Ông là Lê Văn Quý, sinh năm 1936 tại Phúc Tân, Hà Nội, là "người khắc chữ cuối cùng" còn sót lại của đất Tràng An xưa.
Nửa đời người khắc bút dưới gốc cây đa trăm tuổi
Ấn tượng của tôi khi gặp người được mệnh danh là “nghệ sĩ khắc bút” này là một ông lão tóc bạc trắng, hiền lành, phúc hậu, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhạy và linh hoạt. Ở ông toát lên một phong thái đúng với nét thanh lịch của con người ở mảnh đất Tràng An xưa.
|
Ông Quý miệt mài khắc bút cho khách |
Chỗ ông Quý ngồi khắc bút là bên dưới gốc đa đã tồn tại từ rất lâu đời bên cạnh đền Bà Kiệu, mà theo truyền miệng của những người dân Hà Nội xưa thì nó có từ thế kỷ thứ VII. Hơn 50 năm nay, sáng nào ông Quý cũng dậy từ 5h, đi tập thể dục sau đó dắt chiếc xe đạp cũ kĩ đèo hộp đồ nghề cùng chiếc ghế đôn để bắt đầu công việc khắc chữ của mình.
Ông Quý trầm ngâm kể lại: “Vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc học hành dang dở không đến nơi đến chốn vì còn phải phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học, tuy nhiên, từ bé tôi đã có niềm đam mê với những hình vẽ, đường nét, màu sắc, những lúc rảnh thường ngồi lấy giấy ra vẽ hoặc nhặt mẩu than, hòn gạch vẽ đầy ra mặt đường để làm trò giải trí.
Xuất phát từ niềm đam mê đó, một lần tình cờ bắt gặp một cây bút có khắc tên cùng với hình bông hoa hồng rất đẹp của bạn mình, tôi đã nảy sinh ra ý tưởng làm nghề khắc bút để làm kế mưu sinh đồng thời để thỏa mãn sở thích được vẽ lên những đường nét mà mình ao ước bấy lâu”.
|
Bộ đồ nghề đơn sơ theo ông đã mấy chục năm |
Những ngày đầu khi bước chân vào nghề khắc bút, ông Quý gặp nhiều khó khăn vì nét vẽ còn thô, cứng, khắc lâu tay mỏi, đau nhức, phải nghỉ cho giãn gân cốt mới khắc được tiếp. Phải mất hơn 2 tháng chăm chỉ tập khắc, những nét vẽ thô ráp mới trở nên bay bướm, mềm mại theo ý mình.
Từ năm 21 tuổi ông Quý bắt đầu sự nghiệp khắc bút của mình, tài khắc của ông đẹp và tinh xảo đến độ khiến các cửa hàng khắc bút thời đó đều bị mất hết khách. Bởi thay vì khắc bằng máy giá vừa đắt nét vẽ lại không được mềm, khách hàng tìm đến người “nghệ sĩ khắc bút” dưới gốc đa để có được những chiếc bút khắc ưng ý.
|
Đường nét khắc trên bút của ông Quý còn tinh xảo hơn cả máy khắc |
Ông Quý tâm sự: “Cách đây nửa thế kỷ, chiếc bút máy là vật bất ly thân của nhiều người trong xã hội nên nghề khắc bút ở Hà thành còn thịnh hành và việc khắc chữ lên bút là sở thích của nhiều người. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, người ta thậm chí còn chế ra những chiếc máy khắc bút và nhiều cửa hàng khắc bút bằng máy mọc lên ở phố Hàng Bông, Hàng Gai... như một nghề trong phố cổ Hà Nội".
Nhờ bút khắc tìm lại mộ liệt sỹ
Đã hơn 50 năm trôi qua, những người thợ cùng lứa với ông đã từng người bỏ nghề đi làm việc khác hoặc nghỉ hưu, nhưng riêng ông Quý với niềm đam mê vẫn kiên trì hằng ngày ngồi khắc bút cho những khách hàng tìm đến với ông.
Trong quãng thời gian gắn bó với nghiệp khắc bút của mình có những kỷ niệm mà đến giờ ông Quý không thể nào quên được và cũng nhờ đó làm ông thêm yêu cái nghề “cổ lỗ sĩ” này hơn.
|
Nhiều khách hàng vẫn tìm đến nhờ ông Quý khắc bút để tặng bạn bè, người thân |
Ông Quý chầm chậm kể lại: Vào một chiều mùa đông năm 2008, khi ông đang ngồi khắc bút cho khách hàng bất ngờ có một bà lão cùng người con trai đến cảm ơn ông rối rít. Đang không hiểu mình đã làm gì để gia đình người ta mang ơn thì ông Quý được bà lão kia cho biết bà vốn là người ở Thái Bình, 40 năm trước đi phụ bán hàng ở chợ Đồng Xuân, ngày đó khi biết chồng phải lên đường vào Nam nhập ngũ, chẳng có gì quý giá, bà liền ra hiệu sách mua quyển sổ và cây bút, sau đó mang bút ra Bờ Hồ nhờ ông Quý khắc chữ tên con trai, ngày tháng năm sinh và quê quán để làm kỷ niệm tặng chồng.
Chẳng may người chồng của bà đã hy sinh trong lúc chiến đấu tại chiến trường miền nam, mãi sau này khi nhận được giấy báo tử, bà cũng không biết chồng mình được đồng đội chôn ở đâu.
May sao trong lần được báo tin nhận dạng đồ vật, bà nhìn thấy cây bút năm xưa mình tặng chồng vẫn còn nguyên nét khắc của ông Quý, nhờ đó mà bà nhận ra đó chính là thi thể người chồng của mình.
Để cảm ơn, bà đã lặn lội từ Thái Bình, nơi bà đang ở, lên Hà Nội để tìm bằng được người thợ khắc bút năm xưa, nhờ ông mà bà và gia đình mới có cơ hội tìm được thân xác của người chồng quá cố.
Hay có lần có vị khách mang chiếc bút máy kim tinh đến nhờ ông khắc chữ, cầm chiếc bút trên tay ông xúc động vô cùng khi phát hiện trên chiếc bút đó đã từng có nét khắc của ông một lần, sau bao nhiêu năm giờ nó lại được ông khắc thêm một lần nữa.
|
Ông là người thợ khắc bút cuối cùng ở mảnh đất Hà Nội |
Ngồi hồi tưởng lại những ký ức một thời đã qua ông Quý chia sẻ: “Thoáng chốc đã đi đến cuối đời người, Hà Nội trải qua mấy chục năm cảnh vật và con người đã thay đổi, chỉ có cái nghề khắc bút này là vẫn còn như cũ. Không biết mai này khi mình mất đi, có còn ai theo đuổi cái nghề này nữa không?”.
Nghe những lời nói của ông Quý khiến tôi cảm thấy tiếc nuối cho những tài hoa, những nét đẹp truyền thống đang dần mai một. Có những thứ dù muốn nhưng chúng ta vẫn không thể níu lại mà chỉ có thể tưởng nhớ trong ký ức.
Theo Bưu điện Việt Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.