Ông Phạm Huy Hùng thôi đại diện vốn nhà nước tại Vietinbank

Chủ nhật, ngày 27/04/2014 20:57 PM (GMT+7)
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank, thôi làm người đại diện 40% phần vốn nhà nước tại ngân hàng này, theo quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mang số hiệu Quyết định 807/QĐ-NHNN.
Bình luận 0
Ngân hàng Vietinbank, tên đầy đủ là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, dự tính sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 vào ngày 29.4 sắp tới. Đại hội đồng sẽ bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2014-2019.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của NHNN đồng nghĩa với việc ông Phạm Huy Hùng sẽ không còn làm Chủ tịch HĐQT Vietinbank trong nhiệm kỳ tới. Ông Hùng, sinh năm 1954, cũng vừa tròn 60 tuổi là tuổi nghỉ hưu.

Ông Phạm Huy Hùng. Ảnh: TL.
Ông Phạm Huy Hùng. Ảnh: TL

Ông Phạm Huy Hùng từng làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank từ năm 2007 đến nay; trước đó ông làm Tổng giám đốc ngân hàng này từ năm 2002 đến năm 2009.

Ngân hàng Vietinbank là nơi xảy ra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như bị tòa xử tội lừa đảo chiếm đoạt hơn 4.911 tỉ đồng. Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Huyền Như vào đầu năm nay, nhiều nguyên đơn dân sự và bị hại đều cho rằng mình bị chiếm đoạt do ký hợp đồng với Vietinbank chứ không phải cá nhân Huyền Như. Tất cả đều đề nghị tòa xác định Vietinbank phải là bị đơn dân sự của vụ án, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Huyền Như nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ.

Lúc đó ông Phạm Huy Hùng đã gây xôn xao dư luận khi tuyên bố với báo chí rằng tiền các cá nhân, doanh nghiệp đưa cho Huyền Như không vào hệ thống Vietinbank. Ông Hùng khẳng định Vietinbank vô can và không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngay sau đó các luật sư đã phản ứng gay gắt với lời tuyên bố trên của ông Hùng. Báo Tuổi Trẻ lúc đó tường thuật luật sư Lưu Văn Tám khẳng định những lời nói của ông Hùng trên tờ báo điện tử là thiếu trách nhiệm, luật sư Tám trưng ra tại tòa 32 hợp đồng, 32 sao kê của 17 nhân viên ACB đã ký với VietinBank chứng tỏ tiền của ACB đã vào đến tài khoản của VietinBank. Luật sư này cho rằng: “Đến nay chưa có ai, chưa có đơn vị nào khẳng định những hợp đồng và các bản sao kê này là vô hiệu”.

Nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng để một nhân viên làm giả giấy tờ, sử dụng con dấu và các phương tiện khác để lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng như Huyền Như chứng tỏ khâu kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro của ngân hàng này có vấn đề.

Cùng ngày 26.4, tại một quyết định khác (808/QĐ-NHNN) Thống đốc NHNN đã cử các ông có tên dưới đây làm người đại diện theo ủy quyền đối với 100% phần vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietinbank:

- Ông Nguyễn Văn Thắng - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam: Đại diện 40%.

- Ông Lê Đức Thọ - Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Đại diện 30%.

- Ông Cát Quang Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, Thành viên Hội đồng quản trị (kiêm nhiệm) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam: Đại diện 30%.
TBKTSG Online (Theo TBKTSG Online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem