PGS, TS Nguyễn Chu Hồi: Phát triển mạng lưới đô thị biển để Việt Nam không mãi "đứng ven bờ"
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi: Phát triển mạng lưới đô thị biển để Việt Nam không mãi "đứng ven bờ"
Thứ ba, ngày 28/07/2020 17:29 PM (GMT+7)
Biển, đảo luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của mọi quốc gia có biển nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Việc ban hành các chiến lược biển Việt Nam (năm 2007 và 2018) là những bước tiến quan trọng về tầm nhìn biển, đảo, vừa giúp đất nước phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, vừa góp phần bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông, cũng như giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo.
Phóng viên Báo QĐND Điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.
"Mặt tiền" hướng biển tạo ra vùng kinh tế động lực ven biển
Xin ông cho biết vị thế và tiềm năng của biển, đảo Việt Nam trong góc nhìn liên kết một Việt Nam đất liền với một Việt Nam biển như thế nào?
- Về mặt phân hóa lãnh thổ, nước ta vừa có núi, có đồng bằng, vừa có biển. Biển nước ta rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa (gồm lòng đất dưới thềm lục địa) và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nói cách khác, đất liền và biển là hai mảng không gian không tách rời và luôn tương tác nhau trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Yếu tố biển luôn được coi trọng, được tính đến, được đặt vào vị trí quan trọng và được phản ánh trong các chủ trương, chính sách, chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về một Việt Nam đất liền thì đây là một “dải đất” hẹp về chiều ngang, nơi hẹp nhất (Quảng Bình) chỉ chừng 49 km, từ bờ biển đến biên giới Việt - Lào; nơi xa nhất theo đường chim bay từ Hải Phòng đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào không quá 500 km. Một vùng lãnh thổ như thế thì các yếu tố biển (tự nhiên và phát triển) đều dễ dàng ảnh hưởng sâu vào không gian đất liền. Cùng với bờ biển trải dài theo hướng bắc nam, lãnh thổ đất liền nước ta có lợi thế “mặt tiền hướng biển”, vì thế dải ven biển và vùng biển ven bờ (đến độ sâu khoảng 30 m) đã được lựa chọn là “vùng kinh tế động lực” với nhiều ý nghĩa khác nhau. Khi nói lợi thế biển nhìn từ đất liền, thì dải ven biển là “hậu phương”, là “bàn đạp” và là không gian liên kết đất liền (đất) và biển (nước). Nói cách khác, chính yếu tố đất và nước đã tạo nên cụm từ “đất nước” thân thương, và cụm từ này đã giúp ta nhận diện đầy đủ một “Việt Nam biển” không tách rời một “Việt Nam đất liền”.
Nói về một Việt Nam biển, thì biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới. Nhìn từ góc độ chiến lược thì khu vực biển này là “nút giao” giữa các luồng tư tưởng chiến lược toàn cầu của các cường quốc. Nổi bật gần đây là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” với “Con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21” cắt qua Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi và Sáng kiến chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” của Mỹ cũng lấy Biển Đông làm “nút thắt”. Có thể nói, Biển Đông trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước lớn trong lịch sử, nơi tích tụ các mô hình chính trị, kinh tế, xã hội,… đa dạng của thế giới, đồng thời cũng là nơi tranh chấp chủ quyền biển, đảo kéo dài, phức tạp và nhiều bên nhất trên thế giới. Từ thời cổ đại, Biển Đông gắn với bán đảo Đông Dương (gồm Việt Nam) với tên gọi tiếng Anh và Pháp đều là “Indo-china” đã minh chứng cho sự cạnh tranh giữa yếu tố Ấn Độ và Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc và “Tứ giác kim cương” (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) đang tạo ra “cân bằng nước lớn” trong khu vực và Biển Đông vẫn là “bàn cờ” của các nước lớn. Trong bối cảnh như vậy, biển cùng với các hệ thống đảo đã trở thành “phên giậu” bảo vệ chủ quyền toàn vẹn đất nước từ phía biển. Cho nên lợi thế biển và lợi thế đất liền không bao giờ tách rời.
Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng-Thanh Hóa - tứ giác phát triển
Vậy cách tiếp cận mới nào sẽ đánh thức được những tiềm năng to lớn của biển đảo, thưa ông?
- Đặt đất nước trong bối cảnh nói trên, Chiến lược biển Việt Nam đến 2030 đã xác định các cơ hội và thách thức, trên cơ sở đó chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển, chuyển dần từ kinh tế biển “nâu” sang phát triển kinh tế biển “xanh” (Blue economy), để làm sao, như các cụ nhà ta nói, “có của ăn, của để”, đừng để “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Triển khai chiến lược này, có quá nhiều việc phải làm, trong đó cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển. Tập trung làm rõ, không chỉ các “lợi thế” mà cả các “yếu thế” của các vùng, miền. Rồi tìm cách chuyển lợi thế thành “lợi ích”, và nếu có yếu thế thì chuyển nó thành lợi thế, rồi thành lợi ích; biến thách thức thành cơ hội.
Ví dụ, một trong những lợi thế của miền Trung về phát triển cảng và hàng hải là có các vũng, vịnh ven bờ khá sâu, ít sa bồi, gần tuyến hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, vùng này cũng có yếu thế là chân hàng (nguồn hàng) khan hiếm,...
Để chuyển yếu thế thành lợi thế, thì việc phát triển chuỗi đô thị ven biển thông qua việc nâng cấp và mở rộng quy mô của những đô thị ven biển có sẵn (Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và Vũng Tàu) và thiết lập các đô thị mới trong tương lai dựa trên việc xây dựng các khu kinh tế ven biển gắn với cảng biển nước sâu (Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Chu Lai - Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong,...).
Sự hình thành “chuỗi đô thị ven biển” như vậy đã gia tăng khả năng thu hút và tích tụ dân số, tạo ra cầu và cung (nhu cầu nội vùng), kéo theo việc tăng nguồn hàng “xuất ngay tại chỗ”. Cứ như thế, bên cạnh việc tạo ra liên kết vùng trong phát triển, những đô thị ven biển “mới” sẽ dần xuất hiện theo thời gian, giống như thành phố Hải Phòng hơn 286 năm về trước. Khi đó, một miền Trung nắng nhiều hơn mưa, nhìn liền phía Tây là dãy Trường Sơn sừng sững, nhìn xuống chân là cát nóng bỏng (dãy cồn đụn cát kéo dài hơn 500 km), nhìn về phía Đông là rủi ro từ biển cả,... sẽ trở thành một miền Trung thịnh vượng, bứt phá từ lợi thế của biển.
Bằng cách nhìn chiến lược như vậy, gần đây Bộ Chính trị chủ trương sẽ ban hành một nghị quyết riêng về định hướng chiến lược phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đánh giá khách quan các lợi thế và tiềm năng cho thấy, Thanh Hóa sẽ trở thành một cực phát triển lớn mới để phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của Thủ đô Hà Nội ảnh hưởng vào miền Trung và hướng ra biển Bắc Trung bộ, còn Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ vẫn là cánh tay nối dài của Hà Nội để hội nhập ra biển. Khi đó, tam giác kinh tế “Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng” sẽ chuyển thành “tứ giác lớn hơn: Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Thanh Hóa, luôn tác động tương tác với nhau và sẽ đánh thức tiềm năng phát triển cho toàn vùng Châu thổ sông Hồng.
Cần phải có mạng lưới đô thị biển và cả đô thị đảo
Để Chiến lược biển Việt Nam đến 2030 sớm đi vào cuộc sống, theo ông đâu là những việc cần làm ngay?
- Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện thành công một chiến lược thì quan trọng nhất vẫn là khả năng cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu, chủ trương và giải pháp lớn của chiến lược thành những hành động cụ thể, thiết thực và kết quả có thể “đo đếm” được. Tổ chức lại không gian kinh tế biển cần dựa trên một “quy hoạch không gian biển” có chất lượng, sát thực, phù hợp với Luật Quy hoạch (2017). Theo cách tiếp cận nói trên, để hướng ra biển, dựa vào biển, vươn ra biển lớn thì cần xây dựng một “Mạng lưới các đô thị biển” với tư cách là những “Cực phát triển” chủ lực, có động lực lan tỏa rộng lớn và có khả năng kết nối không gian kinh tế ven biển, không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển. Không chỉ là một quốc gia biển rộng, Việt Nam còn là quốc gia có nhiều đảo (hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, gồm 2.773 đảo ven bờ), phân bố thành các tuyến/cụm đảo quan trọng, có khả năng phát triển thành những trung tâm kinh tế kết hợp với tuyến phòng thủ biển, đảo; và có bờ biển dài (trên 3.260 km bờ biển).
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới có “chuỗi đô thị ven biển” (Coastal cities), chưa có đô thị đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city). Cho nên, về lộ trình phát triển, cần ưu tiên cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng chuỗi đô thị ven biển, bao gồm các đô thị ven biển hiện có (cũ) từ Móng Cái cho đến Hà Tiên, trong đó có các đô thị trung tâm đóng vai trò chủ lực cho vùng (như: Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,...) và các đô thị ven biển mới gắn với khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu như: thành phố Nghi Sơn gắn với khu kinh tế và cảng nước sâu cùng tên (tỉnh Thanh Hóa); thành phố Kỳ Anh gắn với khu kinh tế và cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chu Lai gắn với khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và cảng nước sâu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); thành phố Vạn Tường gắn với khu kinh tế Dung Quất và cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)... Đồng thời, xây dựng các tuyến giao thông (đường bộ cao tốc và đường sắt hiện đại ven biển, đường hàng không) để hình thành các “tuyến lực” giúp gia tăng khả năng liên kết các đô thị ven biển nói trên, tạo động lực cho liên kết vùng.
Lấy đại dương nuôi đất liền, là "quốc gia biển", không là "quốc gia ven biển"
Vậy thì cần hiểu khái niệm “đô thị biển” như thế nào và đảo nào cần ưu tiên dồn lực phát triển trước, thưa ông?
- Tôi cho rằng, đô thị biển gồm có 3 kiểu loại: Đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị biển được tổ chức thành các chuỗi đô thị tương ứng. Đô thị biển không chỉ là đô thị, mà phải là một cực tăng trưởng trên không gian biển, phải là điểm kết nối các điểm cực tăng trưởng trong ba mảng không gian biển, đảo và ven biển. Ngoài phát triển chuỗi đô thị ven biển như nói trên, thì cần chuẩn bị để sớm xây dựng một chuỗi đô thị đảo ở 12 huyện đảo của nước ta. Tương tự như đô thị ven biển, phát triển đô thị đảo nhằm tạo kết nối đảo với biển và vùng ven biển (đất liền), hình thành các cực phát triển, tạo khả năng tích tụ dân số, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực kinh tế biển, giúp tăng cường thực thi chủ quyền dân sự, tạo “đối trọng” với các sáng kiến chiến lược qua Biển Đông nói trên, góp phần khắc phục những thách thức trong bối cảnh mới ở Biển Đông,...
Ví dụ, các đảo triển vọng phát triển đô thị đảo, như: Cô Tô và Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, cần ưu tiên xây dựng sớm các đô thị đảo ở Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc. Đặc biệt, Côn Đảo có thể đủ điều kiện phát triển như một “Hawaii” (Mỹ) thu nhỏ.
Ngoài ra, đô thị biển, như tên gọi của nó, sẽ phát trển dựa vào biển thay vì dựa vào đất như các dạng đô thị nội địa thông thường. Nền tảng của đô thị biển, tùy theo vị trí của nó, phải là thế mạnh của kinh tế biển. Đô thị biển hướng tới phát triển “nổi trên biển, đảo nhân tạo hoàn toàn hoặc dựa trên nền các đảo nhỏ hay bãi cạn,...”. Đô thị biển như vậy đã có ở một số quốc gia, ngoài phát triển đô thị ven biển đã có, những đô thị đảo nổi tiếng từ những thế kỷ trước, như các nước khu vực Địa Trung Hải, đô thị “nổi trên biển” gắn với cảng biển nổi, sân bay nổi… cũng đã và sẽ được xây dựng ở Trung Đông, Nhật Bản.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, cần phải mạnh dạn tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện mạng lưới các chuỗi đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo, để góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển” chứ không phải “Quốc gia ven biển”. Muốn thay đổi đột phá cần phải nghĩ lâu dài, tạo “thế đứng” trên biển thông qua phát triển một mạng lưới các chuỗi đô thị biển như nói trên. Chỉ như vậy, nước ta mới thực sự tiến ra biển lớn, và chuẩn bị điều kiện công nghệ hiện đại để sớm tiến ra đại dương, “lấy đại dương nuôi đất liền”. Mạng lưới đô thị biển chính là lời giải cho bài toán lâu nay: Việt Nam chỉ đứng ven bờ.
Cần có cơ chế “mở” để thu hút các nhà đầu tư phát triển mạng lưới đô thị biển
Để phát triển mạng lưới các chuỗi đô thị biển, những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là gì thưa ông?
- Muốn phát triển được mạng lưới các chuỗi đô thị biển, cần thay đổi nhận thức và tầm nhìn. Tiếp theo, các nhà kiến trúc có nhiệm vụ xây dựng mô hình nguyên tắc cho đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị biển. Làm sao để các yếu tố cảng, biển, đô thị phải gắn liền với nhau, và quá trình phát triển nhà đầu tư phải bảo đảm 2 nguyên tắc bao trùm, đó là: Hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, và công bằng giữa bảo tồn và phát triển, nhấn mạnh đến trách nhiệm pháp lý của các bên (ví dụ, nhà đầu tư và nhà nước...)
Tiếp đến là chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển mạng lưới đô thị biển ở Việt Nam. Trên cơ sở đó lồng ghép vào các kế hoạch/đề án để các địa phương, bộ, ngành liên quan đến thực hiện nhiệm vụ quy hoạch không gian biển (cấp quốc gia) và phân vùng không gian biển (cấp địa phương). Tuy nhiên, cần phải có những cơ chế “mở” để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển mạng lưới các chuỗi đô thị biển.
Ví dụ, Tập đoàn VinGroup với dự kiến đầu tư xây dựng khu đô thị ven biển ở huyện Cần Giờ, nếu làm tốt sẽ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế biển mạnh hơn, bền vững hơn. Để những dự án như vậy phát triển thuận lợi, cần phải có các nguyên tắc cụ thể làm căn cứ để chủ đầu tư tuân thủ như: Hài hòa lợi ích và công bằng giữa phát triển và bảo tồn; bảo đảm thành phố an sinh, an toàn, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo vấn đề về môi trường... thông qua các ràng buộc pháp lý.
Có thể thấy mạng lưới các chuỗi đô thị biển sẽ góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa có chuỗi đô thị biển đúng nghĩa? Điều gì đang cản trở ý tưởng này thưa ông?
- Như nói trên, tư duy và tầm nhìn phải thay đổi. Một số nghiên cứu về văn hóa biển và xã hội học biển cho rằng, tâm lý “xa rừng, nhạt biển” đã có từ xa xưa, khi con người sống ở các vùng châu thổ màu mỡ, có nhiều thuận lợi và dồi dào nguồn sinh kế. Họ luôn bám lấy đất, mang nặng tư duy đất liền, ngại biển, kinh tế dựa hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên là khởi đầu của tất cả nền kinh tế trên thế giới, nước nào cũng trải qua giai đoạn dựa vào thiên nhiên với các ưu tiên “đào, bới, múc, hút”. Sau này, khoa học và công nghệ phát triển, kéo theo sự thay đổi nhận thức và tầm nhìn, dựa vào công nghệ con người không chỉ khai thác các lợi thế so sánh về mặt tài nguyên vật chất, vật thể, mà còn có khả năng khai thác các giá trị phi vật chất, phi vật thể, vô định hình, bao gồm các giá trị chức năng và dịch vụ của các hệ sinh thái biển, ven biển, đảo. Đồng thời có khả năng giải quyết được các vấn đề công nghệ phức tạp trong xây dựng, khai thác và sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ví dụ, phát triển năng lượng mới, tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biển khác. Xây dựng công trình trên nền đất yếu, thậm chí trên rạn san hô. Hay như thay vì đánh cá đi bán, bây giờ phát triển nghề cá giải trí: Ngắm cá, câu cá, đánh cá, nuôi cá giải trí, nuôi cá cảnh rạn san hô xuất khẩu. Tức là, cá vẫn còn nguyên, con người chỉ khai thác để thưởng thức các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái - nơi các quần đàn cá cư trú, chứ không hưởng thụ giá trị vật chất của chính con cá. Có thể thấy sự khác biệt giữa tư duy dựa vào tài nguyên vật chất và tư duy dựa vào những giá trị dịch vụ, mà biển cho giá trị dịch vụ rất cao. Nói như vậy để thấy đây là thời điểm Việt Nam có điều kiện và năng lực làm chủ vùng biển thông qua phát triển mạng lưới các chuỗi đô thị biển theo lộ trình thời gian được tính toán cẩn trọng để bảo đảm tính khả thi cả về góc độ công nghệ và khả năng huy động đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.