Petroland thời ông Bùi Minh Chính: Bán đất, nhượng cổ phần vẫn lỗ trăm tỷ

Huyền Anh Thứ năm, ngày 03/10/2019 10:33 AM (GMT+7)
Dưới sự điều hành của ông Bùi Minh Chính, Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland - PTL) liên tiếp gặp khó khăn về tài chính và phải thực hiện thoái vốn, bán đất tại nhiều dự án mới. Tính tới 30/6/2019, lỗ lũy kế của Petroland trên bảng cân đối kế toán vẫn lên tới hơn 238 tỷ đồng. Cổ phiếu vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.
Bình luận 0

Ngày 2/10, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Bùi Minh Chính, nguyên giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland - PTL) để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Kết quả điều tra bước đầu xác định, trong giai đoạn 2012 - 2018, với tư cách là Giám đốc Công ty Petroland, ông Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỷ đồng.

img

Theo giới thiệu trên website của Petroland, ông Chính sinh năm 1961. Ông chính thức giữ chức giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí từ 4/2009 tới nay. Tháng 8/2018, Petroland đã quyết định ông Bùi Minh Chính thôi kiêm giữ chức Giám đốc Công ty để tập trung thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT.

Trong giai đoạn điều hành của ông Bùi Minh Chính, kết quả kinh doanh của Petroland ghi nhận kết quả kinh doanh “èo uột”, chuyển nhượng nhiều dự án.

Lỗ lũy kế hơn 238 tỷ đồng, cổ phiếu vào diện bị kiểm soát

Ngày 30/08/2019 vừa qua, Petroland đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2019, theo đó lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 6,2 tỷ đồng, giảm lỗ 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất là âm 5,87 tỷ đồng, giảm 29% so với nửa đầu năm 2018.

Tuy nhiên, tính tới 30/6/2019, lỗ lũy kế của Petroland trên bảng cân đối kế toán vẫn lên tới hơn 238 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ mức 802 tỷ xuống chỉ còn 796 tỷ đồng.

img

Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng từ mức 370 tỷ đồng lên 393 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Bên kia bảng cân đối, Petroland có tới trên 1 nửa giá trị tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn (444 tỷ đồng), và hàng tồn kho cũng chiếm tới ¼ trong số hơn 869 tỷ đồng tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2019.

Lý giải về kết quả kinh doanh yếu kém, theo Petroland, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do nhiều chi phí phát sinh do xử lý các tồn tại từ giai đoạn trước là nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ.

Với kết quả này, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu PTL của Petroland, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu PTL sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của Công ty.

Trước đó, ngày 13/04/2017 Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra Quyết định số 119/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu PTL của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí vào diện bị kiểm soát do “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là -143,62 tỷ đồng căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 là 1,03 tỷ đồng và có ý kiến ngoại trừ dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2016 chưa đảm bảo khả năng có lãi.

Năm 2018, PTL ghi nhận doanh thu gần 97 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch và báo lỗ gần 18 tỷ đồng.

Thoái vốn, bán đất tại các dự án

Petroland được thành lập vào năm 2007 từ Ban Quản lý dự án công trình xây dựng phía nam của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trụ sở tại 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM.

Trong đó, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) có 36,01% cổ phần; Tổng công ty dầu VN 9%; số cổ phần còn lại là của nhà đầu tư. Cả 2 cổ đông này đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối, như Tổng công ty dầu VN là đơn vị 100% vốn nhà nước, còn PVC có tới 54,45% vốn nhà nước.

Được biết đến là doanh nghiệp có quỹ đất lớn với vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp mới hoàn thiện được 4 dự án lớn là Petroland Tower, Petroland quận 2, chung cư Mỹ Phú và Khu phức hợp 30/4. Việc kinh doanh lao dốc khiến doanh nghiệp tính đến chuyện thoái vốn, bán đất tại nhiều dự án mới.

img

Báo cáo tài chính của Petroland cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2019, công ty còn có tới 147 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Thăng Long. Đây cũng là khoản phải thu ngắn hạn có giá trị lớn nhất tại Petroland tại thời điểm đó.

Khoản phải thu công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Thăng Long thể hiện khoản vốn góp bổ sung của Công ty và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh. Theo hợp đồng chuyển nhượng Petroland Thăng Long, công ty sẽ thu lại khoản góp vốn bổ sung trên và sẽ hoàn trả lại cho Vũ Anh sau khi trừ các khoản thanh toán bao gồm giá chuyển nhượng theo hợp đồng.

Liên quan đến thương vụ chuyển nhượng Dầu khí Thăng Long, theo tài liệu Đại hội cổ đông 2019, trong quá trình thực hiện hợp tác đầu tư dự án Chung cư Thăng Long, do gặp khó khăn về tài chính cũng như tình hình thị trường bất động sản đóng băng nên Petroland đã không thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án như tiến độ đề ra.

Song song, PTL cũng phải chịu áp lực thanh toán khoản nợ 300 tỷ với Vietinbank - CN TP.HCM, khoản vay 100 tỷ đồng của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) và khoản nợ vay ủy thác Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) 60 tỷ thông qua PVX.

Do vậy, Petroland phải thực hiện công tác tái cơ cấu và thoái vốn tại các dự án, trong đó có dự án Chung cư Thăng Long. Đến năm 2016, HĐQT Petroland có Nghị quyết chấp thuận và ủy quyền cho Giám đốc ký hợp đồng thoái toàn bộ phần vốn góp của PTL tại Dầu khí Thăng Long cho Tập đoàn Đất Xanh (DXG) của ông Lương Trí Thín.

Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo kết quả kinh doanh 2018 và kế hoạch năm 2019 của Petroland cũng từng đề câp, qua quá trình xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình tiền hành ký kết, Petroland nhận thấy nhiều điểm gây bất lợi, cũng như tiền ẩn dẫn đến thua lỗ khi thực hiện nhượng cổ phần.

Cũng do có nhiều điểm bất lợi trong hợp đồng 267 cũng làm cho Petroland chưa thể hoàn tất việc thu hồi giá trị chuyển nhượng còn lại, làm ảnh hưởng đến công tác thu xếp vốn để tái đầu tư.

img

Cũng tại văn bản này, Petroland cho biết, việc chuyển nhượng các sàn Văn phòng - Thương mại - Dịch vụ tại Tòa nhà Petroland Tower, trong giai đoạn 2012 - 2017, đã bộc lộ nhiều điều khoản bất lợi dẫn đến việc Petroland phải bù lỗ thường xuyên từ lúc ký kết hợp đồng đến hết thời hạn của dự án (19/09/2058).

Hay như tại dự án Khu đô thị Dầu khí Vũng Tàu, Petroland cũng rơi vào hoàn cảnh chậm thu hồi giá trị còn lại của các khách hàng mua căn hộ tại Dự án.

Dự kiến, năm 2019, Petroland sẽ hoàn thành quyết toán toàn bộ dự án và thực hiện cấp giấy chứng quyền sở hữu cho các khách hàng còn lại tại các dự án Chung cư Petroland Quận 2, Chung cư Mỹ Phú và Tòa nhà Petroland Tower, đảm bảo thu hồi 5% giá trị còn lại của hợp đồng chuyển nhượng đã ký với các khách hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem