PC Đắk Lắk: Xây dựng Văn hóa an toàn từ chương trình "Tuyên truyền An toàn lao động đến người thân"
PC Đắk Lắk: Xây dựng Văn hóa an toàn từ chương trình "Tuyên truyền An toàn lao động đến người thân"
Hương Cẩm
Thứ hai, ngày 24/07/2023 17:02 PM (GMT+7)
Chương trình "Tuyên truyền An toàn lao động đến người thân CBCNV lao động trực tiếp" do PC Đắk Lắk thực hiện trong năm 2022 đã được EVNCPC công nhận sáng kiến. Năm 2023, ông Trần Tấn Phùng – Phó Giám đốc Công ty, Phó Chủ tịch Công đoàn tiếp tục cùng phòng An toàn triển khai chương trình này tại 14 Điện lực và 2 Đội sản xuất.
Cùng với vai trò của người thân CBCNV trong công tác an toàn lao động, chương trình tuyên truyền năm nay tập trung nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của thực thi Văn hóa doanh nghiệp, làm tiền đề xây dựng Văn hóa an toàn trong Công ty. Trong đó, PC Đắk Lắk triển khai các nội dung tuyên truyền trọng tâm, nâng cao sự nhận diện, nhận biết tầm quan trọng của làm việc an toàn, chấp hành các quy trình, quy định trong thực thi nhiệm vụ và chấp hành luật giao thông trong quá trình lưu thông trên đường, hướng tới mục tiêu "An toàn để về nhà".
Các phóng sự liên quan đến các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các kiến thức gần gũi nhưng đôi lúc chúng ta bỏ quên trong giây lát đều được nhắc lại thông qua các thông điệp gần gũi, dễ ghi nhớ.
Ông Trần Tấn Phùng – Phó Giám đốc PC Đắk Lắk cho biết: "Chúng tôi muốn duy trì thực hiện chương trình nhiều năm vì công tác này càng làm càng cảm thấy chưa đủ. Người thân mặc dù muốn giúp đỡ cho công tác an toàn nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Do đó, chương trình tuyên truyền một lần nữa muốn nhấn mạnh khi có công tác, người thân có thể nhắc nhở để người lao động chú ý đảm bảo sức khỏe, không thức khuya, không uống rượu bia để có thể tham gia công tác nếu có sự cố đột xuất hoặc các công việc trên lưới vào ngày hôm sau. Tâm lý làm việc cũng cần vững vàng, không nên đang làm chuyện này mà nghĩ đến việc khác gây mất tập trung".
Ông Phùng cũng đề xuất người thân khi có công việc gấp cần liên lạc với người nhà thì có thể gọi điện qua một kênh khác như Đội trưởng, Nhóm trưởng hoặc Phó Giám đốc phụ trách của đơn vị để được sắp xếp. Điều này có thể được thực hiện bằng việc công khai số điện thoại của những người chỉ huy trực tiếp và thành lập các nhóm Zalo có sự tham gia của người thân nhằm nắm bắt được lịch công tác, tham gia ý kiến, đề xuất bố trí công việc khác khi người công nhân có vấn đề về sức khỏe, tâm lý không thể tham gia công tác trên lưới.
Bác Nguyễn Lê Anh Minh - người thân của anh Nguyễn Tất Đạt – Điện lực Buôn Đôn cho biết: "Qua buổi tuyên truyền tôi có thêm các kiến thức về an toàn giao thông, an toàn điện, hiểu thêm về công việc của con mình. Tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa để con em làm việc tốt nhất công việc của ngành, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho mình và làm tốt vai trò trong xã hội. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện cho người thân chúng tôi được tham gia một buổi sinh hoạt như hôm nay".
Giành 10 giây suy nghĩ về người quan trọng nhất
Năm 2023, PC Đắk Lắk đã xây dựng chương trình có nhiều đổi mới. Trong đó, ngoài phần phổ biến các lịch công tác hằng ngày thì các đơn vị cũng đưa câu hỏi - "Ai là người quan trọng nhất với bạn?" vào các buổi sinh hoạt đầu giờ để người lao động có cơ hội nghĩ về những điều, những người quan trọng trong cuộc sống, tự nhắc nhở bản thân mình phải làm việc an toàn hơn. Người quan trọng đó có thể là vợ, là con, cha mẹ hoặc là ngay chính bản thân mình. Ý thức được điều này, khi bước vào công tác, mỗi người sẽ cố gắng cẩn thận hơn, chấp hành nghiêm túc hơn.
Đối với người thân, Công ty gợi ý nên thường xuyên hỏi han đến công việc của con, chồng, cha mình bằng những câu hỏi: "Công việc của anh có tốt không?". Qua đó, người lao động có thể hệ thống lại công việc đã làm, xem mình có thực sự nghiêm túc thực hiện các quy trình, quy định chưa hay các công việc được hoàn thành thuận lợi vì chỉ đơn giản là chưa bị cấp trên phát hiện các sai phạm. Những suy nghĩ nghiêm túc về an toàn từ đó được xây dựng từ trong suy nghĩ, tạo tiền đề để xây dựng Văn hóa an toàn trong ngành điện nói chung.
Với sự cởi mở, kết nối đó, những người vợ, người mẹ, người cha, người em… cũng có dịp nói lên những trăn trở của bản thân. Chị Nguyễn Thị Hồng – người nhà anh Lại Huy Hồng, công nhân Điện lực Krông Năng tâm sự: "Nhiều năm là vợ chồng, từng trải qua những giây phút lo lắng khi chồng đi sớm về khuya, từng chứng kiến những nguy hiểm của nghề thợ điện nên tôi đã thấu hiểu hơn và bớt đi những trách móc khi anh không về nhà đúng giờ hay quên ngày sinh nhật vợ. Tôi chỉ mong các anh em công nhân quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân vì phía sau lưng các anh luôn có gia đình cần được chăm sóc".
Chị Ngô Trần Thu Hiền – người thân của anh Vũ Đức Tiến, công nhân Đội Hotline cũng có những bộc bạch: "Qua chia sẻ của chồng thì tôi biết nghề điện nói chung và sửa chữa điện nóng nói riêng rất nguy hiểm. Tôi luôn dặn anh phải chú ý an toàn, bảo vệ bản thân và các đồng nghiệp xung quanh. Thời gian công tác của chồng thì thường phải đi sớm về muộn nên tôi sẽ lo lắng chăm sóc con cái, luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Tôi cũng mong lãnh đạo Công ty quan tâm bố trí các công việc phù hợp với sức khỏe, tần suất hợp lý để các anh công tác tốt, làm việc an toàn và về nhà an toàn".
Qua hai năm liên tục tổ chức, chương trình tuyên truyền An toàn điện đến người thân không chỉ gói gọn trong những kiến thức khô cứng mà thông qua đó, sự tương tác hai chiều giữa đơn vị và người lao động, người thân người lao động đã được gắn kết. Hiện tại, chương trình tuyên truyền đang đi đến chặng cuối với hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn. Từ cơ sở này, PC Đắk Lắk tiếp tục đổi mới nội dung, duy trì sự tương tác để cùng tiến tới mục tiêu "Chúng ta quyết tâm làm việc an toàn từ trong suy nghĩ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.