Chia sẻ với Zing.vn, đạo diễn Trần Chí Thành cho biết trong cuộc họp mới nhất diễn ra vào chiều 29.9, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIVASO - đã có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí đe dọa các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam.
"Ông Nguyên nói những lời không chấp nhận được, xúc phạm các nghệ sĩ, đặc biệt là anh Quốc Tuấn. Ông ấy còn nói là đang dự phòng tình huống nghệ sĩ treo cổ tự vẫn. Lúc đó, chúng tôi im lặng vì không muốn nói bất cứ điều gì nữa. Nhưng mọi người đều rất bức xúc", đạo diễn Trần Chí Thành nói.
Các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã ghi âm cuộc họp với ông Nguyễn Thủy Nguyên. Trong băng ghi âm, chủ tịch VIVASO nói rằng ông không chấp nhận được hành động đấu tranh của các nghệ sĩ trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng tái khẳng định sẽ tiếp tục không trả lương cho những người không làm. Đối với những nghệ sĩ đã có phát ngôn mà theo ông Nguyên là không đúng, ông sẵn sàng "làm theo đúng pháp luật".
"Các đồng chí khóc cũng rất giỏi, nước mắt chảy cũng rất tốt... Các đồng chí diễn kịch cũng rất tốt. Tất cả có video quay hết rồi. Và tôi nói rằng chuyện đó, nếu các đồng chí không nhìn thấy đó là lỗi lầm để sửa thì sẽ là tội vu khống, tội không đoàn kết", ông Nguyễn Thủy Nguyên nói.
Trong cuộc họp, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng cho biết ông đang dự phòng tình huống nghệ sĩ treo cổ vì đau xót quá. "Đi đâu cũng khóc như mưa, khéo tới đây có nơi nghệ sĩ đau xót quá... rồi treo cổ sợ chết. Tôi đang dự phòng đây".
Đáp trả lời của đại gia VIVASO, đạo diễn - diễn viên Quốc Tuấn cho biết: "Ông Nguyên đang động đến tất cả giới nghệ sĩ Việt Nam. Ông dọa ông cứ làm, chúng tôi sẽ ghi âm lại tất cả điều này".
Đạo diễn Trần Chí Thành cho biết sau cuộc họp ngày 29.9, các nghệ sĩ đều rất bức xúc nhưng tạm thời chưa có động thái đấu tranh mới vì đang chờ kết luận thanh tra của cơ quan chức năng.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim cũng hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau đó, các nghệ sĩ lên tiếng "tố" quá trình cổ phần hóa không minh bạch. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017.
Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Thời gian gần đây, các nghệ sĩ lên tiếng đấu tranh vì VIVASO chậm trả lương, trả thiếu lương và có lời nói xúc phạm nghệ sĩ. Đáp lại, ông Nguyễn Thủy Nguyên sẽ không trả lương cho người 3 năm không lên cơ quan hoặc không biết là đang làm gì.
Ngày 2/10, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Trước đó, ngày 21/9, làm việc với lãnh đạo bộ, ngành, Hãng phim truyện Việt Nam và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ năm ngoái, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị thương hiệu mang tính lịch sử của hãng phim. Tuy nhiên, các bộ đều báo cáo là chưa có tiền lệ, nên chỉ có thể xác định theo cách tính thông thường, với giá trị thương hiệu bằng 0.
|
Khuê Tú (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.