Phạm nhân bị oan sai lâu nhất nước Mỹ là ai?

Thứ hai, ngày 18/05/2020 18:32 PM (GMT+7)
Điều hối tiếc nhất trong đời Richard Phillips có lẽ là quen Fred Mitchell – người khiến ông bị oan sai 46 năm.
Bình luận 0

Cùng sống tại thành phố Detroit, bang Michigan, Phillips và Mitchell kết thân từ tuổi thiếu niên. Hai người mau chóng trở thành đôi bạn "cùng lùi", cùng nhau bỏ học, uống bia, đánh đấm và nghịch súng bắn đạn sắt. Khi Mitchell (19 tuổi) đi tù vì ngộ sát vào năm 1967, Phillips (20 tuổi) bắt đầu làm lại cuộc đời, xin việc và lập gia đình.

Cuộc sống của Phillips tương đối ổn định cho tới năm 1971 thì mất việc do bị nghi ngờ bày trò đùa quá chớn ở chỗ làm. Cũng khoảng thời gian này, Mitchell được ra tù. Hai người lại giao du và bắt đầu chơi ma túy.

Phạm nhân bị oan sai lâu nhất Mỹ - Ảnh 1.

Bức ảnh cuối cùng Phillips chụp với con trước khi bị bắt. Ảnh: CNN.

Rắc rối của Phillips với hệ thống tư pháp bắt đầu từ ngày 6/9/1971, khi hai tên cướp bước vào hiệu tạp hóa tại vùng ngoại ô thành phố Detroit. Nghi phạm thứ nhất da đen đứng cảnh giới gần cửa, nghi phạm da trắng cầm súng cướp số tiền chưa tới 10 USD. Hai kẻ bỏ chạy bằng ôtô. Từ biển số do người dân ghi lại, cảnh sát truy ra chủ xe thuộc về Richard Palombo - người quen với Mitchell khi trong tù.

Sau khi bị bắt, Palombo mau chóng nhận tội Cướp có vũ trang. Nhưng ai là đồng phạm da đen của Palombo? Tối hôm trước vụ cướp, Mitchell và Phillips ở cùng phòng trọ với Palombo nên cả hai người thanh niên da màu có ngoại hình giống nhau đều bị tình nghi. Nhưng trong buổi nhận dạng, Phillips bị hai nhân chứng xác nhận là kẻ cướp thứ hai.

Tại phiên xét xử Phillips mở tháng 11/1971, Palombo ra tòa làm chứng về vụ cướp nhưng không chịu xác nhận Phillips có phải đồng phạm hay không. Một nhân chứng của bên công tố cũng do dự giữa Phillips hoặc Mitchell. Tuy vậy, Phillips vẫn bị bồi thẩm đoàn kết tội Cướp có vũ trang, lãnh án ít nhất 7 năm tù.

Tới ngày 3/3/1972, thi thể của Gregory Harris (21 tuổi) - em rể của Mitchell, được phát hiện bị vứt bỏ trong bụi rậm gần đường. Người này đã mất tích sau khi rời nhà mua thuốc lá vào ngày 26/6/1971. Ôtô của Harris được tìm thấy một ngày sau khi anh ta mất tích, trên ghế trước có vết như máu khô nhưng cảnh sát không lấy mẫu làm xét nghiệm mà đem trả ôtô cho vợ Harris. Chiếc xe đã được người vợ rửa sạch. Biên bản giải phẫu thi thể cho thấy Harris chết do trúng nhiều phát đạn vào đầu, trong thi thể còn găm hai đầu đạn.

10 ngày sau, Mitchell bị cảnh sát bắt với cáo trạng cướp tài sản và tàng trữ vũ khí trong vụ việc không liên quan. Trùng hợp, Mitchell sở hữu khẩu súng ngắn dùng cỡ đạn. Kết quả giám định cho thấy viên đạn găm trong thi thể có dấu vết trùng khớp như được bắn ra từ khẩu súng này.

Tại cơ quan điều tra, Mitchell khai Palombo và Phillips giết Harris để trừng trị Harris vì cướp tiền từ anh họ trong mafia của Palombo. Mitchell kể vì là anh vợ của Harris nên được Palombo và Phillips nhờ dụ nạn nhân tới chỗ vắng. Sau một tuần bàn bạc, Mitchell đồng ý.

Theo Mitchell, vào ngày Harris mất tích, Mitchell rủ nạn nhân tới gặp Palombo, Phillips, và một người nữa để cả nhóm cùng đi ăn trộm. Sau đó, Mitchell được thả ở quán bar để cảnh giới nên không chứng kiến vụ giết người, chỉ biết hai tiếng sau Palombo và Phillips quay lại.

Mitchell làm chứng rằng được nghe Palombo và Phillips kể lại chi tiết cách gây án và phi tang, sau đó được Palombo đưa cho khẩu súng dùng cỡ đạn trong vỏ gối.

Trong phiên tòa xét xử Palombo và Phillips về cái chết của Harris, luật sư bào chữa của Palombo cố gắng tấn công độ đáng tin của Mitchell và đặt giả thuyết chính Mitchell là hung thủ. Bên bào chữa còn gọi bố mẹ Palombo ra làm chứng rằng con mình không có anh họ nào có tên như Mitchell khai, ngoài ra trong nhà cũng không có ai là thành viên của mafia.

Trái với luật sư của Palombo, luật sư bào chữa của Phillips im lặng gần suốt buổi. Vị này không đối chất Mitchell, không gọi nhân chứng, hoặc trình chứng cứ gỡ tội.

Cuối cùng, kết thúc phiên xét xử vào tháng 10/1972, bồi thẩm đoàn kết án Palombo và Phillips về tội Âm mưu giết người và Giết người cấp độ I dựa chủ yếu vào lời khai của Mitchell, dù không có chứng cứ pháp y buộc tội. Thẩm phán sau đó tuyên phạt hai bị cáo bản án chung thân không ân xá.

Luôn khẳng định bị oan, Phillips tiếp tục kháng cáo nhưng lần lượt bị bác bỏ trong hai năm 1974-1975. Để có tiền thuê luật sư giỏi hơn, Phillips nhận việc trong xưởng in biển số xe của nhà tù với thù lao 100 USD mỗi tháng cùng thưởng - mức lương thấp so với công việc ngoài xã hội, nhưng vẫn được coi là khá trong tù. Ròng rã bốn năm, Phillips tích đủ tiền thuê một trong những luật sư kháng cáo giỏi nhất tại thành phố Michigan.

Dù đối diện với viễn cảnh chung thân không ân xá, Phillips vẫn cố gắng trau dồi bản thân chờ một ngày được ra ngoài làm lại cuộc đời. Ông lần lượt học lấy bằng phổ thông, cao đẳng kinh doanh, cũng như bắt đầu viết thơ để khuây khỏa.

Ngày 1/1/1979, Phillips bất ngờ được biết Mitchell đã bị chuyển tới cùng nhà tù. Trong đầu thoáng qua ý nghĩ "mạng đổi mạng", Phillips liền gọi một bạn tù tới rồi bám sát Mitchell ra ngoài sân tập thể thao, trong ống tay áo hai người sẵn lưỡi dao tự chế.

Phillips biết rõ sân này có điểm mù mà camera giám sát và cán bộ quản ngục không nhìn thấy được. Chỉ chờ Mitchell bước vào đây, Phillips sẽ gây án và có thể thoát tội. Nhưng đúng lúc ấy, Phillips tự nhủ rằng nếu giết Mitchell, anh ta sẽ chứng tỏ rằng bản thân đúng là kẻ giết người như bị quy kết. Cuối cùng, Phillips bỏ về buồng giam.

Năm 1989, Palombo đệ đơn yêu cầu tái thẩm vì cho rằng Mitchell từng thỏa thuận với công tố viên sẽ làm chứng chống lại Palombo và Phillips để được giảm nhẹ tội trong vụ án cướp tài sản không liên quan. Nhưng trong phiên tòa năm 1972, Mitchell lại nói rằng không có thỏa thuận nào. Palombo từ đó cáo buộc công tố viên đã sai phạm khi không công khai thỏa thuận.

Phạm nhân bị oan sai lâu nhất Mỹ - Ảnh 2.

Richard Palombo vào năm 2017. Ảnh: AP.

Nhân cơ hội, luật sư của Phillips cũng đệ đơn với yêu cầu tương tự và được chấp nhận. Tuy nhiên, năm 1993, tòa phúc thẩm hủy quyết định đồng ý tái thẩm của tòa cấp dưới vì cho rằng không đủ chứng cứ kết luận có sai phạm của cơ quan công tố.

Cơ hội tự do bị dập tắt nhưng Phillips không từ bỏ hy vọng. Trong những năm tiếp tục tìm cách minh oan, ông tìm thấy sự khuây khỏa trong việc vẽ tranh. Khi bên ngoài buồng giam là tiếng la hét của phạm nhân và cán bộ, Phillips vẫn miệt mài vẽ trong phòng, đôi khi quá hăng say tới mức tạm quên đi những lá đơn kháng cáo và hành trình 20 năm tìm kiếm người thẩm phán sẽ tin ông vô tội.

Phải mất thêm 17 năm, bước đột phá trong vụ án của Phillips mới tới. Tháng 8/2010, Palombo nộp đơn xin ân giảm và được nhà chức trách phỏng vấn. Sau gần 40 năm chối tội, Palombo thừa nhận đã cùng Mitchell giết hại Harris.

Palombo khai đã gặp Mitchell trong tù khi Mitchell đang chấp hành án tội ngộ sát. Một lần, Palombo thấy Mitchell nói sẽ giết Harris sau khi ra tù vì người này được cho là đã ăn trộm 500 USD của mẹ Mitchell.

Palombo kể ngày 26/6/1971 định cùng Mitchell cướp cửa hàng tiện lợi nhưng không có ôtô để tẩu thoát. Mitchell nói để đi tìm xe, một lúc sau thì quay lại trên xe do Harris lái. Trong lúc chờ Harris mua thuốc lá, Mitchell yêu cầu Palombo đưa súng để trả thù vụ trộm tiền. Mitchell sau đó nổ súng nhiều lần giết chết nạn nhân sau khi bảo Harris đỗ xe trong ngõ.

Khi được hỏi về vai trò của Phillips, Palombo thừa nhận Phillips không liên quan vì khi ấy hai người còn chưa quen nhau. Palombo còn cho rằng Mitchell biết có thể đổ tội giết người cho Phillips vì nhân chứng trong vụ cướp ngày 6/9/1971 cũng từng nhận dạng nhầm Phillips là kẻ cướp. Trên thực tế, chính Mitchell mới là kẻ cướp.

Dù có lời khai mới của Palombo, dường như không người nào có hành động để gỡ tội cho Phillips. Năm 2014, Palombo chủ động liên lạc với Trung tâm Vô tội Michigan về bản án oan của Phillips.

Với sự giúp đỡ của Trung tâm Vô tội Michigan, năm 2016, Phillips đệ đơn yêu cầu hủy bản án để tái thẩm. Trong lúc thảo luận không chính thức, công tố viên đề xuất nếu nhận tội, Phillips sẽ nhận bản án mới bằng thời gian đã ngồi tù và có thể tự do ngay lập tức. Trả lời, Phillips nói "thà chết chứ không thú nhận hành vi mình không làm".

Quyết tâm của Phillips cuối cùng được đền đáp vào tháng 8/2017, khi yêu cầu hủy bản án của Phillips được tòa án chấp nhận. Bốn tháng sau, Phillips được cho tại ngoại chờ tái thẩm, hơn 40 năm sau khi bị kết tội vào tháng 10/1972.

Phạm nhân bị oan sai lâu nhất Mỹ - Ảnh 3.

Trong lúc chờ tiền bồi thường, Phillips phải bán tranh vẽ trong tù để trang trải cuộc sống. Ảnh: AP.

Năm 2018, đơn vị thẩm tra bản án mới thành lập của hạt Wayne, bang Michigan bắt đầu rà soát lại hồ sơ của Phillips. Qua đó, điều tra viên phát hiện thêm nhiều chứng cứ cho thấy Mitchell đã nói dối trước tòa. Ví dụ, giấy tờ của nhà tù cho thấy Palombo được phóng thích hai ngày trước khi vụ án mạng xảy ra nên không thể nhóm họp với Phillips và Mitchell trong một tuần như Mitchell từng khai trước tòa. Ngoài ra, anh trai của Harris cũng xác thực việc Mitchell muốn trả thù khiến anh ta phải trốn khỏi bang Michigan từ tháng 6/1972.

Cuối cùng, ngày 28/3/2018, công tố viên hủy mọi cáo trạng với Phillips trên căn cứ lời khai của Mitchell – chứng cứ buộc tội chủ yếu, được xác định là không đúng sự thật. Hơn một năm sau, Phillips (70 tuổi) được bang Michigan bồi thường gần 1,6 triệu USD vì 46 năm oan sai.

Theo Danh sách người bị kết án oan quốc gia, hiện Phillips là trường hợp bị kết án oan lâu nhất trong lịch sử Mỹ.

Palombo vẫn bị giam giữ sau năm 2014. Khi nCoV "quét" qua nhà tù, Palombo nhận kết quả dương tính, cuối cùng chết ở tuổi 71 vào ngày 19/4, khi đang chờ kết quả đơn kháng cáo tại tòa án tối cao Michigan. Mitchell đã chết từ lâu do nghiện rượu ở tuổi 49.

(Quốc Đạt - theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem