huyết, ông Mại đã nhường không chú gà Tía Chân Xanh cho ông Khoa nuôi, dù trước đó có người trả 500.000 đồng (1 số tiền khá lớn lúc bấy giờ) nhưng ông Mại không bán. Vào tay ông Khoa, con Tía Chân Xanh đã được huấn luyện để trở thành một “chiến kê” đánh đâu thắng đó, dù nhiều đối thủ nặng hơn nó từ 5 đến 7 lạng. Ông Khoa đã nuôi con Tía Chân Xanh cho đến khi nó già mà chết…

“Độc nhãn chiến kê” của ông giáo Khoa

img

Con “độc nhãn chiến kê” được ông giáo Khoa chụp ảnh treo trong nhà. Ảnh: P.P 

Khoảng năm 2001-2003, giới chơi gà chọi ở Quảng Bình lại thêm một phen sửng sốt trước một con gà chọi do ông Khoa nuôi luyện. Con gà chọi tuy nhỏ con nhưng đã thắng liên tục hàng chục trận, dù các đối thủ được xếp hạng trên cơ một bậc. Có một điều rất đặc biệt là con gà này của ông Khoa bị mù một mắt và chỉ cân nặng 3,2kg.

Ông Khoa kể, năm 2001, con trai của ông là một kỹ sư cầu đường đang làm việc ở miền Nam, thấy bố mình thích gà chọi nên đã mua từ Bến Tre về một con gà chọi lông tía tặng bố. Ông Khoa rất thích con gà này một phần vì đó là món quà tặng của con trai nhưng phần nữa đây là một giống gà mới lạ từ xứ dừa Bến Tre, nhỏ con nhưng nhanh nhẹn và lỳ đòn.

Thế nhưng, lúc cho đá xổ (tập luyện) với một con gà khác, chẳng may con gà này của ông Khoa bị đá trúng vào mắt và bị mù. Bình thường những con gà chọi khác, khi đã bị đối phương làm hỏng mắt coi như chỉ còn việc làm thịt, vì dù nó có lành thì con gà chọi đó cũng khiếp vía mà chẳng dám đá đấm gì nữa. Nhưng ông Khoa vì yêu quý còn gà, muốn giữ lại để làm giống nên quyết tâm chữa lành nó. Sau một thời gian nuôi dưỡng, thấy con gà khỏe mạnh, nhanh nhẹn ông Khoa quyết định cho nó ra sới để thử.

Có một sự khác biệt khiến chính bản thân ông Khoa cũng bất ngờ, mặc dù nhỏ con và mù một mắt nhưng lúc lâm trận con gà của ông đã rất lỳ đòn và có những miếng đánh rất hiểm hóc, khiến nhiều đối thủ được đánh giá trên cơ cuối cũng phải chịu khuất phục. Sau những trận thắng dòn giã, danh tiếng con “Tía Mù” của ông giáo Khoa đã vang danh khắp vùng.

Giới chơi gà chọi lúc đó đánh giá, con Tía Mù là một con gà có tướng ẩn, cái tài không thể hiện ra ngoài. Phần lớn các trận đấu, Tía Mù phải đấu với những đối thủ cao to, nặng kỳ hơn mình nhưng cuối cùng lại đều giành phần thắng…

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Khoa chia sẻ, trước đây khó khăn, lương giáo viên ba cọc, ba đồng, chính nghề đam mê nuôi và huấn luyện gà chọi này cũng đã góp phần không nhỏ để ông kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Bây giờ đã về hưu, con cái cũng đã lớn khôn, đã lập gia đình và đều có công việc ổn định; việc nuôi, huấn luyện và thỉnh thoảng đưa gà chọi đi thi đấu, ông xem đó như là một thú vui của tuổi già.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem