Ông Trương Hòa Bình: Chống tiêu cực trong công tác khen thưởng

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 09/01/2019 16:06 PM (GMT+7)
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong công tác thi đua, việc khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, công tâm, công bằng, minh bạch, đúng thành tích, có giá trị giáo dục nêu gương. Phòng chống tiêu cực trong công tác thi đua khen thưởng.
Bình luận 0

Ngày 9.1, tại Hà Nội diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh trong năm 2018, với quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tăng cường kỷ luật kỷ cương, xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những thành quả trên có sự đóng góp quan trọng, tích cực của công tác thi đua khen thưởng.

img

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh VPG).

Năm 2018, đã có trên 55.000 trường hợp được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng. Các phong trào thi đua và các gương điển hình tiên tiến đã lan tỏa trong xã hội, góp phần đẩy lùi cái xấu, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn nhìn nhận, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Ở một số bộ, ngành, địa phương, việc lãnh đạo chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng chưa thực sự được quan tâm sâu sát, có nơi còn chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế; việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự tạo được hiệu ứng sâu rộng. Công tác trình và thẩm định hồ sơ khen thưởng còn kéo dài, chưa động viên kịp thời cho các đối tượng được khen thưởng.

Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực đã đề nghị Ban Thi đua khen thưởng Trung ương sớm sơ kết đánh giá 3 năm phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân là những nhân tố tích cực; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2.

Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Nghiên cứu đổi mới mô hình các cụm thi đua cho phù hợp và tương đồng với tính chất, đặc điểm, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương trong cụm thi đua, bảo đảm việc xét khen thưởng có tính cạnh tranh và thành tích thực chất. Các bộ, ban, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp, các ngành phải xem xét kỹ lưỡng, trước khi đề nghị khen thưởng cần lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đối với một số đối tượng theo quy định.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến tích cực trong khen thưởng cho các đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ công chức, viên chức trực tiếp thi hành công vụ. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, công tâm, công bằng, minh bạch, đúng thành tích, có giá trị giáo dục nêu gương. Phòng chống tiêu cực trong công tác thi đua khen thưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem