Chủ tịch Hà Nội: 'Công nghệ đang giải quyết các bài toán của thành phố'

Thứ năm, ngày 09/05/2019 11:10 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng các địa phương phải tìm giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả, giải quyết vấn đề vận hành bộ máy.
Bình luận 0

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đang thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên địa bàn. Trong đó, thành phố tập trung xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. 

img

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

"Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu, thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, tích hợp và khai thác các dịch vụ số, ứng dụng tối đa các văn bản điện tử, sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số, tăng ứng trên thiết bị di động, chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân, khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số", ông Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết 3.530 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động trên địa bàn đã tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018, cho thấy Hà Nội đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, phục vụ phát triển thành phố thông minh.

"Thành phố sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những thành phố đầu tiên có cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển", ông Chung nóí.

Doanh nghiệp công nghệ giải quyết bài toán của thành phố như thế nào

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA, đề cập tới một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước là trong kỷ nguyên cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam lại có đến hơn 400.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hầu như không sử dụng phần mềm kế toán.

Lấy ví dụ giải pháp Starbooks có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ cần chi 2 triệu đồng mỗi tháng mà vẫn làm được báo cáo tài chính và thuế, ông Long khẳng định: "Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn đặc thù cho Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được, cũng như hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như Blockchain, AI, Machine Learning,... vào các sản phẩm", ông Long nhấn mạnh.

img

Ông Lữ Thành Long khẳng định doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có đủ năng lực để giải quyết các bài toán đặc thù cho Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, khẳng định các doanh nghiệp cần tiếp cận nền tảng công nghệ mở để kết nối với nền kinh tế số. 

"Internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đởi sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của doanh nghiệp là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ", ông Chính chia sẻ.

Theo ông, nhà nước cần có lộ trình và chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.

Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc Công ty Haravan, lại chỉ ra rằng mỗi doanh nghiệp khi đưa các mảng kinh doanh lên thị trường trực tuyến đều tạo ra thay đổi tích cực. "Hệ thống online giải quyết được bài toán làm việc của hơn 100 cửa hàng một cách nhanh chóng, thay vì phải tốn nhiều chi phí, nhân lực", đại diện Haravan tính toán.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be, lại đề cập đến những bất cập trong môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam: "Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ".

Theo ông, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ông nêu ví dụ, mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà mọi người đang sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài.

Trong khi đó, ở thời đại 4.0, tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ là dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên quốc gia, an ninh không gian mạng là an ninh quốc gia. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt. "Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống", đại diện Be khẳng định.

Châu An (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem