Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tiếp công dân vì sao phải ngại việc quay phim?

Lương Kết Thứ ba, ngày 08/01/2019 07:27 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, sau khi nghiên cứu quy định nội quy của trụ sở tiếp công dân TP. Hà Nội, thì không phải cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm, quy định này dành quyền chủ động cho công chức quyết định.
Bình luận 0

img

Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (ảnh TL).

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố. Trong nội quy này có quy định rất đáng chú ý, đó là: "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Đã có nhiều ý kiến xung quanh quy định này.

Trao đổi với Dân Việt, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đọc quy định trên thấy không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Quy định này dành quyền chủ động cho công chức quyết định, nghĩa là nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.

img

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp công dân trong tháng 12.2018 (ảnh ktdt.com.vn)

Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, quy định nêu trên cũng là cần thiết để tránh tình trạng có người quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của nhà nước. Vấn để thứ hai, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. “Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó”, Phó Ban Dân nguyện nói.

PV đặt câu hỏi: Khi tiếp công dân họ muốn quay phim, ghi âm, liệu ông có đồng ý? Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: Nếu tôi tiếp công dân ai đó muốn quay phim, ghi âm thì cứ thoải mái. “Bởi, thứ nhất khi công dân đã quay phim, ghi âm thì tôi càng làm việc cẩn thận hơn. Thứ hai, khi mình làm việc đúng quy định của pháp luật, động cơ trong sáng, không có gì khuất tất thì không ngại chuyện ai đó quay phim hay ghi âm”, ông Nhưỡng bày tỏ.

Ông nói thêm: Tôi nghĩ cán bộ tiếp công dân thường là những người có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, vững về chuyên môn nên không việc gì phải ngại cuộc làm việc với người dân đã bị ghi âm, ghi hình. Người dân đến làm việc cứ để họ quay phim, ghi âm, nhưng phải giữ trật tự, không lộn xộn gây ảnh hưởng đến việc tiếp công dân. Đối với người dân sau khi làm việc có đoạn ghi âm hay clip có thể làm họ yên tâm hơn, bởi đó còn là căn cứ trong quá trình giải quyết công việc.

Đồng quan điểm với ông Nhưỡng, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định nêu trên của UBND TP. Hà Nội cũng phù hợp. Vấn đề cấm quay phim, ghi âm khi cán bộ tiếp công dân trước đây khi xây dựng Luật tiếp công dân cũng đã đặt ra nhưng đề xuất này không phù hợp nên Luật không quy định.

“Luật đã không cấm thì các văn bản dưới Luật cũng không được cấm. Trường hợp như quy định của UBND TP. Hà Nội không phải là cấm mà là giao quyền chủ động cho cán bộ. Ở vào tình huống cụ thể, có thể cán bộ tiếp công dân đồng ý cho quay phim, có trường hợp không đồng ý. Đây là quy định có tính chất linh động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem