“Ông lớn” snack khoai tây muốn liên kết với nông dân để không cần phải nhập khẩu
Thị trường snack khoai tây hấp dẫn, “ông lớn” muốn liên kết với nông dân để không cần phải nhập khẩu
Hồng Phúc
Thứ sáu, ngày 28/04/2023 17:21 PM (GMT+7)
Thị trường snack khoai tây tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Các “ông lớn” đang có kế hoạch liên kết với nông dân, mục tiêu sẽ sử dụng 100% nguyên liệu khoai tây tươi tại Việt Nam mà không cần phải nhập khẩu.
Thị trường snack, đặc biệt là snack khoai tây tại các đô thị lớn như TP.HCM rất sôi động. Theo các công ty nghiên cứu thị trường, snack là một thị trường hấp dẫn. Nhiều “ông lớn” đang tấn công mạnh vào thị trường này.
Thị trường snack khoai tây hấp dẫn
Khu vực bánh kẹo, bao gồm thức ăn nhanh và các loại snack tại các siêu thị TP.HCM luôn thu hút nhiều khách hàng, nhất là các khách hàng trẻ.
Ghi nhận tại một siêu thị lớn ở quận Gò Vấp, TP.HCM, xe đẩy của nhiều khách hàng từ 20 - 30 tuổi đều có mặt hàng này. Đáng chú ý, không chỉ một, các khách hàng trẻ có xu hướng chọn mua nhiều loại snack khác nhau, hương vị khác nhau, trọng lượng khác nhau. Một số thương hiệu "trống quầy", nhân viên bổ sung không kịp, nhất là dịp cuối tuần.
Khách hàng trẻ mua snack khoai tây tại siêu thị, nhiều nhãn hiệu trống quầy vì cung-cầu. Ảnh: Hồng Phúc
Tỷ lệ snack trong giỏ hàng của các khách mua sắm trong cửa hàng tiện lợi lại càng nhiều hơn. TP.HCM được xem là nơi có thị trường cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ nhất, mọc xung quanh trường học, khu vực đông dân cư.
Với không gian không quá rộng, các mặt hàng “ăn chơi” như snack được bố trí ở vị trí đẹp, rộng, thuận tiện nhu cầu của nhóm tuổi teen, khách hàng trẻ. Đây cũng là nhóm khách tiềm năng nhất của các cửa hàng tiện lợi và snack.
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, ngành hàng snack khoai tây tại Việt Nam rất tiềm năng. Quy mô thị trường ngày càng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều trên hai con số.
Thị trường ăn vặt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn nhờ vào xu hướng thay đổi cách chi tiêu của giới trẻ. Thu nhập bình quân của người trẻ tăng lên, cuộc sống thay đổi theo lối công nghiệp, giới trẻ tiêu dùng nhiều hơn và ăn vặt trở thành nhu cầu thiết yếu trong mỗi buổi gặp nhau.
"Ông lớn" đầu tư mạnh cho vùng trồng khoai tây
Nhiều “ông lớn” trong ngành hàng này thời gian gần đây thay vì nhập khoai tây từ nước ngoài để làm snack thì đang chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu ở Việt Nam, trong đó có hợp tác với nông dân trồng khoai tây.
Orion là doanh nghiệp lớn cung cấp snack khoai tây lớn tại thị trường Việt Nam. Ông Jung Min-Kyo - quản lý bộ phận AGRO tại Công ty Thực phẩm Orion Việt Nam, cho biết O’star và Swing là hai loại snack đứng đầu về doanh số snack của Orion.
Tín hiệu tốt từ thị trường khiến “ông lớn” đến từ Hàn Quốc này thời gian qua liên tục mở rộng vùng trồng khoai tây tại Việt Nam để làm snack.
“Tôi đến Việt Nam 15 năm trước, khi đó năng suất chỉ 3.000 tấn. Nay, năng suất tăng lên đến 50.000 tấn”, ông Jung Mun-Kyo nói và cho biết công ty đang liên kết trồng khoai tây với nông dân ở 12 tỉnh thành Bắc Bộ và Nam Bộ với diện tích vài nghìn ha.
Ông cho biết toàn bộ giống khoai tây được tạo ra từ nuôi cấy mô. Công ty hợp tác với các viện nghiên cứu khoai tây của Orion Global Agro để chọn giống phù hợp cho từng quốc gia; hợp tác với Đại học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Đà Lạt để lai tạo giống. Khi trồng, người nông dân được cung cấp giống trước, đến vụ thu hoạch mới trả chi phí mua giống và khoai tây được bao tiêu đầu ra.
“Hiện tại, vùng nguyên liệu tại Việt Nam đang cung cấp khoảng hơn 30% công suất hoạt động của nhà máy để sản xuất các loại bánh snack như O’Star và Swing”, phía Orion nói và cho biết năm nay, công ty có kế hoạch tăng khoảng 15% diện tích vùng nguyên liệu.
Mục tiêu của công ty này là hướng tới việc sử dụng 100% nguyên liệu khoai tây tươi tại Việt Nam mà không cần phải nhập khẩu.
Không chỉ Orion, mà Pepsico Việt Nam - hãng sản xuất thực phẩm và nước giải khát, hàng đầu hiện nay cũng kỳ vọng nhiều vào thị trường snack và tăng cường “bắt tay” cùng nông dân trồng khoai tây. Trước dịch Covid-19, doanh thu toàn cầu của “ông lớn” này năm 2019 đạt hơn 67 tỷ USD và mảng snack được đánh giá giữ vai trò quan trọng.
Giai đoạn trước năm 2008, nguồn cung khoai tây cho nhà máy sản xuất snack chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu nhưng thời gian qua, doanh nghiệp này cũng hợp tác cùng nông dân, hình thành các vùng nguyên liệu khoai tây bền vững.
Theo Pepsico Việt Nam, giai đoạn 2022-2025, công ty sẽ kết nối với nông dân ở nhiều tỉnh thành, mục tiêu đạt 2.000 ha khoai tây và hơn 1.000 nông dân tham gia dự án.
Theo số liệu của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hết năm 2022, diện tích khoai tây toàn tỉnh (bao gồm cả giống khoai tây ăn tươi) tăng gấp đôi lên 2.700 ha, sản lượng toàn vùng 76.000 tấn. Đáng chú ý, diện tích sản xuất khoai tây dùng để chế biến snack chiếm trên 42% sản lượng khoai tây toàn tỉnh, đạt 1.170 ha, 1.200 hộ sản xuất.
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đánh giá, mô hình trồng khoai tây liên kết với doanh nghiệp đang giúp nông dân Lâm Đồng có đầu ra bền vững.
Đây cũng là tiền đề để địa phương xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao, đúng định hướng giảm tình trạng "được mùa mất giá" của Bộ NNPTNT, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.
Thời gian qua, các doanh nghiệp từ sản xuất đến phân phối và địa phương tăng cường liên kết, từ liên kết ở vùng trồng đến liên kết đầu ra cho nông sản hoặc điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường để nông sản không rơi vào cảnh "được mùa mất giá".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.