Ông Nguyễn Đức Chung: Không tiêu hết tiền sẽ có lỗi với dân

Thành An Thứ năm, ngày 11/07/2019 16:38 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu TP không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết thì sẽ có lỗi với người dân.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn TP là chậm, nhất là ở cấp TP.

Hết 5 tháng, toàn TP mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm).

img

Cầu Giấy là một trong 10 quận, huyện của TP. Hà Nội chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%). (Ảnh minh họa)

Sau 5 tháng triển khai kế hoạch, chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá như, UBND quận Hà Đông (89%), UBND huyện Đan Phượng (51%), UBND huyện Quốc Oai (49%), UBND huyện Thanh Oai (45%). Còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của TP. 

Thậm chí, đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp TP, tính đến hết ngày 31/5, còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%), như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên...

Về vấn đề này, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận, tiến độ giải ngân trong 6 tháng năm 2019 chậm. 

Có nhiều nguyên nhân được ông Chung chỉ ra khiến các dự án đầu tư công giải ngân chậm. Và việc này, TP cũng đã kiểm điểm rõ trách nhiệm liên quan đến việc điều hành liên quan đến đầu tư công tư công chậm.

“Chúng tôi xác định, nếu TP không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết thì sẽ có lỗi với người dân”, ông Chung nói và cho rằng "nếu đầu tư thì TP sẽ phát triển còn chậm sẽ tồn đọng nguồn vốn..."

img

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV.

Theo ông Chung, trong 4 năm qua của nhiệm kỳ này, một trong những nguyên nhân khách quan đó là việc Luật Đầu tư công có hiệu lực đã tác động đến toàn bộ quá trình điều hành cũng như việc đầu tư công của TP cũng như gây hậu quả đến tất cả các tỉnh thành và các bộ, ban, ngành. Theo đó, vừa qua Chính phủ và Quốc Hội cũng đã sửa luật này.

Ở nhiệm kỳ trước, danh mục đầu tư công trung hạn được Quốc hội phê duyệt vào tháng 10 năm 2015, HĐND TP thông qua danh mục này vào tháng 12/2015. 

Tuy nhiên, đến tháng 12/2017 danh mục đầu tư công của TP mới được phê duyệt nên dẫn chậm. Bởi vì, lúc này mới bố trí vốn, dự án bắt đầu thiết lập hồ sơ và phê duyệt chủ trương đầu tư, lập hồ sơ nghiên cứu, đấu thầu, thuê các đơn vị tư vấn lập hồ sơ nghiên cứu…

“Đấu thầu xong mới khởi công được. Nếu đúng như quy trình hiện nay, đối với nhóm B, C phải trên 500 ngày; riêng nhóm A là 755 ngày. Ngoài ra, đầu năm 2017, TP cũng sắp lại các Ban QLDA của các tất cả các sở ngành thành 5 Ban QLDA của TP cho nên đây là nguyên nhân khách quan”, ông Chung nói.

“Thời gian tới tăng cường tương tác, chỉ đạo giải quyết khó khăn cho các BQLDA. Cải cách các khâu vướng mắc mà do sự phối hợp thẩm định giữa các Sở ngành với các BQLDA. Khâu này cần phải cải cách”, Chủ tịch UBND Hà Nội nói thêm.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, từ đầu 2016, người đứng đầu UBND Hà Nội cho biết, UBND TP đã đề xuất sang Thường trực Thành ủy và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua việc nâng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân khi nhận nhà tái định cư từ 3,2 triệu lên 6,8 triệu. Nhờ vậy, có nhiều dự án như dự án vành đai 2, có khu vực từ 95 - 98% người dân lấy tiền chứ không lấy nhà tái định cư. 

Bên cạnh đó, TP được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư theo hướng huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư các dự án chứ không dùng ngân sách. Nếu không TP sẽ phải bỏ ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng đã ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận, huyện làm Trưởng ban GPMB để thường xuyên tháo gỡ khó khăn; Tăng thêm người từ Trung tâm Quỹ đất của Sở TNMT, cán bộ phòng GPMT của UBTP xuống hỗ trợ; Sau khi nhận được các kiến nghị của các quận, huyện thì các lãnh đạo TP tổ chức họp để giải quyết các vướng mắc khó khăn; Ứng quỹ đầu tư phát triển TP để đầu tư.

Đồng thời, được HĐND TP ứng 50 tỉ đồng cho Ban QLDA các quận huyện thuê đơn vị tư vấn thiết lập hồ sơ; Các lãnh đạo TP thường xuyên đi kiểm tra; Thường xuyên xin ý kiến của các cơ quan ban ngành cấp trên để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem