"Người Mông ta sống ở Tả Bốc khi lấy vợ là phải đẻ đến khi có con trai, không có thì đẻ tiếp để đến khi có trai hoặc lấy vợ hai, vợ ba… khi nào có trai thì thôi, nếu không sẽ bị người đời khinh thường", đó là câu trả lời của ông Trương Văn Ve (48 tuổi, dân tộc Mông, trú tại xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) về khởi nguồn việc lấy 2 bà vợ và đẻ 21 đứa con của ông.
Nghẹn lòng bữa cơm từ mèn mén và chảo canhCái tiếng ông Ve “vô địch” lấy hai vợ đẻ 21 đứa con khắp vùng núi cao này ai cũng biết. Ông nổi tiếng đến mức ai cũng tò mò muốn gặp ông để tìm hiểu thực hư nên dù vượt gần 40 km băng qua những khúc cua tay áo, vực sâu… nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tìm gặp bằng được.
Đi theo lời chỉ dẫn của người dân "cứ đến ngôi nhà có nhiều trẻ con" nhất xóm, chúng tôi tìm đến nhà ông Ve "vô địch" không quá khó.
Căn nhà sàn ông Ve trú ngụ như... một lớp học bổ túc văn hóa thời xưa. Bởi, trước mắt tôi là 17 em nhỏ đủ mọi lứa tuổi, đứa đang ở dưới nhà, đứa trên nhà, đứa chăn lợn, đứa chặt củi…
Bất ngờ hơn khi cậu thanh niên giới thiệu tên Trương Văn Vàng (SN 1997) là con ông Ve, nhưng khi hỏi Vàng là con thứ mấy trong gia đình, Vàng chỉ lắc đầu nói: “Em không biết nữa vì nhà em đông anh, chị em quá. Em chỉ biết là con bố Ve thôi”.
Do quá đông con nên rất dễ khiến nhiều người lầm tưởng nhà ông Ve là một lớp học văn hóa ngày xưa.
Khi nắm rau dại nhặt ở nương ngô được Vàng được thả xuống chiếc chảo to (loại chảo thường dùng để nấu cháo lợn) và ngọn lửa cháy bùng bùng cháy từ những khúc gỗ nghiến thì cả chục đứa trẻ dừng lại mọi hoạt động. Chúng hướng tất cả ánh mắt cùng cái bụng đói cồn cào về phía chảo canh mà Vàng đang nấu.
Cách nấu canh của Vàng khiến tôi thật sự bị “sốc” khi Vàng đổ xuống chảo gần 5 lít nước, bỏ xuống ít rau rừng, 1 nắm muối rồi đun sôi vậy là thành nồi canh phục vụ 17 miệng ăn đang lăm lăm chực chờ.
Các con ông Ve có đứa cũng chỉ 4 - 5 tuổi không ai bảo ai cầm thìa to, tô, bát… xới mèn mén, múc canh, mỗi đứa ngồi một góc trong nhà ăn.
Khi các em còn đang mải tranh nhau miếng mèn mén cháy thì Vàng đã ăn xong vì hôm nay hai mẹ, anh, chị của Vàng lên nương trồng ngô, giờ họ đang đợi Vàng đưa cơm.
Vàng ấp úng nói: “Có mèn mén ăn no là sướng cái bụng mình rồi, canh còn chưa có mỡ bỏ xuống lấy đâu ra thịt ăn. Em ăn nhanh vì còn phải đưa mèn mén cho hai mẹ, anh, chị đang chờ trên nương nữa, mà nếu có ăn chậm cũng chẳng còn gì mà ăn”.
Gia đình đông anh, chị em quá nên quanh năm thiếu đói 3 - 4 tháng, để có ngô ăn gia đình lại đem đổi gà, bán bò mua ngô ăn chờ đến vụ ngô mới. Đó là cách mà đại gia đình ông Ve vượt qua con đói mùa giáp hạt hàng năm.
Nghèo đói cũng phải đẻ con traiÔng Ve nói tiếng phổ thông khá chuẩn: “Cháu ở bên dự án dân số lên tìm tuyên truyền à, lỡ đẻ nhiều quá rồi, nhưng đồng bào dân tộc vợ đẻ được con trai là ưng cái bụng lắm”.
Vừa ăn bát mèn mén của các con để lại, ông Ve kể lại giai thoại hai bà vợ thay nhau đẻ con của mình: Trước đây khi chưa lấy vợ ông là gia đình giàu có nhất xóm Tả Bốc, nhiều bò, ngô, nhà to nhất xóm không thiếu thứ gì. Năm 1984 ông lấy vợ, sau 4 lần mang thai vợ ông chỉ toàn đẻ con gái, khi qua nhà hàng xóm uống nước, uống rượu lại bị hàng xóm khích bác, là con gái thì ngồi hàng ghế dưới không được ngồi cùng mâm, rồi chắc không có người nối dõi tông đường…
Hậm hực vì không có con trai như hàng xóm, ông Ve quyết định lấy vợ hai vào năm 1993 và đứa con đầu lòng của vợ hai đã đẻ con trai, ông mổ cả lợn ăn mừng vì giờ đã không còn ai khinh thường được ông nữa.
Nhưng trớ trêu thay, khi vợ cả mang bầu đứa con thứ 5 cũng sinh con trai.
Các con ông Ve đang đợi anh trai nấu ăn.
Và cũng từ đây hai bà vợ ông Ve hễ vợ cả mang bầu, thì vợ hai lại đẻ và ngược lại liên tục kết quả là hai bà vợ của ông Ve đẻ được 21 người con. Trong đó bà vợ cả đẻ được 10 đứa con, còn vợ hai 11 đứa con chỉ trong thời gian ngắn trước sự ngỡ ngàng của hàng xóm láng giềng.
Khi giấc mơ vĩ đại có con trai của ông Ve trở thành hiện thưc thì cũng là lúc kinh tế gia đình khánh kiệt và cái nghèo, cái đói cũng từ đây bắt đầu bủa vây lấy đại gia đình ông Ve.
Khi được hỏi, bây giờ ông và hai bà vợ còn đẻ con nữa không, ông Ve nói: “Không đẻ nữa, già rồi”. Tôi lại hỏi, bây giờ ông có 21 đứa con sau này chúng sẽ sống như thế nào, ông Ve chỉ lắc đầu: "Con gái thì gả chồng, con trai chia cho mỗi thằng ít nương rồi lên rừng đốn củi kiếm tiền sống qua ngày, giờ lỡ đẻ ra rồi biết làm thế nào được nữa".
Mèn mén và rau rừng là thức ăn quanh năm của đại gia đình 21 người của ông Ve.
Một đứa con ông Ve đang ăn cơm.
Trương Văn Vàng đang nấu mèn mén cho các em.
Ông Trương Văn Ve đang nhẩm đếm các con của mình.
Ngôi nhà sàn của ông Trương Văn Ve, nơi ở của ông, 2 bà vợ cùng 21 đứa con.
Danh sách các con ông Trương Văn Ve.
Khám phá (Theo Khám phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.