Mấy ngày nay người dân ở vùng nông thôn ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre bàn tán xôn xao về chuyện ông lão đã có cháu nội, cháu ngoại đầy đàn nhưng vẫn kiên trì đi thi tốt nghiệp THPT. Sau 2 lần thi trượt (vào năm 2013, 2014) thì lần thi này, ông đã đỗ tốt nghiệp trong sự ngỡ ngàng và thán phục của nhiều người…
Thí sinh “đặc biệt” 70 tuổi với 3 lần đi thi THPT
Đó là ông Hồ Ngọc Cảnh, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Dù đã 70 tuổi, nhưng ông Cảnh vẫn quyết tâm thi tốt nghiệp THPT và là thí sinh lớn tuổi nhất ở tỉnh Bến Tre, cũng như khu vực ĐBSCL. Ông Cảnh vừa đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015. Tiếp xúc với phóng viên vào sáng 27/7, ông Cảnh vui mừng, cho biết: “Tui đã đậu tốt nghiệp THPT với số điểm vừa đủ là 5,00”. Cụ thể, số điểm của thí sinh “đặc biệt” Hồ Ngọc Cảnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là: Toán: 1,75; Ngữ văn: 3,00; Hóa học 4,00; Địa lý: 3,25. Tổng số điểm là 12 điểm, cộng với điểm học bạ năm học lớp 12 là 6,50; như vậy số điểm trung bình là 4,75. Tuy nhiên, do ông Cảnh là thí sinh lớn tuổi nên được ưu tiên 0,25 điểm, vì thế ông vừa đủ điểm đậu tốt nghiệp THPT.
Ông Cảnh dự thi tại Trường THPT Nguyễn Thị Định ở huyện Giồng Trôm.
Bà Trần Thị Nho, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre nhìn nhận: “Ông Cảnh là thí sinh cao tuổi nhất ở tỉnh nhưng vẫn miệt mài học tập để tham gia thi tốt nghiệp THPT 2015. Điều đáng khen là ở 2 kỳ thi trước (vào năm 2013 và 2014) ông Cảnh đi thi tốt nghiệp THPT bị trượt nhưng vẫn quyết tâm học và thi lần thứ 3 này thì đã đậu. Tinh thần học tập của ông Cảnh rất đáng khen ngợi”.
Theo ông Hồ Thanh Phương, Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Lợi (xã Tân Thanh), chuyện thi đậu tốt nghiệp THPT của ông lão 70 tuổi Hồ Ngọc Cảnh khiến cả xóm này “dậy sóng”, bởi đây là việc “lạ” chưa từng xảy ra từ xưa tới nay. Về cơ bản ông đậu tốt nghiệp đã tạo tiếng thơm cho địa phương và kích thích tinh thần học tập của giới trẻ… Tuy nhiên, để có được tấm bằng THPT ngày hôm nay, ông Cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn mà trở ngại đầu tiên là sự phản đối của những người thân trong gia đình.
Ông kể: Trước đây ông từng thi đỗ tú tài I (lớp 11) vào năm 1968, nhưng lúc đó vùng quê Bến Tre đang bị ảnh hưởng chiến tranh nên việc học bị dở dang; sau đó ông lập gia đình và sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Cứ ngỡ việc học sẽ không bao giờ quay lại thì năm 2012, sau khi học xong khóa sơ cấp về Đông y, ông Cảnh dự định mở cơ sở khám chữa bệnh cho bà con vùng nông thôn nhưng vì không có bằng tốt nghiệp PTTH nên ông Cảnh không đủ điều kiện để mở phòng khám. Trước tình cảnh đó, mọi người khuyên ông từ bỏ ý định theo nghề đông y, bởi tuổi ông đã cao thì làm sao mà đi học trở lại. Không đầu hàng, ông Cảnh bèn tìm tới Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm, đăng ký học lớp 12. Sau gần một năm miệt mài học tập, năm 2013, ông đi thi tốt nghiệp THPT cùng với đứa cháu ngoại. Khi bước vào phòng thi, các giám thị ngăn ông lại, bởi ai cũng tưởng ông là phụ huynh nhưng khi ông đưa giấy báo thi ra thì tất cả đều bất ngờ với thí sinh “đặc biệt” này. Năm đó, cháu ngoại ông thi đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ luôn vào đại học kiến trúc ở TPHCM; riêng ông thì bị trượt tốt nghiệp. Vừa buồn vì thi rớt, vừa “quê” khi bị vợ cười vào mặt rằng “tuổi đã già, gần theo ông theo bà vậy mà còn đi thi làm gì để rồi bị… rớt; thiệt là mắc cỡ”.
Chạm tự ái, ông quyết tâm phải thi đậu để chứng tỏ năng lực của mình. Ông âm thầm lên Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre xin thủ tục để được học lại. Tại đây, ông được một số cán bộ của sở hướng dẫn, giúp đỡ ông về phương pháp học tập sao cho dễ nhớ với những con số, những phương trình… không hề đơn giản so với người tuổi cao như ông. Được sự động viên từ các giáo viên, ông như tiếp thêm nghị lực để học tập và tiếp tục thi lần thứ 2 vào năm 2014. Kết quả vẫn bị trượt. Sau 2 lần trượt, nhiều người cứ ngỡ ông sẽ bỏ cuộc, thế nhưng ông lão 70 tuổi vẫn lặng lẽ cắp sách tới trường đều đặn, để rồi lần thi THPT năm 2015 ông đã về đích một cách bất ngờ.
Ước mơ làm thầy thuốc trị bệnh giúp đời
Ông Cảnh nhìn nhận, nếu như ngày xưa tuổi còn trẻ thì việc học và đi thi là rất bình thường. Nhưng giờ ông đã 70 tuổi, có tới 7 người con và 8 đứa cháu (nội, ngoại), hàng ngày phải lo toan cuộc sống gia đình nên đầu óc không thể tập trung cho học hành như thời trẻ được. Để có được kết quả ngày hôm nay, ông phải vượt qua rất nhiều thách thức, thậm chí gạt bỏ những lời dị nghị của thiên hạ. Mấy hôm nay, biết ông đậu tốt nghiệp THPT, những người lâu nay phản đối ông giờ quay sang ủng hộ. Hàng xóm thì liên tục tới chia vui, động viên ông…
Ông Cảnh tâm sự: “Đậu tốt nghiệp THPT chỉ mới đi được nửa chặng đường, trong khi nửa chặng đường còn lại sẽ vô cùng cam go cần phải nỗ lực không ngừng mới hy vọng hoàn thành tâm nguyện”. Dự định của ông là muốn theo học lớp Trung cấp về Đông y một cách chính quy bài bản. Chữa bệnh giúp người nghèo khó là mơ ước của ông, tuy nhiên ngoài năng khiếu, cơ duyên với nghề thầy thuốc… thì phải học hành đàng hoàng, có kiến thức cơ bản thì mới chẩn đoán được bệnh chính xác và chữa trị hiệu quả được. Ý thức được điều này nên ông Cảnh càng quyết tâm đi học Trung cấp đông y.
Ông trăn trở: “Thực tế tại các vùng nông thôn hiện nay còn rất nhiều thầy thuốc đông y chữa bệnh dạng “lậu” do không đủ điều kiện về học vấn theo qui định của ngành chức năng, nên không được Sở Y tế cấp bằng khám chữa bệnh. Một số người cũng vì yêu nghề nên “né qua né lại” để chữa bệnh cho dân, tuy nhiên việc này rất khó ổn định lâu dài. Bản thân tui dù đã lớn tuổi, không còn lao động nặng được nhưng việc trị bệnh, bốc thuốc… giúp bà con nông thôn là rất vô tư, sức khỏe cho phép làm ngày này qua ngày khác cũng chẳng hề gì. Chính vì thế mà tui đang nỗ lực học Đông y để lấy tấm bằng, đủ cơ sở pháp lý mở phòng khám”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (67 tuổi, vợ ông Cảnh) chia sẻ: “Thật ra lúc đầu thấy ông ấy lớn tuổi còn đi học, không ai tin. Cả nhà chỉ muốn ông ấy yên vui tuổi già, không phải lo toan vất vả. Thế nhưng, ông ấy lại thích làm theo ý thích nên mọi người đành “bó tay”. Không ngờ ổng thi đỗ thật. Chuyện học Trung cấp Đông y của ổng, cả nhà đồng tình. Hiện tại gia đình tui canh tác 4,5 công hoa lài tạm đủ trang trải cuộc sống”.
Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, chính quyền rất mừng và động viên ông Cảnh đi học Đông y bài bản để nâng cao tay nghề, có trình độ chuyên môn giỏi nhằm trị bệnh giúp bà con. Việc học của ông lão ở tuổi thất thập cổ lai hy như ông Cảnh là vô cùng hiếm, đây thật sự là một tấm gương để nhiều người noi theo…
Bà Trần Thị Nho, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cho biết: “Bản thân tui công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, nhưng trường hợp ông Cảnh đã 70 tuổi mà suốt 3 năm miệt mài cắp sách tới trường là lần đầu tiên tui chứng kiến. Ai cũng khâm phục tinh thần học tập nghiêm túc của ông lão này”. Theo ông Cảnh, học không chỉ để nâng cao hiểu biết, kiến thức cho bản thân, mà học còn để hy vọng giúp đời, học để chứng tỏ người dân vùng sông nước miền Tây này không còn bị xem là “vùng trũng” của giáo dục.
|
Hưng Tân (Người đưa tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.