|
Hàng chục triệu người dân Pakistan đang cần tới trợ giúp quốc tế. |
Cộng đồng quốc tế hướng về Pakistan
Đại sứ Pakistan tại LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Zamir Akram cho biết, Pakistan hiện đã nhận được các khoản viện trợ trực tiếp và thông qua LHQ có tổng trị giá lên tới hơn 301 triệu USD.
Hưởng ứng lời kêu gọi viện trợ cho Pakistan, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đồng ý cho Islamabad vay 900 triệu USD để khắc phục hậu quả sau trận lụt lịch sử vừa qua. WB cho rằng tác động của thiên tai đối với nền kinh tế Pakistan là rất lớn và phải mất nhiều năm mới có thể tái thiết lại đất nước.
Bà Melani Brooks - người phát ngôn tổ chức Chăm sóc Quốc tế nói rằng, LHQ cần phải giải thích cho các nước tài trợ rằng khoản tiền cứu trợ dành cho Pakistan sẽ không rơi vào tay phiến quân Taliban.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 39 triệu USD, nâng tổng số viện trợ của khối này cho Pakistan lên hơn 90 triệu USD. Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mức viện trợ của nước này cho Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt lên tới 90 triệu USD.
Trước đó, Pháp cũng đã điều một máy bay chở 700 tấn hàng cứu trợ tới Pakistan, gồm các trang thiết bị y tế, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác nhằm hỗ trợ kịp thời những người bị mất nhà cửa trong đợt thiên tai vừa qua.
3,5 triệu trẻ em đang đối mặt dịch bệnh
Theo số liệu cập nhật ngày 18-8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai tàn phá Pakistan, trong đó có gần 1.500 người chết, hơn 2.000 người bị thương và gần một triệu ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Giám đốc khu vực của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), ông Daniel Toole cho biết, hiện mỗi ngày Pakistan cần có 2 triệu USD để cung cấp nước sạch cho người dân và điều này không thể trì hoãn được.
Vấn đề nước sạch ở Pakistan hiện đang rất cấp bách, bởi theo cảnh báo của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), hiện nay Pakistan đang thiếu nước sạch trầm trọng bởi nguồn nước bị ô nhiễm nặng sau đợt lũ lụt. Điều này ảnh hưởng đến ít nhất 1/4 trong số 170 triệu dân nước này.
Hiện có khoảng 3,5 triệu trẻ em Pakistan đang phải đối mặt với các bệnh dịch lây truyền qua đường nước nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh thương hàn và tả. Ước tính khoảng 6 triệu người Pakistan có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người do nước nhiễm khuẩn.
Về việc khắc phục hậu quả sau thiên tai, Đại sứ Akram cho biết, chỉ tính riêng khoản tiền để tái thiết các khu vực ở miền Bắc, vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua, đã tiêu tốn khoảng 2,55 tỷ USD. Đó là chưa kể thiệt hại về người, mà theo Bộ trưởng Thông tin Pakistan, số phận của khoảng nửa triệu phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở đang bị đe dọa, trong khi các bệnh viện hoặc cơ sở y tế đều thiếu trang thiết bị hỗ trợ.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.