Cuộc trao đổi thẳng thắn giữa ông với doanh nghiệp xăng dầu cùng thông điệp "doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước" khi ông làm Bộ trưởng Bộ Tài chính là một câu chuyện như thế.
Ai theo dõi Hội thảo điều hành giá xăng dầu ngày 20.9.2011 đều thấy được một Vương Đình Huệ bản lĩnh, lý luận sắc bén thế nào. Cái mớ bùng nhùng về xăng dầu trước đó chưa ai gỡ, nay tự dưng có người “công phá” khiến người dân được phen hả hê. Cũng đúng thôi, vì trước năm 2011 giá xăng dầu thường tăng rất mạnh, còn hạ hầu như rất nhỏ giọt khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Vương Đình Huệ thời còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo tường thuật của báo chí, trước khi trao đổi với các doanh nghiệp xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã "đả" cả một số lãnh đạo của Bộ Công Thương. Với Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã yêu cầu, khi ông đang chủ trì cuộc họp do Bộ Tài chính tổ chức thì đừng cắt ngang.
Còn với ông Nguyễn Lộc An- Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, người tự cho là “từng đi thi toán quốc tế nhưng vẫn không hiểu nổi cách điều hành giá của Bộ Tài chính” thì Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói thẳng: “Dù anh học giỏi nhưng cũng cần phải am hiểu thực tiễn”.
Nhưng phải nói, ấn tượng nhất là cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Huệ với mấy ông lớn xăng dầu. Hôm đó, sau mỗi lời phát biểu của ông, nhiều phóng viên đã vỗ tay ủng hộ - điều khá hiếm trong rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng: Nhà nước luôn cần và muốn đứng bên cạnh doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cũng đừng lấy lý do đó mà dọa Nhà nước.
Tiếp đó, ông quả quyết nói: “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác".
Kết thúc phần phát biểu, ông khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, xăng dầu sẽ không tăng giá. Việc điều hành giá xăng dầu trước hết vì quyền lợi của 80 triệu người dân chứ không phải vì 11 doanh nghiệp xăng dầu”.
Nhiều người hẳn còn nhớ, sau phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã xuất hiện nhiều phản ứng tích cực, ở nhiều phía. Rõ nhất là trường hợp Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Lộc An đã bị Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu viết giải trình về những phát biểu tại Hội thảo xăng dầu. Bộ Tài chính cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu lớn...
Sau hội thảo đáng nhớ đó, cái tên Vương Đình Huệ xuất hiện trong rất nhiều câu chuyện. Các trang báo tường thuật về hội thảo xăng dầu có hàng nghìn lượt ý kiến bạn đọc. Thậm chí, trên mạng còn xuất hiện nhiều diễn đàn ủng hộ Bộ trưởng Vương Đình Huệ, như “Hội Những người hâm mộ và ủng hộ Bộ trưởng Vương Đình Huệ”; “1 triệu chữ ký ủng hộ Bộ trưởng “giữ giá xăng dầu”...
Tiếp đó tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, liên quan đến những tồn tại xăng dầu, điện- than, khi có ĐBQH đặt câu hỏi đâu là giải pháp quan trọng nhất, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trả lời rất dứt khoát: “Giải pháp của mọi giải pháp là công khai và minh bạch”.
Ông Huệ lý giải rằng, người dân sẵn sàng ủng hộ mọi chính sách của nhà nước, nhưng cần phải công khai và minh bạch tất cả các vấn đề để nhân dân tin tưởng. Câu trả lời này của ông Vương Đình Huệ được nhiều ĐBQH đánh giá cao...
Sau khi rời Bộ Tài chính sang Ban Kinh tế T.Ư, ông Vương Đình Huệ cũng đã để lại nhiều dấn ấn đậm nét tại đây. Từ một ban được tái lập trở lại và chưa có nhân sự, ông Vương Đình Huệ đã xây dựng một bộ máy hoàn chỉnh và vận hành hết sức trơn tru như hiện nay.
Trong 3 năm công tác tại đây, dưới sự chỉ đạo, điều hành của ông Vương Đình Huệ, Ban Kinh tế T.Ư đã có rất nhiều báo cáo, đề án tham mưu, đề xuất có tầm nhìn chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao.
Tiêu biểu là Tổng kết 30 năm đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Báo cáo cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo; tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; phát triển công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...
Theo đánh giá của nguyên Phó ban Kinh tế T.Ư, PGS. TSKH. Nguyễn Văn Đặng, đội ngũ cán bộ Ban Kinh tế T.Ư dưới sự lãnh đạo của ông Vương Đình Huệ thời gian qua luôn không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng nhiệm vụ được giao; học hỏi từ chính thực tiễn của nhân dân, đất nước, học hỏi những đúc kết thực tiễn - lý luận của Việt Nam và thế giới, coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; thực sự chân thành lắng nghe các đề xuất mới, dân chủ và đoàn kết cùng thảo luận để tìm ra những "chân lý tương đối" phù hợp cho từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có học hàm học vị là Giáo sư tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ông Huệ từng trải qua các chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.