Ông Trần Quốc Vượng ký ban hành kết luận quan trọng của Bộ Chính trị

Lương Kết Thứ tư, ngày 28/08/2019 11:22 AM (GMT+7)
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị.
Bình luận 0

img

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (ảnh Đ.D)

Đây là kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Kết luận của Bộ Chính trị đã khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ thứ ba là nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

img

Bộ Chính trị yêu cầu khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM (ảnh Lê Hiếu).

Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe. Quy định rõ về cơ chế bồi thường, ký quỹ, đặt cọc, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm rủi ro thiên tai, quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.

Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu các nhiệm vụ cấp bách. Đó là tiếp tục cập nhật, cụ thể hoá "Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng" của cả nước và đến từng vùng, miền, địa phương. Lựa chọn các hạng mục, giải pháp ưu tiên để lồng ghép triển khai thực hiện. Khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung các giải pháp dần hình thành hệ thống chống ngập đồng bộ, hiệu quả. Triển khai các giải pháp chống ngập cho vùng lõi thành phố Cần Thơ. Đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long…

Hoàn thành việc điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước. Tích cực đàm phán, hợp tác với các quốc gia thượng nguồn để bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và Sông Hồng. Có chính sách khuyến khích áp dụng trên diện rộng các giải pháp sử dụng tiết kiệm nước ngọt. Chấn chỉnh việc khai thác cát sỏi trên phạm vi cả nước.

Tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, nghiên cứu cơ chế cho phép kết hợp khai thác các giá trị kinh tế của rừng để góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có rừng.

Quy định tiêu chí môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển. Điều chỉnh cơ chế chấp thuận, quy trình, hình thức đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Có chính sách hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng đồ nhựa có tính năng sử dụng một lần trên toàn quốc. Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng tiềm ẩn các chất nguy hại, gây ô nhiễm.

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, phấn đấu từ sau năm 2020 chất lượng môi trường được cải thiện năm sau cao hơn năm trước, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước thải tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn, trọng điểm là các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung.

Thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt. Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải. Tập trung xử lý chất thải độc hại, chất thải y tế…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem