Phá lúa trồng quất, dân Thanh Hà nhận “đòn đau”

Việt Tùng Thứ bảy, ngày 11/03/2017 19:00 PM (GMT+7)
Hàng trăm ha đất trồng lúa và vải thiều ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã được chính quyền vận động người dân chuyển đổi sang trồng quất trái vụ. Việc chuyển đổi ồ ạt, không tính đầu ra đã khiến hàng trăm ha quất đang chín vàng mà nông dân không màng thu hái...
Bình luận 0

Giá quất rẻ như cho

Những ngày gần đây, về huyện Thanh Hà, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán, ca thán về cây quất trái vụ. Chăm được quả quất biết bao nhọc nhằn, song giờ đây bà con đành bất lực đứng nhìn những ruộng quất chín mọng rồi tự rụng bởi quất rớt giá thê thảm, bán không ai mua.

img

Hàng nghìn hộ dân ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) đang rơi vào vòng luẩn quẩn khi chuyển lúa sang trồng vải, rồi phá vải trồng quất, song quất lại tắc đầu ra.  Ảnh: Việt Tùng

Về giải pháp cứu vãn tình hình quất ế ẩm, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Tôi cũng chỉ mới nghe nói chứ chưa biết giá quất giảm cụ thể như thế nào. Hơn nữa, giá cả, thị trường thuộc về trách nhiệm của Phòng Công Thương, chúng tôi chỉ có trách nhiệm định hướng cây trồng cho bà con”.

Theo số liệu của Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh có hơn 400ha quất, sản lượng khoảng 500 tấn quả, trong đó huyện Thanh Hà chiếm 2/3 (tập trung ở 3 xã Phượng Hoàng, Thanh Sơn và Cẩm Khê). Hầu hết diện tích quất này được chuyển từ đất lúa sang và một phần được chuyển từ đất trồng vải thiều. Được biết khoảng 20 năm trước, huyện Thanh Hà cũng đã chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa sang trồng cây vải thiều và khoảng 3 năm trở lại đây, hàng trăm ha lúa lại tiếp tục được chuyển đổi sang trồng quất trái vụ. Trong đó có hàng chục ha vải thiều đã được chặt đi để trồng quất, với hy vọng hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Huy Bân ở xóm 10, xã Phượng Hoàng, hiện trồng 4 sào quất cho biết: “Ruộng quất của gia đình tôi trước đây trồng lúa, lúa tốt lắm. Hơn 3 năm trước, lãnh đạo xã rồi huyện về vận động chúng tôi bỏ cây lúa chuyển sang trồng quất trái vụ. Họ bảo cứ trồng đi, rồi họ sẽ liên kết hỗ trợ tìm đầu ra. Trồng lúa rất vất vả, giá trị đem lại không cao nên khi lãnh đạo tuyên truyền cây quất trái vụ cho giá trị kinh tế cao gấp 5 – 6 lần, chúng tôi đã nghe theo. Ai ngờ bây giờ lại rơi vào thảm cảnh này”.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng ở xóm 10 nói thêm: “Hầu như cả làng tôi đã bỏ lúa trồng vải thiều hoặc trồng quất. Bây giờ quất không có người mua, ăn không ăn được nên ai nấy đều như ngồi trên đống lửa. Hai năm trước, quất có giá 20.000 – 30.000 đồng/kg, năm ngoái vẫn còn bán được 8.000 – 10.000 đồng/kg, lúc cao nhất còn đạt 18.000 – 20.000 đồng/kg. Nhưng sang năm nay, giá quất tụt xuống 4.000 – 5.000 đồng/kg và gần 2 tháng nay chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg. Với giá này chưa đủ trả công người hái thì lấy đâu ra lãi”.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Huyến (xóm 10) cho hay: “Giá quất chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg, nhưng không phải dễ bán. Mỗi ngày thương lái chỉ mua 20 – 30kg cho các hộ quen biết, còn các hộ khác muốn bán cũng chẳng ai mua. Mấy hôm nay tôi phải thuê người hái quả đổ đi để nuôi cây, nếu cứ đà này tôi cũng đành chặt bỏ đi tìm cách khác thôi”.

“Chuyển đổi bao nhiêu tùy bà con”

img

Ông Nguyễn Huy Bân (xóm 10, xã Phượng Hoàng) bất lực nhìn vườn quất chín vàng mà không bán được.  Ảnh: V.T

Theo người dân nơi đây, sở dĩ quả quất giảm giá thê thảm là vì Trung Quốc không thu mua nữa, thị trường trong nước thì tiêu thụ chậm, nhỏ lẻ, do lượng chanh trong dân sau tết cũng tồn đọng rất nhiều.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Phưởng - Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng thừa nhận, việc hàng trăm ha quất trên địa bàn đang tắc đầu ra là có thật, và xã cũng đang bí, chưa có giải pháp nào về tiêu thụ, bởi lượng quất quá nhiều. “Người Trung Quốc ăn tết muộn nên họ không ăn quất nữa, vì vậy thương lái cũng không thu mua, cộng với cung vượt cầu nên giá sụt giảm mạnh” – ông Phưởng nói.

Để tìm hiểu rõ về quy hoạch cũng như kế hoạch chuyển đổi từ đất lúa sang trồng quất, chúng tôi đã tìm đến UBND huyện Thanh Hà liên hệ làm việc với ông Ngô Đức Vính - Phó Chủ tịch UBND huyện, tuy nhiên ông Vính đang đi công tác và giới thiệu chúng tôi sang gặp bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng NNPTNT huyện. Tìm đến phòng bà Lan thì phóng viên không gặp. Liên hệ qua điện thoại, bà Lan nói có nhận được chỉ đạo của ông Vính, nhưng bà đang đi vắng, rồi nói chúng tôi sang gặp bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện. Tuy nhiên, bà Huệ nói không nhận được thông tin từ bà Lan nên từ chối không tiếp.

Phóng viên phải gọi lại cho bà Lan, lúc đó bà Huệ mới nói: “Tôi chỉ phụ trách cây có múi thôi nên không biết cây quất đang tắc đầu ra”. Phóng viên hỏi cây quất không phải cây có múi thì thuộc loại cây gì, song bà Huệ không trả lời.

Về diện tích quất trên địa bàn cũng như các văn bản thể hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của địa phương, bà Huệ nói: “Tôi không nắm được. Huyện chỉ định hướng cho người dân là chuyển đổi đất lúa và đất trồng vải sang trồng quất ở các xã Phượng Hoàng, Thanh Sơn, Cẩm Chế, chứ không quy hoạch, khoanh vùng diện tích là bao nhiêu, việc chuyển đổi bao nhiêu là tùy bà con”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem