Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa từng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc ngày 9.3 ca ngợi cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Chúng tôi coi đây là dấu hiệu tích cực đến từ Mỹ và Triều Tiên, khi cả hai nước đồng ý đàm phán trực tiếp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.
“Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể thúc đẩy và đưa ra quyết định chính trị đúng đắn”.
Các nhà phân tích Trung Quốc coi đây là bước đi giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng kêu gọi Bắc Kinh đứng ra làm trung gian.
Shi Yinhong, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ của Đại học Renmin và là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói thông tin này vừa đáng mừng và cũng đáng lo ngại.
Đây là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, nhưng Trung Quốc cũng nên lo ngại vì vai trò bị lu mờ, trong khi quan hệ Washington và Bình Nhưỡng ấm lên, ông Shi nói.
Ông Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, sau khi được Hàn Quốc chuyển lời.
“Trung Quốc cấm vận mạnh mẽ Triều Tiên nhưng lại không nhận được gì từ thỏa thuận thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump”, ông Shi nói.
“Trong cả tiến trình đến cuộc đàm phán này, Trung Quốc đều bị cho ra rìa… Bắc Kinh hoan nghênh bước tiến mới nhưng vai trò gần như không có gì”.
Ông Shi nhận định: “Vị thế của Kim Jong-un trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao nhờ năng lực hạt nhân và mong muốn hòa bình bởi Tổng thống Hàn Quốc”.
Quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng xuống dốc trong những năm qua. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền còn chưa từng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hồi tháng 11 năm ngoái, đặc phái viên của ông Tập đến Triều Tiên nhưng không gặp được Kim Jong-un.
Zhang Liangui, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Đảng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, nói Trung Quốc đang bị vào thế khó. Bắc Kinh nên ngăn cản Triều Tiên ngả về phía Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt tay thân mật với quan chức Hàn Quốc.
“Trung Quốc coi vấn đề hạt nhân là mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên. Giờ đây, hai quốc gia này đang tự giải quyết vấn đề còn Bắc Kinh bị đẩy ra rìa”, ông Zhang nói. “Nhưng vấn đề hạt nhân Triều Tiên ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và Trung Quốc cần phải có tiếng nói trong vấn đề này”.
Trung Quốc từ lâu coi Triều Tiên là vùng đệm, ngăn Mỹ và đồng minh tiếp tục áp sát.
Để giúp Triều Tiên đứng vững trước khó khăn, Trung Quốc nhiều lần viện trợ không hoàn lại và chiếm 90% tổng sản lượng hàng hóa xuất ra nước ngoài của Triều Tiên. Trung Quốc cũng là nước cung cấp năng lượng chính cho Triều Tiên.
Lu Chao, giám đốc Viện Nghiên cứ Biên giới tại Học Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh nói, Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
“Triều Tiên không thể tồn tại nếu thiếu Trung Quốc”, ông Lu nói. “Nền kinh tế Triều Tiên gắn liền với Trung Quốc, hãy nhìn xem lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc có ảnh hưởng như thế nào đối với Triều Tiên”.
Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju là nhân tố giới quan sát phương Tây đặc biệt chú ý, luôn tháp tùng nhà lãnh đạo...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.