Phải tạo ra văn hóa xin lỗi

Thứ ba, ngày 09/10/2012 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi Báo NTNN mở chuyên mục “Đảng sửa mình để vững mạnh” nhằm thông tin đa chiều về đợt sinh hoạt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, nhiều bạn đọc đã gửi những ý kiến tâm huyết để góp ý cho Đảng...
Bình luận 0

Làm thế nào để củng cố lại lòng tin của dân đối với Đảng? Làm thế nào để phát huy vai trò của đảng viên? Có một số việc, theo tôi chúng ta cần thực hiện ngay.

img
Kể cả khi những sai phạm đã rất rõ ràng, Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình vẫn không hề nghĩ đến chuyện từ chức.

Thứ nhất, việc thực thi pháp luật ở đất nước ta lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối. Phải quy định rõ là đảng viên, với chức vụ đó, tham nhũng đến mức bao nhiêu, hối lộ đến mức bao nhiêu, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước đến mức bao nhiêu thì bị xử ở khung này khung kia hoặc tử hình. Người góp ý, phê bình hay có đơn thư phản ảnh, nếu đúng sự thật như đã phản ảnh hay góp ý thì ai là người bảo vệ cho họ khỏi bị trù dập hay bị làm hại?

Hiện nay, chưa có cơ chế pháp luật rõ ràng để bảo vệ cho người đã có công bảo vệ lợi ích chung của Đảng, Nhà nước, lợi ích của xã hội hay uy tín của Đảng. Nhiều vụ kiện, đơn thư phản ánh vẫn nằm im triền miên không ai giải quyết, hoặc có giải quyết chăng nữa cũng mất thời gian và mệt mỏi, tốn kém và bị hạch sách.

Có một lưu học sinh VN tại Nhật Bản được một người bạn ở tỉnh khác tại Nhật Bản gửi tài liệu học tập. Thư ghi đúng tên và địa chỉ của người nhận, nhưng không hiểu vì lý do tại sao thư không đến mà đúng 1 năm sau, khi lưu học sinh đó chuyển đi ở chỗ khác thì thư lại đến. Một người bạn Nhật Bản của lưu học sinh đó đến góp ý cho bưu điện. Thế là đích thân giám đốc của bưu điện đã làm thất lạc thư đứng ra cúi mình xin lỗi, gửi công văn xin lỗi và cử người điều tra cho ra sự thật.

Sau đó, đích thân người đã phụ trách đưa thư năm đó mang quà đến tận nhà của vị lưu học sinh, cúi mình xin lỗi, giải thích nguyên nhân và lý do. Nếu vị lưu học sinh làm lớn chuyện thì người đưa thư đó sẽ mất việc làm. Việc làm và hành động của vị giám đốc bưu điện Nhật Bản chính là ý thức tự phê bình. Còn ở Việt Nam thì sao? Viên chức cao cấp nhà nước ta, đảng viên có chức vụ chưa có văn hóa xin lỗi như người Nhật.

(Học viện Ngân hàng)

Dù phân vân, dân cũng đã mở lòng

Thời gian qua, chúng tôi đã băn khoăn trước rất nhiều khó khăn, vất vả trong khi một số tấm gương không đẹp dù chấn chỉnh nhiều, thỉnh thoảng vẫn cứ xuất hiện. Bây giờ bà con làng tôi thật mừng khi Đảng và các cấp chính quyền đang triển khai tự phê bình. Đây là một việc làm dân mong đợi từ lâu. Đợt kiểm điểm này, có thể chưa làm đổi thay ngay toàn cục, nhưng qua đây đã thấy Đảng ta thật là thẳng thắn và sáng suốt. Chúng tôi hy vọng mở ra một sắc diện mới trong cuộc sống.

Hãy nói như đã làm!

Có thể nói, đợt sinh hoạt chính trị này là một bước tiến lớn trên con đường làm cho lời nói đi đôi với hành động. Mà trước hết cán bộ, đảng viên nhìn nhận thẳng thắn, nói trúng những điều ta đã làm. Khi nói được như thế tức là người nói đã nhìn thẳng vào sai trái (nếu có) trước đó của mình mà phát ngôn. Nó có tác dụng cao hơn bất kỳ chỉ dẫn nào trên sách vở. Có thể coi đợt sinh hoạt chính trị này đang là trường học lớn để ta học theo Bác, làm cho lời nói lúc nào cũng song hành cùng việc làm.

Vẫn xác định nhiều nguyên nhân khách quan

Đợt sinh hoạt chính trị này đã qua gần 1 tháng. Có thể nói, đến bây giờ mới bước vào giai đoạn thực sự động chạm đến từng tổ chức, từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Đa số tập thể, cá nhân đã rất thẳng thắn tự chỉ ra nhiều yếu kém, khuyết điểm. Nhưng đằng sau những khuyết điểm đó, không ít nơi vẫn xác định quá nhiều nguyên nhân khách quan, lại cứ sa vào kể lể toàn chuyện của thiên hạ. Chẳng khác nào, đống sạn ở sân nhà mình toàn do gà hàng xóm mang sang. Trong khi, yêu cầu của đợt kiểm điểm này là phải chỉ cho ra khuyết điểm, phải xác định cho rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Vì chính nó mới là điều cốt yếu xác định xem đợt sinh hoạt này thật bao nhiêu phần trăm.

Nghe “phê” tưởng khen!

Tổng Bí thư đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc với bản thân, tổ chức mình sinh hoạt, "không trách người góp ý cho ta, phải xác định ai chê ta chính là thầy ta". Quan điểm ấy luôn được quán triệt suốt đợt tự phê bình và phê bình này. Không biết khi phê bình, người phê bình có nói đúng điều mình nhìn thấy và đang nghĩ thế không, mà vẫn có nơi khi tổ chức kiểm điểm, có người phê bình nhau nghe phát ngại, kiểu như: Công việc dù có luôn thông suốt, thành tích của cơ quan luôn cao, nhưng chúng tôi vẫn phải phê bình anh vì anh suốt ngày đêm lăn lộn ở cơ quan, không biết giữ gìn sức khỏe, quên cả gia đình... Chỉ mong sao người "bị phê bình" như thế biết nghe, biết ngượng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem