Ông Tây dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo và sở thích đặc biệt

Thứ hai, ngày 20/03/2017 07:25 AM (GMT+7)
Ngoài nhiệt tình dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo, ông Tây ấy cực kỳ yêu ánh nắng mặt trời ở Việt Nam.
Bình luận 0

Hơn hai năm nay, cứ đều đặn 9 giờ mỗi sáng thứ Tư, ông Tây ấy lại đạp xe hơn tiếng đồng hồ giữa trời nắng chang chang để đến lớp học tình thương ở Trung tâm Phát Huy Bình An (quận 7) dạy tiếng Anh cho trẻ.

Lớp học sôi động

Tiết học của thầy Rick không hề nặng về truyền thụ kiến thức. Sau khi bày các em phát âm từ mới và cách đặt câu hỏi, trả lời những câu giao tiếp tiếng Anh thông thường, thầy luôn để các em tự thực hành với nhau. Đi kèm với việc học từ vựng mới, các em tranh nhau lên bảng để vẽ hình minh họa gấu teddy bear, quả bóng ball, đoàn tàu lửa train... Khi nghe các em phát âm chưa chuẩn, thầy Rick sẽ dùng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình để chỉnh lại như “nói lại”, “hông, hông”. Để miêu tả chiếc máy bay bay, thầy Rick không ngại minh họa hết mình đến mướt mồ hôi khiến lũ trẻ bật cười sảng khoái.

img

Thầy Rick trong một tiết học tiếng Anh ở Trung tâm Phát Huy Bình An. Ảnh: H.LAN.

Sau hai tiếng đồng hồ dạy hết công suất cho lớp 2 và lớp 3, thầy Rick sẽ tiếp tục dạy tiếng Anh giao tiếp cho một số học trò lớn tuổi, đó là các cô giáo dạy ở trung tâm. “Cô giáo nào cũng thích học tiếng Anh nên luôn nán chờ thầy Rick dạy xong cho mấy em rồi đến lượt mình học. Tuy tiếp thu chậm nhưng chúng tôi cũng dần học được mấy câu giao tiếp thông thường như hỏi thăm sức khỏe, sở thích, thời khóa biểu... của nhau. Thỉnh thoảng đón khách Tây đến thăm cơ sở, chúng tôi lại đem ra vận dụng” - sơ Hạnh chia sẻ. Mải mê dạy, phải hơn 12 giờ trưa thầy Rick mới bước ra khỏi cổng trung tâm, vội vã đạp xe trở về.

"Việt Nam đã không làm tôi thất vọng"

Thầy Rick năm nay đã 65 tuổi. Sở dĩ tuổi đã cao nhưng ông vẫn đều đặn đạp xe đi khắp mọi nơi bởi ông rất thích mặt trời và khí hậu ở Việt Nam. Ngoài dạy ở lớp học tình thương, ông nhận dạy tiếng Anh cho các trung tâm.

“Không giống như hầu hết người Việt Nam, tôi tôn thờ ánh nắng mặt trời. Tôi nghĩ được lái xe dưới ánh nắng mặt trời là đặc ân đối với tôi. Nơi tôi sống ở Mỹ. Có đến chín tháng của một năm là mây mù xám xịt. Mỗi sớm mai, khi đạp xe dọc đường Hoàng Sa, tôi lại được thấy người Việt ở mọi lứa tuổi tập thể dục, đi bộ với con cháu, dắt chó đi dạo, cầu nguyện bên ngoài chùa, lòng tôi rộn lên cảm giác yên bình đến lạ. Mọi người rất thân thiện, sẵn sàng nói “hello” với tôi khi họ có chút vốn từ” - Rick hào hứng khi kể về Việt Nam.

Rick chia sẻ thời trẻ ông đã muốn sống ở nước ngoài trước khi chết nhưng chỉ khi về hưu mới có cơ hội. Ban đầu ông chọn đất nước Brazil nhưng dự định của ông bị rẽ hướng khi một vài người bạn gợi ý đến Việt Nam. Và Việt Nam đã không làm ông thất vọng khi ông gắn bó với xứ sở này đã ba năm.

Tuy nhiên, Rick cũng cho rằng sống ở Việt Nam là một thử thách. Ông bắt buộc phải làm quen nhiều thứ, chẳng hạn như kẹt xe. “Nếu không để ý sẽ dễ có một chiếc xe máy lao tới tôi sai hướng. Và tôi phải cố gắng lái xe như một người Sài Gòn chính hiệu. Ở Mỹ, khi đèn xanh cứ việc băng qua đường mà không cần bận tâm ngó nghiêng, còn ở đây thì phải bỏ thói quen đó đi” - Rick chia sẻ.Một số người bạn khi biết ông chọn định cư lâu dài ở Việt Nam đã lo ngại ông gặp khó khăn khi sống ở nơi người Mỹ từng gieo rắc tội ác. “Tôi bảo họ rằng đây là đất nước có 60% là dân số trẻ, chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Không nhiều sinh viên Việt Nam tôi dạy còn nhắc đến chiến tranh nữa. Điều này tương tự như ở Mỹ. Ấn tượng của tôi về Việt Nam là một đất nước theo đuổi sự thay đổi nhưng vẫn luôn muốn giữ gìn những giá trị truyền thống. Tôi gặp nhiều người Việt không hẳn mong mức lương cao, đời sống hiện đại mà vẫn muốn giữ truyền thống gia đình. Sự cân bằng này thật khó” - Rick nói.

Rick lý giải nguyên nhân muốn dạy tiếng Anh cho những trẻ em nghèo khó, không có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh như ở Trung tâm Phát Huy Bình An: “Tôi gặp nhiều người ở đây ngưỡng mộ ai giao tiếp bằng tiếng Anh, còn tôi thật là may mắn khi biết quá nhiều. Nếu có điều kiện, chúng ta nên tập trung vun đắp kiến thức cho những đứa trẻ kém may mắn, giúp chúng hòa nhập với xã hội biến động mỗi ngày và trở thành người chủ sản xuất làm ra nhiều giá trị trong tương lai”.

Thầy Rick đã dạy ở trung tâm được hơn hai năm. Thầy dạy đều lắm, tính tình lại thân thiện, hòa đồng nên rất được lòng học sinh, cô giáo.

Trẻ ở trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều em phải lăn lộn phụ giúp gia đình, vận động các em đến trường đã là một nỗ lực. Ngoài những tiết học cơ bản như văn, toán, trung tâm chưa có điều kiện bồi dưỡng tiếng Anh nhiều cho các em nên chắc chắn là khi học lên cao các em sẽ thiệt thòi. Ít nhất những tiết học của thầy Rick cũng giúp các em làm quen dần với tiếng Anh và khơi gợi tình yêu đối với bộ môn.

Bà ĐẶNG THỊ THU HẠNH,

quản lý Trung tâm Phát Huy Bình An

Hoàng Lan (Pháp luật TP HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem