Đã gặp gỡ và viết rất nhiều về các bông hoa đẹp nhất của Hoa hậu Việt Nam, nào là Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Đặng Thu Thảo… Nhưng trong số các người đẹp khiến ông ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là Thu Thủy.
Trong mắt của nhà thơ, nhà báo và Trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam Dương Kỳ Anh thì đây là một cô gái đặc biệt.
Ông nhớ lại: “Sau đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 1994, có một người phụ nữ tự giới thiệu là mẹ của Thu Thủy đến bắt tay tôi và nói lời cảm ơn. Tôi hơi ngờ ngợ vì hình như mình đã gặp ở đâu rồi. Hỏi ra mới biết đó là Chu Bích Thu. Chu Bích Thu học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, trước tôi một năm. Tôi đâu có ngờ cô gái có thân hình nhỏ nhắn, tóc tết bím làm đôi dài gần tới gót chân ngày ấy lại là mẹ của Hoa hậu. Có lẽ Thu Thủy giống bố nhiều hơn. Bố Thủy, ông Nguyễn Văn Lợi to cao và có nước da ngăm đen”.
Theo ông, cũng như Bích Phương, Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Thu Thủy xuất thân là con nhà nòi, bố mẹ đều là những nhà khoa học, đều là trí thức, cán bộ nghiên cứu nhiều năm. Khi cô dự thi Hoa hậu, cũng là lúc cô thi đậu vào ba trường đại học, nhưng Thủy đã chọn trường đại học Ngoại giao. Trả lời câu hỏi của ban giám khảo về mong ước của mình, Thu Thủy nói rằng cô muốn trở thành một nữ đại sứ.
Nhan sắc rạng ngời, trẻ trung của hoa hậu Thu Thủy sau 14 năm đăng quang.
Nhưng sau đó, Thu Thủy thử sức rất nhiều nghề. Từ việc làm truyền thông cho một tờ báo lớn cho đến việc mở công ty chuyên phân phối các sản phẩm cho spa rồi cô chuyển qua viết văn, biên kịch và bây giờ là BTV truyền hình.
Ông kể lại: “Thủy hồi tưởng lại khi cô có ý định dự thi hoa hậu, bà con họ hàng có ý không muốn cô dự thi. Nhưng bố cô đã nói: “Con cháu mình có hư hỏng không là do bản lĩnh của nó, gia đình mình phải rèn dũa cho con bản lĩnh cứng rắn để những thứ ngoại lai không tác động vào còn hơn là cấm đoán ” .
“Sau này, mỗi lần vấp váp, mỗi lần đứng trước những lựa chọn, những lần tưởng như buông tay chấp nhận sa ngã em thường nhớ lại câu nói đó và gia đình không chỉ là điểm tựa, mà còn là bệ phóng, là nền tảng được tạo nên từ tình yêu thương, sự thông cảm và nề nếp truyền thống…”- Hoa hậu Thu Thủy tâm sự với ông.
Mỹ nhân sinh năm 1976 này là một người cá tính, dám nghĩ, dám làm.
“Ba mươi đêm nằm trong bệnh viện chăm sóc bố, ngủ trên chiếc ghế Xuân Hòa, chứng kiến ranh giới mỏng manh giữa cái sống và cái chết, em đã thay đổi rất nhiều. Trước đây đối với em cuộc sống là những đỉnh cao liên miên chinh phục. Em trẻ, đẹp, có danh tiếng, có kiến thức, có tham vọng. Em đã nghĩ rằng không có điều gì mình muốn mà không làm được”, Thủy gửi email cho ông bộc bạch nỗi lòng.
Nhà thơ, nhà báo cũng kể về chuyến đi nửa tháng sang Mỹ đầy kỷ niệm với hoa hậu Thu Thủy theo lời mời của Tập đoàn Seagram (Hoa Kỳ) và IBC. Thời tiết lạnh và lịch trình bay dài, trong đoàn ai cũng mệt mỏi nhưng riêng hoa hậu Thu Thủy thì không, lúc nào cũng tươi tắn và tràn đầy năng lượng.
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh chụp ảnh lưu niệm với hoa hậu Thu Thủy tại Mỹ.
Và ông đặc biệt ấn tượng với khoảnh khắc hàng lượt nam, nữ thanh niên người Mỹ và có cả người lớn tuổi đứng xếp hàng để xin chữ ký của Thu Thủy Việt Nam hay việc được ưu tiên ngồi chiếc máy bay lên thẳng rộng hơn nhờ có hoa hậu Việt Nam.
“Vui nhất là lúc đến thăm Hollywood - thủ đô điện ảnh thế giới. Hoa hậu Thu Thủy và Á hậu Trịnh Kim Chi đã chụp ảnh chung với các diễn viên điện ảnh, trong đó có bức ảnh với vai diễn trong những phim kinh dị. Lúc đến thăm Disneyland - với những trò chơi mà bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy lạnh sống lưng, nhưng Thu Thủy lại rất thích thú. Ở Washington, thủ đô nước Mỹ, chúng tôi đến thăm Đại sứ quán Việt Nam và chụp ảnh chung với đại sứ Lê Văn Bàng cùng các nhân viên sứ quán. Một cán bộ sứ quán ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được thấy Hoa hậu Việt Nam đấy, rất đẹp”- nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh kể lại.
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh thừa nhận hoa hậu Đặng Thu Thảo không ăn sân khấu, ngoài đời trông cô rạng rỡ, xinh đẹp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.