Tiến sĩ giáo dục: "Có tình trạng việc dạy thêm, học thêm tràn lan, thậm chí bị lạm dụng"
Tiến sĩ giáo dục: "Có tình trạng việc dạy thêm, học thêm tràn lan, thậm chí bị lạm dụng"
Tào Nga
Thứ tư, ngày 13/09/2023 07:05 AM (GMT+7)
"Hiện nay tại một số nơi, có tình trạng việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, thậm chí đã bị lạm dụng và làm xấu đi hình ảnh do bị xã hội nhìn nhận, đánh giá sai lệch", PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Giáo dục Hà Nội chia sẻ.
Nhiều phụ huynh dù không muốn, không có nhu cầu nhưng trước "gợi ý" của cô giáo và nhà trường đã không dám từ chối mà đăng ký cho con đi học thêm. Tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan từ lớp 1 đến lớp 12 khiến phụ huynh và dư luận quan ngại, bất bình.
PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Giáo dục Hà Nội xoay quanh vấn đề này.
Chào PGS.TS Nguyễn Chí Thành! Bắt đầu vào năm học hầu như ở lớp nào, trường nào cũng tổ chức dạy thêm, học thêm. Mục đích là tốt nhưng tình trạng này đang bị "biến tướng" gây bức xúc cho phụ huynh. Ý kiến của ông về việc này?
- Việc học sinh tham dự các hoạt động ngoài giờ lên lớp như tham gia Câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, STEM, bồi dưỡng văn hóa hay các hoạt động trải nghiệm theo hình thức ngoại khóa, dã ngoại, tham quan vẫn đang diễn ra trong các nhà trường. Các hoạt động này đa phần được quản lý theo các quy định của các cấp quản lý khác nhau (từ lớp, nhà trường, phòng GDĐT…) với sự đồng thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường.
Đây là hoạt động cần thiết cho việc giáo dục phân hóa theo đối tượng học sinh hướng tới phát triển các kỹ năng khác nhau và theo hướng mở của chương trình nhà trường trong bối cảnh triển khai chương trình GDPT 2018.
Theo quan điểm này, việc dạy thêm, học thêm được đánh giá là hoạt động có thể bổ sung kiến thức cho học sinh với các nhu cầu và năng lực khác nhau. Ví dụ dạy thêm, học thêm có thể giúp học sinh nâng cao năng lực học tập, bồi đắp các các ''lỗ hổng'' kiến thức sau một thời gian rèn luyện theo các nội dung phân hóa mà giáo viên đã thiết kế chuyên biệt cho các đối tượng này. Do vậy đây cũng là cơ hội để giáo viên hiểu rõ hơn về năng lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp cho các đối tượng khác nhau. Trước đây nhiều nhà trường đã tổ chức các lớp học ''phụ đạo'' cho học sinh ''yếu kém'' hay ''bồi dưỡng'' cho học sinh ''khá, giỏi''.
Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ ý muốn phía gia đình học sinh. Cha mẹ mong muốn và tin tưởng vào nhà trường, thầy cô giúp con em mình tiến bộ hơn và quản lý các em trong thời gian gia đình bận rộn với công việc xã hội, tránh được tình trạng các em tham gia vào các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội.
Như vậy có thể nói, trên cơ sở sự đồng thuận giữa gia đình và thầy cô, việc học thêm không có yếu tố tiêu cực, ép buộc. Thầy cô đến với học thêm với động cơ hết sức minh bạch, nghiêm túc là tăng cường kiến thức cho học sinh và phần nào đó là tăng thu nhập thêm cho bản thân một cách chính đáng. Hiện nay một số nghiên cứu cho thấy, việc tham gia học thêm tự nguyện đa số xuất phát từ nhu cầu của những gia đình có điều kiện kinh tế, thu nhập khá giả. Với những gia đình thu nhập thấp, nhu cầu học thêm là thấp và thường là rất khó để tham gia.
Phụ huynh rất lo lắng nếu không cho con đi học thêm sẽ bị cô giáo phân biệt, không quan tâm, trù dập. Theo ông, liệu có tình trạng này không và phụ huynh cần làm gì?
- Hiện nay tại một số nơi, có tình trạng việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, thậm chí đã bị lạm dụng và làm xấu đi hình ảnh do bị xã hội nhìn nhận, đánh giá sai lệch. Lý do là một bộ phận nhà giáo thiếu đạo đức lạm dụng việc dạy thêm để kiếm tiền. Hoạt động dạy thêm, học thêm bị lạm dụng với mục đích không tích cực, không phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo. Ví dụ tình trạng giáo viên ép buộc người học phải đi học thêm qua việc cắt xén chương trình chính khóa, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa. Do vậy, học sinh không đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm. Hay một số giáo viên có cách phân biệt đối xử với học sinh có tham gia lớp học thêm hay không tham gia lớp học thêm một cách thiếu khách quan và thiếu tính nhân văn.
Học sinh có tham gia lớp học thêm sẽ được giáo viên quan tâm, nâng đỡ, thân thiện, hài hòa. Ngược lại, học sinh không tham gia lớp học thêm sẽ không được quan tâm đầy đủ, giáo dục đến nơi đến chốn. Cá biệt có những trường hợp giáo viên có hành động đe dọa, trù dập khiến học sinh và gia đình phải tham gia vào hoạt động này một cách miễn cưỡng. Một khía cạnh tiêu cực khác từ phía giáo viên đó là việc lạm thu trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Cha mẹ học sinh cần thông qua Hội Cha mẹ học sinh để có các trao đổi, phản ánh một cách thẳng thắn bằng các hình thức khác nhau với giáo viên, với Ban giám hiệu nhà trường về các hiện tượng dạy thêm, học thêm bị lạm dụng đối với con em mình. Khuyến khích cha mẹ học sinh dành thời gian hơn trong việc đồng hành, động viên hỗ trợ các con em mình thực hiện các nhiệm vụ học tập của nhà trường, không nên có tư tưởng giao phó toàn bộ trách nhiệm giáo dục học sinh cho nhà trường. Sự phối hợp giữa nhà trường, xã hội và gia đình học sinh là đặc biệt cần thiết trong các trường hợp này.
Trường hợp con em mình cần được bồi dưỡng kiến thức thì trước mắt có thể trao đổi trực tiếp với các giáo viên để xin tư vấn có biện pháp đồng hành cùng con hoặc cùng với nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để tổ chức các lớp học thêm theo các quy định của nhà trường. Nếu nhà trường không có điều kiện thì có thể tìm hiểu, xin ý kiến của giáo viên để cho con em học thêm tại các Trung tâm bồi dưỡng văn hóa được cấp phép hoạt động theo các quy định của chính quyền. Tuy nhiên hoạt động hỗ trợ đồng hành cùng con như dành thời gian tìm hiểu các khó khăn, tạo điều kiện về thời gian, mời các bạn học khá hơn trong lớp học nhóm với con… đóng vai trò quan trọng để giúp các con vượt qua được các giai đoạn khó khăn trong học tập.
Cha mẹ cũng cần có ý thức rõ về học lực của con em mình, không tạo áp lực về thành tích học tập và chạy đua thành tích một cách không thực tế và cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích việc tham gia học thêm, đồng thời thể hiện rõ và có các hành động cụ thể xóa bỏ các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm diễn ra trong lớp của con em mình.
Để quán triệt tình trạng này, vai trò quản lý của nhà trường trong vấn đề ra sao thưa ông?
- Nhà trường cần thống nhất quan điểm là khuyến khích những mặt tốt của hoạt động dạy thêm học thêm và kiên quyết xử lý những mặt tiêu cực của hoạt động này. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc những chủ trương, quy định của nhà nước về việc chấn chỉnh những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm và thực hiện đầy đủ các quy định của ngành Giáo dục nói chung và quy định về dạy thêm học thêm nói riêng đến đội ngũ giáo viên của mình.
Tăng cường cơ chế giám sát giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thực hiện các quy định quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Nhà trường cần kiên quyết xóa bỏ những hoạt động có biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc cũng như gắn trách nhiệm đúng người, đúng đối tượng.
Tư vấn các cấp lãnh đạo cấp trên để điều chỉnh sửa đối các quy định về dạy thêm học thêm kịp thời thay đổi với sự phát triển của xã hội.
Thực hiện đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, hình thức và nội dung kiểm tra, đánh giá, tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ, phân hóa đối tượng học sinh phù hợp… để nâng cao chất lượng dạy học và kết quả học tập của học sinh góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trình độ của học sinh trong nhà trường.
Tận dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học phân hóa theo các đối tượng trình độ học sinh khác nhau, nâng cao năng lực tự học của học sinh. Có kế hoạch trao đổi thường xuyên với cha mẹ học sinh theo các hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt đề ra các biện pháp kịp thời trong việc giáo dục và dạy học đối với dạy thêm, học thêm.
Điều quan trọng là nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phối kết hợp đối với công tác giáo dục, phát triển chương trình nhà trường để các em có thể sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp với các hoạt động thể thao, nghệ thuật hoặc vui chơi giải trí lành mạnh để có thể phát triển toàn diện chứ không phải bị ép vào các lớp dạy thêm, học thêm bị biến tướng, sai lệch như đã trao đổi ở trên.
Điều 4 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT có quy định dạy thêm, học thêm cụ thể về các trường hợp không được phép dạy thêm, học thêm như sau:
''Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. […]
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó".
Bên cạnh đó, điều 5 và điều 6 cũng có quy định về việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Trên thực tế, theo Bộ GDĐT, nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư số 17 đã ban hành các văn bản quy định việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương có hiệu quả, đặc biệt là hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thực hiện theo Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TTBGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng GDĐT.
Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, Bộ GDĐT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.