Phạm Thanh Bình bị đề nghị 19 - 20 năm tù

Thứ năm, ngày 29/03/2012 16:44 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sau hai ngày thẩm vấn tại phiên tòa, trong ngày thứ ba xét xử sơ thẩm vụ án Vinashin, sáng 29.3, đại diện VKSND giữ quyền công tố đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo
Bình luận 0

Đối với bị cáo Phạm Thanh Bình, quan điểm của đại diện VKS cho rằng, tuy có một số tình tiết giảm nhẹ nhưng bị cáo có nhiều hành vi phạm tội (phạm tội nhiều lần), hành vi và hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Bình ở mức cao nhất của khung hình phạt với mức án từ 19 - 20 năm tù, tội Cố ý làm trái qui định quản lý của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo chịu liên đới cùng bị cáo Trần Văn Liêm và các bi cáo khác bồi thường thiệt hại cho Công ty Viễn Dương số tiền thiệt hại từ việc mua tàu Hoa Sen số tiền hơn 650 tỷ đồng.

Tổng số tiền thiệt hại của vụ án được VKS tính toán lại còn hơn 733 tỷ đồng

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt theo qui định của pháp luật, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt các bị cáo Trần Văn Liêm mức án từ 17-18 năm tù, Tô Nghiêm 17-18 năm tù, Nguyễn Văn Tuyên 15-16 năm tù, Trịnh Thị Hậu 13-14 năm tù, Hoàng Gia Hiệp 12-13 năm tù, Trần Quang Vũ 11-12 năm tù, Đỗ Đình Côn 11-12 năm tù đều về tội cố ý làm trái qui định quản lý của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài hình phạt, các bị cáo nói trên còn bị đề nghị HĐXX tuyên bồi thường trách nhiệm dân sự đối với số tiền thiệt hại do các hành vi phạm tội gây ra.

Đối với tổng số tiền thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra, căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ và phần thẩm vấn tại phiên tòa, đại diện VKS đã tính tóan lại số tiền thiệt hại theo hướng trừ đi một số chi phí như chi phí sửa chữa tàu, chi phí lãi vay, tổng số tiền thiệt hại được tính toán lại giảm xuống còn hơn 733 tỷ đồng.

Thay đổi tội danh truy tố đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Dương

Riêng đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, khi thực hiện việc ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, Cty Cửu Long chưa phải là thành viên của Tập đoàn Vinashin, Nguyễn Tuấn Dương cũng không phải là quan chức của Vinashin, do vậy bị cáo Dương không phải là đồng phạm của vụ án cố ý làm trái trong việc xây dựng nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng nên không đủ cơ sở để truy tố bị cáo Dương với tội danh cố ý làm trái.

Về số tiền 201 tỷ đồng Cty Hoàng Anh chuyển đặt cọc để Cty Cửu Long đi Hàn Quốc mua máy móc thiết bị đã được Cty Cửu Long ký nhận nợ và hạch toán vào Công ty Cửu Long Vinashin. Tuy nhiên, bị cáo Dương phải chịu trách nhiệm về khoản vay 20 tỷ đồng của Tập đoàn Vinashin nên đại diện VKS truy tố bị cáo Dương tội sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước theo điều 142 BLHS với mức án đề nghị HĐXX xem xét là 3-4 năm tù và buộc bồi thường cho Cty Cửu Long Vinashin số tiền 20 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh theo qui định.

Để bào chữa, cấp dưới đổ lỗi cho cấp trên

Sang phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho các bị cáo Phạm Thanh Bình đều có ý kiến cho rằng bị cáo Phạm Thanh Bình không phạm tội như lời luận tội của Đại diện VKS và số tiền thiệt hại như đã xác định là không đúng.

Luật sư đề nghị VKS phải chứng minh được bị cáo Phạm Thanh Bình và các bị cáo khác phải biết trước được hậu quả sẽ xảy ra và mong muốn xảy ra nhưng vẫn cố ý thực hiện để xác định lỗi cố ý của các bị cáo. Bị cáo Phạm Thanh Bình tự bào chữa, cho rằng trong vụ án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, bị cáo không gây ra bất cứ thiệt hại nào.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Liêm (Cty Viễn Dương) cho rằng bị cáo không đồng phạm tội với bị cáo Phạm Thanh Bình trong vụ mua tàu Hoa Sen. Việc bị cáo đi mua tàu là thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Vinashin (chủ đầu tư). Tập đoàn là chủ đầu tư Tập đoàn chịu trách nhiệm. Việc không chào hàng cạnh tranh là trách nhiệm của bị cáo Phạm Thanh Bình chứ không phải của Trần Văn Liêm. Việc đi mua tàu của Trần Văn Liêm chỉ là “cầm tay chỉ việc”, bị cáo không có quyền gì trong việc quyết định mua tàu Hoa Sen mà chỉ làm theo lệnh của bị cáo Phạm Thanh Bình.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Hậu (Cty VFC) cho rằng với chức năng của VFC, khi đã có đủ hồ sơ, nếu bị cáo không làm thủ tục cho vay thì mới là làm trái. Việc phát hành chứng thư bảo lãnh không thuộc trách nhiệm của bị cáo, vì bị cáo chỉ ký công văn đề nghị, còn việc có phát hành chứng thư bảo lãnh hay không là thuộc quyền của Ngần hàng. Luật sư cho rằng bị cáo Hậu không đồng phạm tội với các bị cáo khác trong việc mua tàu Hoa Sen.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Gia Hiệp đề nghị xem xét lại thiệt hại của tàu Hoa Sen khi tàu vẫn đang hoạt động và hợp đồng tín dụng còn đến năm 2016 mới hết hạn. Theo luật sư, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định chứ không phải ký hợp đồng dân sự để giám định thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem