Phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân

Thứ bảy, ngày 11/02/2012 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau cuộc họp do Thủ tướng chủ để chỉ đạo giải quyết vụ cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng, NTNN đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng.
Bình luận 0

Thưa ông, tinh thần và nội dung cuộc họp do Thủ tướng chủ trì với các ban, bộ, ngành, trong đó có Trung ương Hội Nông dân, như thế nào?

- Tại cuộc họp Văn Phòng Chính Phủ đã có báo cáo tổng hợp khá đầy đủ về vụ việc cưỡng chế tại đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đại diện của Thành ủy và UBND TP. Hải phòng tại cuộc họp cũng đã có tinh thần cầu thị, nhận trách nhiệm trong vụ việc này…

img
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (phải) tiếp cận hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng.

Sau khi nghe báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hỏi ý kiến của các thành viên tham gia cuộc họp. Với tư cách đại diện Trung ương Hội Nông dân, tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo trong cả 3 phần: Tóm tắt vụ việc; nhận xét về 5 vấn đề lớn của vụ việc và cuối cùng là 6 kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Để làm rõ thêm cũng như thể hiện quan điểm của Trung ương Hội Nông dân, tôi đã phân tích thêm một số sai phạm của UBND huyện Tiên Lãng trong vụ cưỡng chế tại đầm của ông Đoàn Văn Vươn. Quan điểm của Trung ương Hội Nông dân là hoàn tất nhất trí, đồng tình với kết luận của Thủ tướng về vụ việc này. Và mong muốn các bộ ngành, TP. Hải Phòng sớm triển khai kết luận của Thủ tướng để ổn định tình hình.

Trung ương Hội Nông dân đã có ý kiến nghị gì về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng tại cuộc họp, thưa ông?

- Hội Nông dân Việt Nam với chức năng chăm lo đời sống cho bà con nông dân, là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân đã thường xuyên chủ động nắm tình hình của nông dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho nông dân.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Tiên Lãng, Trung ương Hội Nông dân đã cử đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn thị sát, nắm bắt tình hình, làm việc với các Hội Nông dân cơ sở và chính quyền Hải Phòng. Nhằm mục đích mong muốn vụ việc được sớm giải quyết, ổn định tình hình tại địa phương và bảo vệ quyền và lợi ích hợp của nông dân.

Từ việc nắm bắt thực tế, đối chiếu với các quy định của pháp luật, tại cuộc họp, Hội Nông dân cũng nhấn mạnh, phân tích một số điểm: Về quy định đối với đất khai hoang lấn biển phải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chứ không phải do huyện quyết định như ở Tiên Lãng; sai phạm trong việc không thống kê, kiểm kê tài sản của người dân trên đất thu hồi; không có phương án đền bù, bồi thường cho người dân; không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi; sai phạm trong cưỡng chế và quản lý tài sản người dân sau cưỡng chế… Trước khi Thủ tướng kết luận, Hội Nông dân cũng đã gửi kiến nghị gửi lên Chính Phủ và Thủ tướng.

Vậy nội dung kiến nghị đó là gì, thưa ông?

- Hiện nay người dân và các chủ trang trại đang rất lo lắng và băn khoăn khi sắp đến năm 2013, thời hạn giao đất sẽ hết, họ có còn được tiếp tục thuê đất và sử dụng đất. Thậm chí có nhiều trường hợp đã hết hạn như trường hợp ông Vươn ở Tiên Lãng.

Tôi kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng, trong trường hợp nếu hết thời hạn hợp đồng, mà người dân tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất, đề nghị các bộ, ngành và các cấp chính quyền hướng dẫn người dân chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định.

Chỉ khi nào người dân đang sử dụng đất không muốn thuê thì mới thu hồi. Quan trọng nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai, Ban Chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai cũng đang hoạt động. Do đó, Chính phủ cần sớm có tổng kết, chỉnh sửa những bất cập của Luật Đất đai để nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất, làm ra của cải cho xã hội.

Để không xảy ra các vụ việc đau lòng tương tự như ở Tiên Lãng, theo ông Hội Nông dân Việt Nam cần có những biện pháp gì?

- Đây là một bài học lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đoàn thể trong đó có Hội Nông dân. Theo tôi, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân, cho các cấp Hội và cho cả các công chức nhà nước là một việc làm rất cần thiết. Hiện có rất nhiều chủ trương, chính sách, các văn bản dưới luật chưa đến được với nông dân.

Các cấp Hội phải bố trí kinh phí để mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về pháp luật như về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; dành một phần kinh phí để in sách sổ tay, hỏi đáp tờ rơi để tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ hội nông dân, mỗi cán bộ hội nông dân phải là một tuyên truyền viên cho hội viên nông dân.

Trong những năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trực tiếp tổ chức cũng như chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các luật sư, luật gia đến các tỉnh thành phố, đến tận các bản làng, thôn xóm để tư vấn pháp luật miễn phí cho nông dân. Nay công tác này càng cần tăng cường hơn nữa. Các cấp Hội phải bố trí kinh phí, bố trí nhân lực cho công tác này.

Tôi đề nghị các bộ, ngành, UBND các cấp khi ra một chủ trương gì, chính sách nào và quyết định liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn cần có sự phối hợp, lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trong đó có Hội ND.

Được biết, trong vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng, vai trò của Hội Nông dân Tiên Lãng, Hội Nông dân TP. Hải Phòng rất mờ nhạt. Theo ông, cần làm gì để nâng cao vai trò của Hội Nông dân cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra?

- Đây cũng là một việc rất cần rút kinh nghiệm. Thực ra trong vụ việc ở Tiên Lãng, những văn bản, quyết định ở Tiên Lãng chưa có sự tham gia ý kiến của Hội Nông dân địa phương, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân chưa được đảm bảo. Ở Trung ương thì một số bộ, ngành đã có sự phối hợp khá tốt với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc xây dựng chính sách liên quan đến nông dân, trong việc ban hành những quyết định liên quan đên nông dân, nông thôn.

Nhưng ở địa phương sự phối hợp của các cấp chính quyền với Hội Nông dân địa phương thế nào thưa ông?

- Có thể nói ngay rằng rất yếu. Qua khảo sát các địa phương, tôi nhận thấy Hội Nông dân cơ sở chưa được coi trọng và tham khảo ý kiến. Qua đây, tôi đề nghị các bộ, ngành, UBND các cấp khi ra một chủ trương gì, chính sách nào và quyết định liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn cần có sự phối hợp, lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân.

Các cấp Hội Nông dân cũng phải chủ động nêu cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc bảo vệ hội viên, bảo vệ nông dân. Phải chủ động nắm bắt tâm tư của nông dân, phải nhanh chóng phối hợp với chính quyền trong giải quyết khiếu nại tố cáo, phải tham mưu cho cho cấp ủy, cho chính quyền, cho Hội Nông dân cấp trên để từ đó làm tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho nông dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem