Báo cáo với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với ngành chứng khoán cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, nhiều DNNN cổ phần hóa thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Đây là một trong các nguyên nhân làm hạn chế nguồn cổ phiếu chất lượng tốt, cũng như sự tham gia của NĐT tổ chức trên TTCK.
Điểm danh những “ông lớn” họ “hứa”
Có thể kể ra rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex, Seaprodex, Hancorp, VEIC, TEDI, Cienco 1… Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các DN này vẫn đang “án binh bất động” với việc tuân thủ quy định lên sàn.
Theo văn bản phân công Ban chỉ đạo tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 (chưa ấn định ngày tổ chức) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kế hoạch niêm yết của Petrolimex không được đề cập đến trong các nội dung dự kiến thông qua tại đại hội. Như vậy sau nhiều lần “hứa hẹn”, Petrolimex nhiều khả năng vẫn chưa thể thực hiện việc niêm yết trong năm nay.
Năm 2011, trước khi thực hiện bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Petrolimex đã “bật mí” kế hoạch niêm yết, song không thể thực hiện. Đến ĐHCĐ 2014, trả lời cổ đông về kế hoạch niêm yết, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, Petrolimex chưa thể niêm yết trong năm 2014 là do chưa hoàn thành việc tăng vốn và tìm kiếm cổ đông chiến lược, đồng thời “hẹn” sẽ niêm yết trong năm 2015. Tuy nhiên, hiện đã hết quý I/2016, lời hứa của Petrolimex vẫn chỉ là… lời hứa!
Đối với Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), tại ĐHCĐ được tổ chức ngày 26/4 vừa qua, nội dung về kế hoạch niêm yết cổ phiếu của TEDI cũng không được đề cập tới. Trong khi đó, tại ĐHCĐ lần thứ nhất năm 2014, Ban chỉ đạo cổ phần hóa TEDI đã trình Đại hội thông qua chủ trương niêm yết 12,5 triệu cổ phiếu trên HNX và đã được thông qua.
Được biết, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, TEDI hiện đang tập trung hoàn tất việc thoái toàn bộ 29% vốn nhà nước trong quý II năm nay, cho nên kế hoạch niêm cố phiếu vì thế mà “tạm gác”.
Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả-Vinacomin và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cũng chưa thực hiện kế hoạch niêm yết, cho dù tại các kỳ ĐHCĐ gần nhất, cổ đông của 3 DN đều đã thông qua chủ trương niêm yết. Thậm chí, Cienco 1 và Nhiệt điện Cẩm Phả-Vinacomin đều đã có kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM vào năm ngoái. Hiện tại, cả 3 DN trên vẫn chưa tổ chức ĐHCĐ 2016.
Tại một số DN đại chúng quy mô lớn khác như CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh hay Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), kế hoạch niêm yết cũng không được đề cập tại ĐHCĐ diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua.
Thông tin tích cực nhất trong thời gian gần đây đến từ CTCP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) và Tổng CTCP Điện tử và tin học Việt Nam (VEIC). Trong năm 2015, các DN này đều có thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Chế tài nào cho các DN vi phạm?
Sau IPO, DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn sẽ khiến thanh khoản cổ phiếu trở nên kém, khả năng giám sát của nhà đầu tư đại chúng thấp, dẫn đến khó thay đổi chất lượng quản trị DN, hoạt động kinh doanh theo đó khó hiệu quả.
Thời gian gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc DN đưa cổ phiếu lên sàn, chẳng hạn Quyết định 51/2014, Nghị định 60/2015 hay Thông tư 180/2015 có hiệu lực từ 1/1/2016... Tuy nhiên, chính sách là như vậy, song chế tài xử lý các DN vi phạm vẫn là vướng mắc lớn nhất chưa được giải quyết.
Để khắc phục tình trạng này, UBCK đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh Thanh tra UBCK cho biết, Dự thảo Nghị định đã bổ sung chế tài xử phạt với mức phạt từ 100-150 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, hoặc thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn theo quy định.
Tuy nhiên, đối diện với sự chây ỳ, mức phạt 100-150 triệu đồng có thể chẳng là gì đối với DN, nếu không quy trách nhiệm đến từng cá nhân lãnh đạo với các chế tài bổ sung khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.