Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo DN phải là đối tượng đầu tiên cần thay đổi, mới mong 'làm chủ' AI

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 25/11/2023 15:23 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh phát triển thần tốc của AI (trí tuệ nhân tạo), người lao động ngày hôm nay phải khác và câu nói 'Học tập suốt đời' giờ đây đã là đòi hỏi mang tính thực tiễn.
Bình luận 0

Đây là quan điểm được ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT "nhắc đi nhắc lại" tại sự kiện VSMCamp và CSMOSummit 2023 mùa thứ 7 tại TP.HCM.

Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo các DN phải là đối tượng đầu tiên cần thay đổi mới mong 'làm chủ' AI - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT

Theo cựu Chủ tịch FPT Telecom, trong thời đại bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình đủ kiến thức, khiến những công nghệ đó không đe dọa được mình mà trở thành người phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

"Làm sao để tồn tại, phát triển và tỏa sáng trong thế giới của AI?"

Ông Hoàng Nam Tiến đặt vấn đề và dẫn câu chuyện: Vì sao FPT luôn luôn dùng bức tượng mang vẻ đẹp thời kỳ phục hưng có tên "Self Made Man" làm biểu tượng của mình? Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh thời đại AI, điều này rất ý nghĩa và luôn luôn đúng, bởi một người đàn ông luôn tự đục đẽo mình mỗi ngày để trở nên hoàn thiện hơn, đẹp hơn mỗi ngày. Có nghĩa là chúng ta phải họp tập suốt đời, trở thành một "phiên bản tốt hơn của chính mình". Và chính điều này sẽ giúp chúng ta tồn tại trong thế giới AI này.

Theo ông Nam Tiến, khác với ngày xưa khi nói đến chuyện tự học là nói đến các em học sinh, sinh viên, ngày nay, tất cả các vị giáo sư, giảng viên, chuyên gia… phải là những người học đầu tiên bởi đừng tưởng rằng AI và robot chỉ thay thế những lao động chân tay mà sự phát triển của các hệ AI đến thời điểm này càng chứng minh sự thay thế cho các chuyên gia nửa vời.

"AI sẽ thống trị thế giới", ông nói đồng thời nhấn mạnh, trong tương lai, những nhóm lao động chân tay sẽ bị máy móc và AI thay thế; còn những chuyên gia, nhà hoạch định với chi phí quá lớn sẽ bị Super AI thay thế.

Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo các DN phải là đối tượng đầu tiên cần thay đổi mới mong 'làm chủ' AI - Ảnh 2.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, câu nói 'Học tập suốt đời' giờ đây đã là đòi hỏi mang tính thực tiễn, hoàn toàn không phù phiếm

"Đến năm 2030, theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, có đến 800 triệu người lao động sẽ bị robot và AI thay thế, nhưng ngày hôm nay, chỉ 1 năm gần đây, chúng ta phát hiện ra useless class (nhóm lao động chân tay) không chỉ dành cho lao động chân tay nữa, không phải chỉ 2,7 triệu lao động Việt Nam làm trong nhà máy da giày, dệt may... sẽ mất việc nhanh chóng trong vòng 5 năm tới bởi robot và AI mà sẽ có cả triệu người - những người tự tin có học, tự tin làm được những việc mà AI không thể thay thế được - sẽ bị thay thế nhanh nhất", ông Nam Tiến dự báo.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết vẫn còn rất nhiều công việc mà AI không thể thay thế được. Chẳng hạn như các công việc đòi hỏi kỹ năng cao như bác sĩ phẫu thuật, kỹ thuật cao; công việc liên quan đến tâm lý, hỗ trợ tinh thần bệnh nhân; công việc liên quan đến sáng tạo; các công việc mới được ưa chuộng trong tương lai.

Lãnh đạo DN phải là người đầu tiên thay đổi trong thời đại AI

Trong bối cảnh công nghệ AI "thay đổi từng giờ", các nhà kinh doanh cần làm gì để tận dụng AI như một công cụ để tăng trưởng doanh thu?

Ông Tiến cho rằng cần "siêu cá nhân hóa" đến từng khách hàng. Bởi ngày hôm nay không còn phân khúc khách hàng nữa, thậm chí, khi hai khách hàng cùng sử dụng một sản phẩm, một dịch vụ, họ lại có những trải nghiệm khác nhau.

"Điều này là rất bình thường", ông Nam Tiến nói, đồng thời nhấn mạnh, đó là xu thế về bán hàng và marketing trong tương lai. Tất nhiên, để làm được hệ thống này thì tốn vô cùng nhiều tiền, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Một chàng trai đẹp như Self Made Man còn phải đục đẽo mình mỗi ngày để trở nên đẹp hơn, đó chính là hình ảnh của chúng ta ngày mai trong thời đại AI", ông Hoàng Nam Tiến nói.

Đặc biệt, cựu Chủ tịch FPT Telecom cũng nhấn mạnh đến việc lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải thay đổi, bởi khi nhìn lại lịch sử của loài người, chúng ta rất sợ thay đổi. Chúng ta thường hài lòng với hiện tại và chỉ nghĩ đến thay đổi khi khó khăn, khủng hoảng.

"Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp lớn đã sụp đổ, bởi vì ở đó có những nhà lãnh đạo không dám thay đổi", ông Hoàng Nam Tiến bình luận.

"Chúng ta làm sao để biến tất cả công cụ của AI trở thành phương tiện của mình. Nói cách khác là khiến những công nghệ đó không đe dọa được mình mà trở thành người phục vụ mình, 'con sen' của mình", ông nói và cho rằng, người lãnh đạo phải hiểu biết về công nghệ; phải thực sự hiểu biết sâu sắc về con người và phải hiểu được trí tuệ nhân tạo sẽ làm gì trong tương lai.

"Công nghệ thay đổi theo năm nhưng AI thay đổi theo ngày, thậm chí theo giờ, vì vậy, mỗi nhà lãnh đạo cần là một coaching cho doanh nghiệp của mình trong thời đại ngày nay", ông Nam Tiến nói.

Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo các DN phải là đối tượng đầu tiên cần thay đổi mới mong 'làm chủ' AI - Ảnh 4.

Nhiều sinh viên hào hứng với bài tham luận của ông Hoàng Nam Tiến.

Vị chuyên gia công nghệ phân tích, doanh nghiệp phải cân nhắc loại bỏ phân khúc khách hàng để hướng đến "siêu cá nhân hóa" trong sản xuất kinh doanh.

"Siêu cá thể hóa đến từng khách hàng chính là xu thế về bán hàng và marketing trong tương lai. Bởi ngày nay, việc hai khách hàng cùng sử dụng một sản phẩm, một dịch vụ nhưng trải nghiệm hoàn toàn khác nhau là điều bình thường. Doanh nghiệp cần phải hiểu rất kỹ vấn đề đó.

Công nghệ sẽ định vị và dự đoán hành vi con người ngày càng chính xác. Doanh nghiệp phải hiểu trước, trong và sau khi mua sản phẩm, khách hàng cần gì", cựu Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ.

Tuy nhiên, với tiềm lực hiện tại, đại đa số các doanh nghiệp chỉ có thể làm từng phân khúc khách hàng. Để đạt được trình độ "siêu cá nhân hóa" trên từng khách hàng là con đường dài, và buộc phải sử dụng AI.

Đó chính là lý do khiến việc tiếp cận xu hướng mới này còn gặp nhiều rào cản kỹ thuật, đặc biệt là về nguồn vốn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không thể gánh được chi phí tốn kém, trong tương lai, doanh nghiệp buộc phải tính đến phương án gia nhập một hệ sinh thái nào đó để tìm hướng tồn tại, phát triển.

Ông Hoàng Nam Tiến nguyên là Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động đào tạo sau đại học.

Gia nhập FPT năm 1993, ông Tiến làm việc tại đây liên tục trong 30 năm và được coi là một nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của tập đoàn.

Ông được biết tới là một nhà quản trị, một chuyên gia công nghệ, một cố vấn trong hoạt động khởi nghiệp, một nhà giáo và một diễn giả được yêu thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem